Niên vụ năm nay, huyện Mai Sơn có trên 6.500ha diện tích đất trồng cà phê, dự báo sản lượng cà phê quả tươi đạt khoảng 89.000 tấn. Các hộ đăng ký hoạt động chế biến tập trung chủ yếu tại các xã: Chiềng Ban, Chiềng Mung, Chiềng Chung, Chiềng Dong, Chiềng Kheo….
Để chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường, ngay từ đầu năm 2022, UBND huyện Mai Sơn đã tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND 22 xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó, có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xả thải trái phép gây ô nhiễm. Giao UBND các xã, thị trấn tổ chức ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản, chăn nuôi, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.
Theo lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Mai Sơn, Đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện đã thường xuyên tổ chức kiểm tra nắm bắt tình hình. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử phạt 3 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sơ chế nông sản. Gồm 2 cơ sở tại xã Chiềng Ban, Nà Ớt có hành vi lắp đặt đường ống xả nước thải sơ chế cà phê chưa qua xử lý ra môi trường; 1 cơ sở tinh bột dong tại xã Hát Lót xả nước thải trực tiếp ra môi trường. UBND huyện đang hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định.
Nhìn chung, thời gian qua, Mai Sơn đã có nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các hộ quy mô nhỏ đã có sự chuyển biến tích cực, đã chủ động hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường. Bước đầu đã đầu tư các bể chứa lưu giữ nước thải cà phê, giảm tình trạng xả thải trực tiếp ra môi trường.
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải sơ chế cà phê quả tươi đạt quy chuẩn theo quy định đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, mặt bằng rộng, trong khi các hộ sơ chế nông sản không có nghề và công việc ổn định, thu nhập của gia đình chủ yếu phụ thuộc mùa vụ. Việc tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh sơ chế, chế biến cà phê lắp đặt camera giám sát khu vực xử lý nước thải gặp nhiều khó khăn. Hoạt động sơ chế thường diễn ra vào ban đêm và sáng sớm gây hạn chế cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Cùng với đó, sản lượng cà phê quả tươi trên địa bàn huyện rất lớn, ước tính phải sơ chế gần 1.000 tấn/ngày, trong khi 2 nhà máy trên địa bàn là Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La và Hợp tác xã xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh mới chỉ thu mua, chế biến đáp ứng khoảng 1/4 sản lượng cà phê.
Cộng thêm, hiện nay, pháp luật về bảo vệ môi trường không quy định loại hình sơ chế cà phê phải thực hiện cấp giấy phép môi trường, do đó khó khăn trong quá trình quản lý. Việc thực hiện đăng ký môi trường và xử lý vi phạm với đối tượng không đăng ký môi trường trong sơ chế cà phê còn thấp, chưa đủ tính răn đe.
Với quyết tâm không để xảy ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước niên vụ năm nay, huyện Mai Sơn sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động của Đoàn liên ngành cùng các Tổ công tác thường xuyên kiểm tra, giám sát với các hộ đăng ký sơ chế nông sản, chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sơ chế chưa đăng ký môi trường, chưa có hệ thống thu gom, lưu chứa nước thải trong hoạt động sơ chế nông sản.
Chỉ đạo UBND cấp xã, đặc biệt là xã Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Mai, Chiềng Dong tiếp tục rà soát, kiểm tra giám sát các hộ thực hiện sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không có biện pháp thu gom, xử lý, lưu chứa lượng nước thải phát sinh, xả nước thải sơ chế cà phê ra môi trường; trường hợp vượt quá thẩm quyền hoàn thiện hồ sơ và chuyển vụ việc vi phạm đến cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định.