Quan trắc, khoanh vùng các khu vực động đất
Mạng lưới trạm quan sát động đất ở Việt Nam được hình thành và phát triển với mục đích chính nghiên cứu các quy luật biểu hiện động đất trên lãnh thổ, góp phần giảm nhẹ thiên tai phục vụ cho việc phát triển bền vững của đất nước. Bắt đầu từ năm 1923, trạm địa chấn đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng tại Phủ Liễn. Cho đến nay, mạng lưới đài trạm quan trắc động đất quốc gia do Viện Vật lý Địa cầu vận hành và được nâng cấp với thời gian. Hai Dự án lớn nhất về tăng cường năng lực cho mạng lưới trạm quan trắc động đất quốc gia đã được thực hiện tại Viện Vật lý Địa cầu đó là: Dự án “Tăng cường và hiện đại hóa mạng lưới trạm địa chấn Việt Nam” và Dự án “Tăng cường mạng lưới trạm quan sát động đất phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ở Việt Nam”.
Kết quả của hai dự án đã hình thành mạng lưới địa chấn quốc gia Việt Nam bao gồm 30 trạm địa chấn đã góp phần cung cấp các số liệu không thể thiếu trong việc thiết kế và xây dựng các đập thủy điện như: Hòa Bình, Trị An, Sơn La... cũng như các nhà máy xi măng, nhiệt điện, điện nguyên tử, các mỏ, cầu, đường, cảng và nhiều công trình khác.
Đồng thời, kết quả nghiên cứu đã phân vùng nhỏ động đất là đánh giá và hiệu chỉnh ảnh hưởng của điều kiện nền đất tới cường độ chấn động động đất, một phần quan trọng của địa chấn công trình và của nghiên cứu địa chấn nói chung. Ở Việt Nam, cho đến nay, việc phân vùng nhỏ động đất đã được áp dụng cho một loạt các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Điện Biên, thành phố Vũng Tàu và nhiều công trình trọng điểm khác của đất nước. Các kết quả phân vùng nhỏ động đất cho phép đánh giá khả năng khuếch đại rung động nền trong động đất mạnh, từ đó, đưa ra những khuyến cáo về thiết kế kháng chấn cho các công trình xây dựng tại các thành phố lớn. Tính đến hết năm 2017, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã phát hiện và cảnh báo 370 trận động đất trên toàn lãnh thổ và thềm lục địa của Việt Nam, với độ lớn nằm trong khoảng từ 0,7 đến 4,7 độ theo thang Mô men.
Cảnh báo sớm sóng thần
Ngoài thiên tai động đất, Việt Nam còn là một trong 5 nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trước hết là vùng ven biển và các đảo nhỏ. Những thiệt hại nặng nề về người, của và những hậu quả lâu dài những trận động đất và sóng thần gây ra trong vòng một thập kỷ gần đây tại các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương càng cho thấy tầm quan trọng của nền khoa học và công nghệ biển Việt Nam nói chung và lĩnh vực nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm của các tai biến thiên nhiên trên biển ở nước ta nói riêng. Chính vì vậy, việc hoạch định một chiến lược thực hiện việc nghiên cứu các hiện tượng tai biến thiên nhiên nguy hiểm như động đất, sóng thần và đề xuất những hướng nghiên cứu ưu tiên về các hiện tượng này trên các vùng biển và ven biển nước ta đã trở thành một nhiệm vụ cấp bách.
Hiện nay, Viện Vật lý Địa cầu đang quản lý và vận hành một mạng lưới đài trạm quan trắc động đất quốc gia và nhiều mạng lưới đài trạm quan trắc động đất địa phương trên khắp đất nước. Viện Vật lý Địa cầu với Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần cũng là cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm trước Chính phủ về ra các thông báo về động đất và cảnh báo sóng thần trên toàn đất nước Việt Nam. Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã đại diện cho Việt Nam trở thành một thành viên chính thức của Hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu thiệt hại do sóng thần khu vực Thái Bình Dương (PTWS). Đây là hệ thống cảnh báo sóng thần lớn nhất thế giới do tổ chức UNESCO lập ra, với 43 nước thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam. Các hoạt động cảnh báo sóng thần được phối hợp chặt chẽ giữa các Trung tâm Cảnh báo sóng thần quốc gia thành viên với hai Trung tâm Cảnh báo sóng thần đầu não của hệ thống là Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ và Trung tâm Tư vấn sóng thần Tây Bắc Thái Bình Dương của Cục Khí tượng Thủy văn Nhật Bản.
Các cảnh báo sóng thần phát đi từ hai Trung tâm Cảnh báo sóng thần đầu não được truyền trực tiếp tới các Trung tâm Cảnh báo sóng thần quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Quy trình phát thông báo được thực hiện liên tục trong thời gian sóng thần đang hoành hành trên toàn khu vực và chỉ kết thúc sau khi hiểm họa sóng thần đã triệt tiêu. Nội dung của các thông báo này cũng ghi rõ những vùng bờ biển của các quốc gia có khả năng bị sóng thần tấn công, độ cao sóng tới bờ, thời gian tới.
Trên thực tế, sóng thần trong một thời gian dài không được coi là thiên tai nguy hiểm nhất ở Việt Nam so với những thiên tai khác như: bão, lụt, lũ quét,… Cho đến nay, chưa có tài liệu chính thức nào được công bố về thiệt hại do sóng thần tại Việt Nam và mặc dù, có nhiều dấu hiệu cho thấy, sóng thần đã từng gây thiệt hại cho cộng đồng cư dân ven biển miền Trung Việt Nam trong quá khứ, song tất cả những bằng chứng này chưa bao giờ được nghiên cứu đầy đủ nên chúng vẫn chỉ được coi như là những giả thuyết cần chứng minh. Tuy vậy, là quốc gia biển, các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam rất cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu và xem đây là một loại hình nguy hiểm cần cảnh giác và có những giải pháp ứng phó khi thiên tai ngày càng biến đổi khắc nghiệt hơn.