Trong nước

Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thanh Tùng 28/06/2024 - 09:40

Sáng 28/6, với 462 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 95,06%), Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều, quy định về vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

5(1).jpg
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo đó, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.

Về tổ chức chính quyền đô thị, chính quyền địa phương ở TP. Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND Thành phố, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, xã, thị trấn thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố là UBND phường - là cơ quan hành chính nhà nước, được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.

Luật quy định, HĐND TP. Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND. Số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ít nhất là 25% tổng số đại biểu HĐND. Thường trực HĐND TP. Hà Nội hoạt động chuyên trách, gồm Chủ tịch HĐND, không quá 3 phó chủ tịch HĐND và các ủy viên. Số lượng thành viên Thường trực HĐND Thành phố do HĐND Thành phố quyết định, bảo đảm không quá 11 người.

Theo Điều 33 Luật Thủ đô cũng quy định, HĐND thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong trường hợp thật cần thiết, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc sai giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt.

Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm; chưa được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy được thẩm duyệt, cũng có thể bị cắt điện nước. UBND các cấp tại Hà Nội có thể yêu cầu ngừng cấp điện, nước với cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp.

Luật cũng quy định các chính sách về tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn hóa, thể thao, du lịch; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

tung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng rình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Trước khi các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua, trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền tại TP. Hà Nội không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô mà cả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (khoản 1 Điều 8).

Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của UBND phường trong việc quyết định các nội dung mà theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải do HĐND cấp xã quyết định hoặc phải được HĐND cấp xã thông qua trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của TP. Hà Nội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành cho các cơ quan của TP. Hà Nội (Điều 49 và Điều 50) để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Do Luật Thủ đô chỉ quy định những cơ chế, chính sách đặc thù, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP. Hà Nội nên ngoài Luật này, Thủ đô vẫn chịu sự điều chỉnh của các luật, văn bản khác trong tổng thể hệ thống pháp luật. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu các ý kiến tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới. Đồng thời, cùng với Chính phủ, chính quyền TP. Hà Nội tiếp tục quán triệt trong quá trình ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và tổ chức thực hiện Luật Thủ đô.

Sáng 28/6, với 464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,47%), Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Nghị quyết nêu mục tiêu của chủ trương là nhằm xây dựng tuyến cao tốc trọng điểm kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và những địa phương khác trong vùng và TPHCM, tạo không gian, động lực phát triển mới cho Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ. Ngoài ra còn khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản, từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên.

Dự án có chiều dài khoảng 128,8km, chia thành 5 dự án thành phần. Dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.111 ha. Trong đó đất trồng lúa khoảng 12 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 1.041 ha, đất ở khoảng 12 ha; đất rừng sản xuất khoảng 46 ha. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

Tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 25.540 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương là 10.536,5 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 2.233,5 tỷ đồng, vốn do nhà đầu tư thu xếp là 12.770 tỷ đồng. Quốc hội đặt ra tiến độ thực hiện dự án từ năm 2024, cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO