Trong nước

Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần đảm bảo đồng bộ về pháp luật bảo vệ môi trường

Khương Trung - Thanh Tùng 28/05/2024 - 20:41

(TN&MT) - Tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho rằng cần đảm bảo đồng bộ về pháp luật bảo vệ môi trường cũng như cần có quy định chuyển tiếp về quản lý, sử dụng đất đai tại khu công nghệ cao Hòa Lạc và về thẩm quyền quản lý đất đai của Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc.

280520240322-z5484334082835_4234a043e84b07a13ebaffd1eeba8de6.jpg
Bí thư Thành uỷ Hà Nội tham dự phiên họp chiều 28/5

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 28/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cần đảm bảo đồng bộ về pháp luật bảo vệ môi trường

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nhận thấy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã tiếp thu rất nhiều nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, qua rà soát, đại biểu cho rằng, vẫn còn một số quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đồng bộ, chưa đột phá, chưa thực sự huy động được nguồn lực để giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường Thủ đô.

070420230901-nguyen-tuan-anh.jpg
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Về vùng phát thải thấp quy định tại Điều 3 và Điều 28, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, quy định về vùng phát thải thấp tại khoản 6 Điều 3 và tiêu chuẩn môi trường tại khoản 3 Điều 28 không đồng bộ về pháp luật bảo vệ môi trường, do đó, đề nghị trong trường hợp vẫn quy định như dự thảo Luật cần có báo cáo về cơ sở khoa học xác định thế nào là mức phát thải thấp để đảm bảo tính khả thi trong quy định này.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng đề nghị, cần có chính sách đột phá so với pháp luật hiện hành đó là phân quyền cho Hà Nội về điều chỉnh phân luồng môi trường. Do đó, đại biểu kiến nghị sửa lại điểm 3, khoản 3 Điều 28 như sau: HĐND Tp.Hà Nội quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự thủ tục, xác định điều chỉnh vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và lộ trình áp dụng quy chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với từng phân luồng môi trường. Đồng thời cần rà soát bổ sung quy định phù hợp để tránh vướng mắc trong thực tiễn khi áp dụng Luật này và Luật Quy hoạch.

280520240205-28.jpg

Về huy động nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường quy định tại Điều 34 và Điều 37, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị sửa đổi khoản 5 Điều 34 thành: Ngân sách TP. Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại khoản 4 Điều này để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường.

Đồng thời sửa đổi khoản 1 Điều 37 theo hướng tăng cường phân quyền cho Hà Nội trong việc phê duyệt các dự án trọng điểm về bảo vệ môi trường.

Quy định chuyển tiếp về quản lý đất đai tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang bày tỏ đồng tình cao đối với các quy định về chính sách vượt trội trong dự thảo Luật Thủ đô nhằm phát triển đồng bộ các khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời hoàn thiện các biện pháp đặc thù để Khu công nghệ cao Hòa Lạc phát triển bền vững và có bước đột phá sau khi được chuyển giao về Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội quản lý, tương xứng với vị trí, vai trò.

280520240347-z5484435321617_09721a0d458f7da8a407b8a7347bb163.jpg
Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Đại biểu Lý Thị Lan bày tỏ tán thành với các quy định tại khoản 1 Điều 24 về phân quyền cho Ủy ban nhân dân Tp.Hà Nội quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do mình thành lập phù hợp với năng lực, nhu cầu phát triển của Thủ đô. Đại biểu cũng đồng tình cao với nguyên tắc áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất cho các dự án, hoạt động đầu tư vào khu công nghệ cao, các biện pháp ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến làm việc tại các khu công nghệ cao.

Đồng tình cao với việc bổ sung, hoàn thiện các quy định mang tính đột phá, vượt trội của dự thảo Luật tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 giúp cho khu công nghệ cao Hòa Lạc có nhiều hơn nữa cơ hội, lợi thể để phát triển. Trong đó, nổi bật là hai nhóm giải pháp chính sách về quy định vượt trội bố trí vốn ngân sách của thành phố hỗ trợ khu công nghệ cao Hòa Lạc nhanh chóng xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, đặc biệt là xây dựng khu nhà ở lưu trú cho người lao động thuê; cho phép nhà đầu tư sản xuất sản phẩm trong khu công nghệ cao Hòa Lạc được chuyển đổi mục tiêu sang nghiên cứu phát triển, ươm tạo, đổi mới sáng tạo; quy định đặc thù về xác nhận tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc…

Nhóm các quy định về vị trí pháp lý về Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các quy định về phân quyền của thành phố cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc trực tiếp thực hiện một số thẩm quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, lao động, đất đai, xây dựng…

280520240316-z5484391666762_50595e93f4d7f59a3f6589556695b48f.jpg
Toàn cảnh phiên họp

Đồng thời, đại biểu Lý Thị Lan cho rằng Luật Thủ đô cần có quy định chuyển tiếp về quản lý, sử dụng đất đai tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc và về thẩm quyền quản lý đất đai của Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần đảm bảo đồng bộ về pháp luật bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO