Mất hàng trăm nghìn ha rừng, ai chịu trách nhiệm? - Bài 3: Đổi mới công ty lâm nghiệp để cứu rừng

11/01/2019 17:11

(TN&MT) - Các công ty lâm nghiệp Tây Nguyên được chuyển đổi từ các lâm trường, nhưng hoạt động không hiệu quả như kỳ vọng và để mất hàng trăm nghìn hécta rừng...

 

(TN&MT) - Các công ty lâm nghiệp Tây Nguyên được chuyển đổi từ các lâm trường, nhưng hoạt động không hiệu quả như kỳ vọng và để mất hàng trăm nghìn hécta rừng tự nhiên. Để cứu rừng, các tỉnh Tây Nguyên đang tiếp tục sắp xếp, đổi mới phương thức hoạt động của các công ty lâm nghiệp.
 

daknong1
Rừng tự nhiên bị chặt phá tại một Công ty TNHH Gia Nghĩa - Đắk Nông.

 

Còn nhiều tranh chấp đất đai

 

Đề án đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2025 của Bộ NN&PTNT cho biết: Tây Nguyên hiện có 55 công ty lâm nghiệp, được giao quản lý là 998.523 ha đất lâm nghiệp. Thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới hoạt động của công ty nông lâm nghiệp, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới 55 công ty lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

 

Việc sắp xếp, đổi mới của các công ty nông, lâm nghiệp Tây Nguyên không chỉ liên quan đến việc giữ rừng mà còn liên quan đến sinh kế và đời sống của hàng triệu người dân. Các địa phương như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum… được xem là những “điểm nóng” khi sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Bởi những nơi đây từ lâu nay đã tồn tại các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp về đất đai. Tại Đắk Nông, việc sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chủ yếu về tài chính, đất đai... Đến nay, các đơn vị đã phê duyệt đề án sắp xếp, đổi mới và kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, mới chỉ có 3/6 đơn vị được phê duyệt phương án sử dụng đất. Đắk Nông cũng là địa phương thực hiện rà soát, đo đạc, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khá chậm. Địa phương mới hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc cho 10 công ty nông lâm nghiệp sau khi sắp xếp, đổi mới. Trong khi đây là địa phương có diện tích đất đang bị lấn chiếm khá lớn với gần 38.000 ha đất lâm nghiệp.
 

daknong2
Công an khám nghiệm hiện trường một vụ chặt phá rừng tại phép tại Công ty TNHH Gia Nghĩa - Đắk Nông.

 

Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 14 công ty nông lâm nghiệp thuộc địa phương quản lý và 15 công ty thuộc các tổng công ty, tập đoàn. Đến nay, tỉnh vẫn có khoảng 10.000 ha đất lâm nghiệp đang còn tranh chấp, bị lấn chiếm hoặc cấp trùng. Ông Nguyễn Nhĩ -  Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai, cho biết: Hiệu quả sử dụng đất đai của địa phương còn quá thấp, diện tích chưa sử dụng còn nhiều, tình trạng lấn chiếm đất đai giữa hộ dân với công ty nông, lâm nghiệp thường xuyên xảy ra, tình trạng giao khoán vườn cây chậm thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng… Việc triển khai đo đạc, cắm mốc chậm diễn ra ở các địa phương quản lý nhà nước về đất đai của các cấp chính quyền. Các chủ thể quản lý chưa tương xứng, còn buông lỏng, thiếu quan tâm và chưa kiên quyết xử lý dứt điểm các tình trạng xâm lấn tranh chấp đất đai qua các giai đoạn nên đến nay rất phức tạp và rất khó giải quyết thỏa đáng.

 

Còn tỉnh Đắk Lắk hiện có hệ thống công ty nông lâm nghiệp lớn nhất Tây Nguyên với 46 công ty, trong đó có 25 công ty tỉnh quản lý và 21 thuộc các tập đoàn, tổng công ty quản lý. Đến nay, tỉnh vẫn có trên 21.000 ha đang còn tranh chấp, bị lấn chiếm, hoặc cấp trùng. Theo ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, tình trạng xâm xanh, lấn chiếm, sử dụng đất trái phép tuy có giảm nhưng chưa chấm dứt. Trong quá trình xây dựng phương án sử đụng đất, giữa doanh nghiệp và các huyện, thị chưa thống nhất được diện tích giao về địa phương, diện tích doanh nghiệp giữ lại nên làm chậm quá trình phê duyệt phương án sử đụng đất.
 

easup7
Gỗ tự nhiên được lâm tặc chặt hạ từ rừng của Công ty lâm nghiệp Ya Lốp - Đắk Lắk.
 

 

Trả phí môi trường cho cây công nghiệp

 

Tại buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên về sắp xếp, đổi mới các công ty nông lâm nghiệp vào tháng 4/2018, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho rằng:  Rà soát đất đai là bước cơ bản, quan trọng để đẩy nhanh việc sắp xếp đổi mới các công ty nông lâm nghiệp. Do đó, lần này các địa phương phải giải quyết dứt điểm không để tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn. Nếu không nguy cơ về tranh chấp, xung đột, mất an ninh trật tự sẽ vẫn còn. Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng yêu cầu các địa phương phải khẩn trương hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc rà soát đất đai phải tạo được sự đồng thuận giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

 

Ông Lê Trọng Yên - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông, đề nghị: Bộ NN&PTNT cần hướng dẫn các công ty lâm nghiệp được trồng rừng theo phương thức lâm nông kết hợp, sản xuất nông nghiệp nhưng đảm bảo độ che phủ rừng. Bên cạnh đó, chi trả dịch vụ môi trường rừng mới chỉ được tính đối với rừng tự nhiên. Còn đối với những loại cây trồng như: điều, cao su, mắc ca… mặc dù đã được công nhận là cây lâm nghiệp, trồng trên đất lâm nghiệp nhưng không thuộc đối tượng được tính toán để chỉ trả dịch vụ môi trường rừng. Do đó, để tạo công bằng và tăng nguồn thu cho các đơn vị, cần đưa các loại cây trồng trên vào diện được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho rằng: Nếu không có dịch vụ môi trường rừng, các công ty lâm nghiệp sẽ rất khó duy trì hoạt động. Các đơn vị rất khó khăn về vốn điều lệ, vay vốn, trong khi quản lý tài sản lớn về đất, rừng nhưng không được thế chấp để vay vốn. Vì vậy, tỉnh Kon Tum đã đề nghị được thí điểm thuê rừng đặc dụng trồng sâm Ngọc Linh để tăng nguồn thu trong khi đó vẫn góp phần bảo vệ và phát triển rừng.

 

Hiện tỉnh Đắk Lắk đang chờ các văn bản hướng dẫn để sắp xếp, đổi mới 15 công ty lâm nghiệp. Theo ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, căn cứ vào thực tế địa phương có thể sẽ có 12 hoặc 13 (chiếm 80%) công ty lâm nghiệp được tổ chức lại theo dạng doanh nghiệp công ích, số còn lại là cổ phần hóa hoặc chuyển thành ban quản lý rừng. “Cần phải hiểu rằng việc tiếp tục sắp xếp đổi mới các công ty lâm nghiệp không phải chỉ để cứu các công ty lâm nghiệp, điều quan trọng nhất là để cứu rừng Tây Nguyên. Dù chuyển đổi thành hình thức nào thì cũng phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ cụ thể của các công ty lâm nghiệp, gắn trách nhiệm của chủ rừng trong công tác bảo vệ rừng thì mới giữ rừng được” - ông Dương cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mất hàng trăm nghìn ha rừng, ai chịu trách nhiệm? - Bài 3: Đổi mới công ty lâm nghiệp để cứu rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO