Mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ luật pháp Việt Nam

Khương Trung (lược ghi)| 08/11/2019 16:17

(TN&MT) - Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Bất cứ doanh nghiệp nào vào Việt Nam làm ăn đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, giúp Việt Nam thịnh vượng lên. Tương tự, mạng xã hội Việt Nam tồn tại bên cạnh với điều kiện mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành phiên chất vấn. Ảnh Quốc Khánh

Bà Tô Thị Bích Châu (TP HCM), Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) tranh luận việc có cần phát triển hệ sinh thái số, mạng xã hội Việt Nam hay không. Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia đặt vấn đề này từ thực tế muốn làm chủ, bởi "nếu không làm chủ không gian này, sẽ khó nói tới tự chủ kinh tế".

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, ngay khi trở thành Bộ trưởng, việc đầu tiên là ông lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội Việt Nam và đặt mục tiêu số lượng phải tương đương mạng xã hội nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh Quốc Khánh

Và sau một năm, theo số liệu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, mạng xã hội Việt Nam đã tăng trưởng 30%, lên 65 triệu người dùng. Số lượng này sẽ tăng lên 90 triệu vào năm 2020 với sự ủng hộ "ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của người dân.

"Hiện giờ nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì... đều nằm trên mạng xã hội. Nghĩa là não người Việt Nam tập trung ở một chỗ và chỗ này hiện không nằm ở Việt Nam. Sau này họ sẽ dùng vào việc gì? Điều này rất nguy hiểm, đấy là an ninh quốc gia", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành cũng khẳng định không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài. "Việt Nam đã hội nhập, mở cửa kêu gọi đầu tư. Nhưng ai vào Việt Nam làm ăn đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, giúp Việt Nam thịnh vượng lên. Tương tự, mạng xã hội Việt Nam tồn tại bên cạnh với điều kiện mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam", ông nói.

Sớm có quy định của pháp luật về xử lý vấn đề tin giả 

ĐB Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, hiện nay, người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông mà nhiều người gọi là "báo chí nhân dân". Trong đó, có nhiều trang mạng xấu, độc nhưng có một lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội. Bộ trưởng cho biết, giải pháp nào để thuyết phục bất cập nêu trên, không bị động chạy theo xử lý hậu quả? 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, câu chuyện về giải pháp đối với tin xấu, độc trên mạng xã hội là câu chuyện mang tính toàn cầu, không chỉ riêng nước ta mà cả thế giới đang phải đối diện với câu chuyện tin sai sự việc, tin xấu trên mạng xã hội. Theo Bộ trưởng, giải pháp trước hết phải là hành lang pháp lý. 

Riêng câu chuyện về xử lý tin giả, một nước trong ASEAN gần đây nhất đã ra một luật về xử lý tin giả là Singapore. Tinh thần chung của luật là xử lý nghiêm minh và có tính răn đe những người tung tin giả, từ mức phạt đến hàng triệu USD tới phải đi tù. Các mạng xã hội cũng xử phạt mạnh tay hơn và thậm chí một số quốc gia, người đứng đầu mạng xã hội, nếu vi phạm cũng phải đi tù. “Sắp tới, chúng ta sẽ ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an. Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có quy định của pháp luật về xử lý vấn đề tin giả”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội. Ảnh Quốc Khánh

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, chúng ta gặp vấn đề tin giả tin sai sự thật chủ yếu trên các nền tảng xã hội nước ngoài, các nền tảng trong nước thì cơ bản quản lý được. Đối với quản lý nền tảng xã hội nước ngoài, Bộ Thông tin - Truyền thông đã có nhóm làm việc chuyên trách với Tổng Cục thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước làm việc thường xuyên.

Hàng tháng, mục tiêu của chúng ta đặt ra là các nền tảng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật, có yêu cầu dứt khoát rất quan trọng là có thể tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội là không xác định danh tính, thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên. Các nền tảng xã hội đấy phải có công cụ tự động để tự động xóa bỏ những tin xấu độc đã được xác định, hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước để gỡ bỏ những thông tin xấu, độc. 

Nhận định việc tin xấu độc từ đâu mà ra, Bộ trưởng cho rằng, cũng có khi từ chính chúng ta mà ra. Do đó, vấn đề giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trên không gian mạng là rất quan trọng. Bộ đã kiến nghị và làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa giáo dục kỹ năng sống trên môi trường số, không gian mạng vào trường phổ thông. Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta chưa quen lắm với việc phải có rất nhiều kỹ năng và phải ứng xử ra sao, phân biệt được đúng sai không gian mạng.

“Nếu chúng ta đã đọc một tin xấu là vô hình chung nuôi cái tin xấu và làm cho mỗi lần đọc tin xấu là mỗi lần người đưa tin xấu đấy được hưởng lợi, tức là quảng cáo tăng lên. Vô hình trung, chính chúng ta lại là người lan toả những thông tin này”, Bộ trưởng chia sẻ. 

Hạ 46 trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (thường trực Uỷ ban Tư pháp) nêu tình trạng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng xảy ra nhiều, phức tạp hơn về đối tượng, độc hại hơn về nội dung, đa dạng hơn về phương thức và tinh vi hơn về thủ đoạn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời rằng, Bộ có một lực lượng để giải quyết các trang mạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đưa thông tin gây hoang mang dư luận. "Hai tháng qua, Bộ đã làm rất mạnh, gỡ 207 trang mạo danh, trong đó có 46 trang liên quan đến tên của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước".

Đại biểu Bùi Thanh Tùng nói thêm, không chỉ riêng lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà còn có cá nhân, doanh nghiệp, người nổi tiếng cũng bị giả mạo trên mạng. Do đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ xây dựng một trung tâm tiếp nhận làm đầu mối xử lý thông tin. "Đúng là bây giờ có chuyện cá nhân bị giả mạo không biết kêu ai, phản ánh đến các nền tảng xã hội cũng không phải dễ dàng. Đồng thời sắp tới chúng tôi đề nghị một số báo, nhất là báo số lượng độc giả lớn, báo điện tử để có chuyên mục tuyên truyền về việc này" Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đặt vấn đề, Luật An ninh mạng ra đời nhưng vẫn còn thông tin nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thông tin lừa đảo, đe doạ khủng bố. Bộ trưởng Hùng sau đó giải thích rằng, thực tế đã giải quyết vấn nạn này trước khi Luật ra đời. 

Sau khi Luật An ninh mạng ra đời, những yêu cầu gỡ bỏ thông tin xấu, độc và chống phá nhà nước được các nền tảng mạng xã hội nước ngoài đáp ứng nhiều hơn. "Trước đây, Việt Nam yêu cầu 100 thì chỉ khoảng 30% yêu cầu được thực hiện còn bây giờ thì khoảng 70%. Với Google, khi Việt Nam yêu cầu gỡ tin thì tỷ lệ thực hiện đã lên đến 85%. Mới đây, Facebook đã tuyên bố không quảng cáo những trang thông tin chống phá nhà nước Việt Nam" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.

Toàn cảnh phiên Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh Quốc Khánh

Cần phải sắp xếp lại hệ thống báo chí

Trả lời đại biểu về vấn đề quy hoạch báo chí, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, có 868 cơ quan báo chí gồm báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình. Chúng ta cũng nhận thấy, cần phải sắp xếp lại theo hướng tức là mỗi tờ báo, tạp chí, đài phát thanh có những lĩnh vực chuyên sâu của mình, không có chuyện như trước kia nữa, tức là chấn chỉnh hoạt động báo chí trong một thời gian trước đây chúng ta cũng có sự buông lỏng. 

Bộ trưởng cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch báo chí và Bộ cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện sau đấy 2 tháng. 

Cụ thể, tháng 4 Thủ tướng ký quy hoạch thì tháng 6/2019, Bộ đã ban hành kế hoạch gồm hai bước. Bước một, trong năm 2019 quy hoạch xong các cơ quan báo chí của các Bộ khoảng 40 Bộ. Bước 2, năm 2020 thực hiện xong quy hoạch báo chí của các bộ, ngành và địa phương. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các địa phương, các bộ, ngành và các đồng chí lãnh đạo quan tâm chỉ đạo để thực hiện tốt quy hoạch này. 

Nhà báo phải tự nhận thức về sứ mệnh của mình 

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc bảo vệ đời tư của người dân trên báo chí, Bộ trưởng cho rằng đã có những quy định rất rõ ràng trong Luật Báo chí. Đặc biệt là khi đưa tin về các vụ án xâm hại tình dục, không được khai thác chi tiết. 

Theo Bộ trưởng, bây giờ xác định đâu là ngưỡng chấp nhận được, đâu là ngưỡng vượt quá. Chuyện khai thác chi tiết liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và nhận thức của nhà báo. 

“Chúng tôi nghĩ nghề báo là một nghề rất đặc biệt. Bản thân nhà báo phải tự nhận thức về sứ mệnh của mình là vì lợi ích cộng đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói. 

Bộ trưởng cho biết sẽ cùng với Hội Nhà báo tăng cường hơn nữa trong công tác giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức của nhà báo và đặc biệt là sứ mệnh và trách nhiệm của những người làm nghề báo đối với xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ luật pháp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO