Việt Nam thiếu những chiếc điều hòa giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Hoàng Minh |
Sẽ cấm nhập khẩu điều hòa sử dụng chất R-22
Theo báo cáo của Công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GfK Việt Nam, hiện, nhóm hàng điện lạnh (điều hòa không khí, tủ lạnh, ti vi, máy giặt) chiếm tới 1/4 doanh thu từ thị trường bán lẻ điện máy của Việt Nam. Dự kiến, đến năm 2020, người Việt Nam sẽ chi tiêu khoảng 97.000 tỷ đồng cho các nhóm thiết bị điện lạnh gia đình.
Riêng lĩnh vực điều hòa không khí, nghiên cứu của trường Đại học bách khoa Hà Nội cho thấy, lượng bán điều hòa tăng trưởng hàng năm hơn 20%, doanh số khoảng 4 - 6 trăm nghìn chiếc trên toàn quốc. Nhu cầu sử dụng các thiết bị lạnh, điều hòa không khí tăng đồng nghĩa với nguy cơ tăng lượng phát thải các loại khí môi chất lạnh có chứa Flo (CFC, HCFC – gọi tắt là R), trong khi đây là những chất gây hiệu ứng nhà kính cao gấp nghìn lần khí CO2, làm thủng tầng Ô zôn mà thế giới đã khuyến cáo cần phải loại bỏ.
Tại Việt Nam, chất HCFC được sử dụng chủ yếu trong thiết bị làm lạnh và điều hòa không khí là R-22, với chỉ số Tiềm năng gây nóng lên toàn cầu (GWP) cao gấp 1.810 khí CO2. Theo “Kế hoạch quốc gia quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam” từ nay cho đến năm 2030: Sau khi đã hoàn thành chuyển đổi công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất điều hòa không khí trong nước, Việt Nam sẽ ban hành lệnh cấm nhập khẩu điều hòa không khí sử dụng R-22 làm môi chất lạnh. Đây là lộ trình mà Chính phủ Việt Nam đặt ra, nhằm thực hiện nghĩa vụ nước thành viên của Nghị định thư Montreal về loại trừ hoàn toàn việc sản xuất và sử dụng các chất làm suy giảm tầng Ôzôn.
Mới đây, Quỹ đa phương thi hành Nghị định thư Montreal đã phê duyệt tài trợ cho giai đoạn 2 Kế hoạch quốc gia quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng Thế giới và Nhật Bản sẽ hỗ trợ 14,6 triệu đô la cho Việt Nam triển khai các hoạt động trong giai đoạn 2017 - 2022. Mục tiêu là cắt giảm 1000 tấn HCFC trong các lĩnh vực sản xuất các thiết bị làm lạnh, điều hòa không khí; sản xuất xốp; bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh.
Bộ Công Thương và Bộ TN&MT sẽ đưa ra Hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC cho các năm sau năm 2019. Đồng thời, khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp sản xuất điều hòa tại Việt Nam đủ tiêu chuẩn, để hỗ trợ thay thế toàn bộ dây chuyền công nghệ sử dụng R-22 sang công nghệ sử dụng các chất thay thế không gây hại cho tầng Ôzôn; ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất, kinh doanh sản phẩm máy lạnh không sử dụng môi chất lạnh R-22…
Tìm dung môi thay thế
Một vấn đề đang được nhiều quốc gia quan tâm là hiện vẫn chưa tìm được môi chất lạnh thay thế hoàn hảo cho R-22. Nhiều hãng sản xuất điều hòa sử dụng R-410a trong 5 năm gần đây, tuy vậy, vì GWP quá cao nên không còn được khuyến khích nữa. Hiện tại, Quỹ Đa phương chỉ tài trợ khi chuyển sang sử dụng R-32, HFO, Hydrocarbon và đồng ý bổ sung tài trợ để nâng cao hiệu suất năng lượng của điều hòa không khí (kết hợp loại trừ R-22 và tiết kiệm, nâng cao hiệu suất năng lượng).
Tại Việt Nam, R-32 sẽ được lựa chọn để thay thế R-22 trong sản xuất điều hòa. Theo Văn phòng Ô zôn (Bộ TN&MT) – đơn vị chủ trì thực hiện Kế hoạch loại trừ HCFC, Quỹ đa phương sẽ tài trợ kinh phí cho các doanh nghiệp sản xuất điều hòa tại Việt Nam chuyển đổi sang dây chuyền công nghệ sản xuất điều hòa của Nhật Bản từ sau năm 2017, sử dụng khí R32 (GWP=675). Đối với các thiết bị làm lạnh, đặc biệt là làm lạnh trong ngành chế biến thủy, hải sản, Amonia là một lựa chọn thay thế phù hợp cho R-22, tuy vậy, Amonia khá độc hại và không thể sử dụng trong khu vực dân cư. Các chất HCFC có nhiều nhưng giá thành thiết bị cao, chưa có thiết bị công suất lớn sử dụng nên chỉ dùng cho các kho nhỏ, lắp nhiều máy công suất thấp với lượng gas HCFC dưới 2 kg.
Bên cạnh đó, giai đoạn tới, sẽ chú trọng đào tạo huấn luyện kỹ năng bảo dưỡng, sửa chữa vận hành các hệ thống máy lạnh, điều hòa dân dụng để giảm lượng khí thải R-22 trong những thiết bị mà các gia đình đang sử dụng hiện nay. Mục tiêu là đào tạo kỹ năng cho hơn 6.000 thợ sửa chữa trong 5 năm.
Theo ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục KTTV&BĐKH (Bộ TN&MT), nguy cơ tăng phát thải các chất khí HCFC là thách thức cho Việt nam, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước trong cải tiến và chuyển đổi công nghệ sản xuất bền vững với môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả. Từ đó, góp phần thực hiện các cam kết mục tiêu giảm phát thải KNK quốc gia trong INDC, lần lượt là 8% bằng nguồn lực trong nước và 25% khi có hỗ trợ quốc tế.
Trên thị trường, khá nhiều dòng điều hòa được quảng cáo là giảm hiệu ứng nhà kính vì sử dụng sử dụng khí R-410a làm môi chất lạnh thay thế khí R-22. Tuy vậy, theo Văn phòng Ô zôn (Bộ TN&MT), chỉ số Tiềm năng gây nóng lên toàn cầu (GWP) của R-410a cao hơn cả R22, gấp khoảng 2.000 lần khí CO2. |
Trên thị trường, khá nhiều dòng điều hòa được quảng cáo là giảm hiệu ứng nhà kính vì sử dụng sử dụng khí R-410a làm môi chất lạnh thay thế khí R-22. Tuy vậy, theo Văn phòng Ô zôn (Bộ TN&MT), chỉ số Tiềm năng gây nóng lên toàn cầu (GWP) của R-410a cao hơn cả R22, gấp khoảng 2.000 lần khí CO2.
Khánh Ly