Lý Sơn: Báo động cạn kiệt nguồn nước ngầm

22/05/2017 00:00

(TN&MT) - Dù mùa nắng nóng mới chỉ bắt đầu nhưng người dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã phải đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Nguyên nhân được xác định là do tình trạng khai thác nước ngọt ồ ạ nên nguồn nước ngầm ở đây đang bị cạn kiệt. Trong khi đó, công tác bảo vệ, tái tạo nguồn nước ngọt trên đảo đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí.

Người dân Lý Sơn loay hoay tìm nước ngọt
Người dân Lý Sơn loay hoay tìm nước ngọt

Mùa hạn đến sớm

Do không có nguồn nước mặt tự nhiên từ sông, suối như ở đất liền nên hơn 22.000 người dân trên huyện đảo Lý Sơn phụ thuộc phần lớn vào nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm ở đây đang bị cạn kiệt dần, mới đầu hè, nhiều hộ gia đình tại đảo Lý Sơn đã không còn nước ngọt, nhiều giếng cung cấp nước ngọt chính cũng đã bị nhiễm mặn.

Nhà bà Bùi Thị Kim Châu, đội 6, thôn Tây, xã An Vĩnh có tổng diện tích chưa đầy 500m2 nhưng có tới 10 giếng khoan. Bà Châu cho biết: Do nhà ở ngay trên mỏ nước ngọt nên bà con đến xin đóng giếng. 10 cái giếng ngày đêm thi nhau hút nước sinh hoạt và nước tưới cho hành tỏi mỗi khi vào vụ nên khoảng tháng 9 năm ngoái đến nay nguồn nước bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều gia đình trên đảo đã phải đi mua nước ngọt về ăn uống còn tắm giặt thì vẫn phải dùng nước nhiễm mặn.

Từ chỗ Lý Sơn chỉ có 132 giếng khoan và hơn 400 giếng đào, đến nay, người dân đã ồ ạt khoan giếng, nâng tổng số giếng khoan lên hơn 1.300 cái. Thế nhưng, không phải giếng mới nào cũng đem lại hiệu quả. Ông Phạm Văn Ba, xã An Vĩnh cho biết: "Phải tốn hàng chục triệu đồng người dân mới có được cái giếng nhưng không phải giếng nào cũng đem lại hiệu quả, tức là có nước ngọt, nhiều giếng sau khi hoàn thành thì bị nhiễm mặn ngay do nguồn nước ngọt đã cạn kiệt dần".

Mật độ giếng khoan hiện nay trên đảo Lý Sơn đã quá dày, cùng với đó là sức nóng của những công trình bê tông hóa khiến nước mưa không thẩm thấu, cứ rơi xuống là chảy tuột vào cống, thoát ra biển khiến Lý Sơn vốn đã không chủ động được nguồn nước, nay lại mất đi lượng nước ngọt đáng kể. Việc khai thác nước ngầm quá mức đã gây nhiễm mặn tầng chứa nước. Xung quanh đảo bị nhiễm mặn với diện tích hơn 1,6 km2 tính từ mặt biển vào.

Kết quả điều tra cho thấy, trữ lượng nước ngầm của huyện đảo Lý Sơn khoảng 26.300 m3, nhưng nay đã khai thác khoảng 22.000m3. Việc thiếu nước ngọt ở Lý Sơn là câu chuyện không mới, nhất là vào vụ Hè Thu. Dù đã có nguồn nước từ Hồ chứa nước Thới Lới, nhưng diện tích gieo trồng có khả năng bị hạn của huyện là trên 550 ha. Nhu cầu nước ngọt cho sinh hoạt và tưới cho cây trồng cao, trong khi nguồn nước đang bị cạn kiệt nên người dân tốn rất nhiều chi phí cho việc mua nước để sử dụng, nhất là vào mùa nắng nóng.

Có đủ nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất là mơ ước của nhiều người dân ở huyện đảo Lý Sơn
Có đủ nước ngọt để sinh hoạt và sản xuất là mơ ước của nhiều người dân ở huyện đảo Lý Sơn

Đâu là giải pháp lâu dài?

Ông Nguyễn Đức Trung- Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết vừa qua, đơn vị đã tiến hành quan trắc, kiểm tra 6 giếng do Bộ TN&MT khoan để đánh giá ban đầu về lượng khai thác mạch nước ngầm. “Mạch nước ngầm đang khai thác vượt quá mức cho phép. Trên cơ sở tính toán, số liệu đối chiếu của Bộ TN&MT thì trữ lượng nước ngầm cho phép khoảng 16.000m3/ngày đêm, nhưng thực tế quan trắc lượng khai thác tại đảo Lý Sơn đến 21.000m3/ngày đêm, vượt hơn 5.000m3/ngày đêm”, ông Trung cảnh báo. Mặc dù đã có những cảnh báo về sự mất an toàn của nguồn nước ngầm, nhưng tình trạng khai thác vẫn diễn ra. Huyện ủy Lý Sơn đã chủ trương nghiêm cấm việc đào, khoan, đóng giếng trái phép, đồng thời trám lấp các giếng khoan trái phép.

Tuy nhiên, giải pháp không cho đào, đóng thêm giếng mới hay xúc tiến xây dựng hệ thống trữ nước mưa trên đảo thì cũng là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, trữ lượng nước ngọt sẵn có trên đảo Lý Sơn sẽ không đủ để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp như hiện nay. Do vậy, vấn đề lâu dài đang được tính đến để “giải khát” cho đảo Lý Sơn là phải đầu tư hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt.

Theo ông Nguyễn Viết Vy- Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, về lâu dài thì nhất thiết phải đầu tư dự án xử lý nước biển thành nước ngọt để bảo vệ nguồn nước trên đảo và cung cấp nước ngọt cho dân. Thực tế, hệ thống thiết bị biến nước biển thành nước ngọt đầu tiên được lắp đặt ở đảo Bé từ năm 2012 do phía Hàn Quốc tài trợ đã cung cấp cơ bản nguồn nước ngọt phục vụ cho khoảng 500 nhân khẩu trong vùng. Tuy nhiên, để thực hiện dự án này thì cần nhu cầu vốn rất lớn. Theo tư vấn của các đơn vị chức năng thì lên tới 20 triệu USD nên rất khó thực hiện, trước mắt cần đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước mưa trên đảo.

Việc đầu tư hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt cho đảo Lý Sơn là giải pháp tối ưu để giúp Lý Sơn “tự chủ” được nguồn nước phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế trong bối cảnh thời tiết, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn… ngày càng gia tăng. Tuy nhiên để giải bài toán nước ngọt bền vững cho huyện đảo Lý Sơn, địa phương đang cần sự quan tâm, đầu tư của nhiều nguồn lực.

Bài & ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lý Sơn: Báo động cạn kiệt nguồn nước ngầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO