Luật Đất đai (sửa đổi): Kỳ vọng sẽ bảo vệ tối đa quyền của người sử dụng đất
(TN&MT) - Ông Đoàn Thanh Phong ở thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho rằng, sau khi nghiên cứu và thông qua việc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) thì người dân rất mong muốn lần sửa đổi này có sự đổi mới mới mang tính đột phá để góp phần xử lý những khó khăn, vướng mắc, cũng như giải quyết các vấn đề về chính sách thiết thực và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Đoàn Thanh Phong, trên thực tế, việc thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội đã giúp việc triển khai dự án được nhanh chóng, phát huy hiệu quả sử dụng đất và tránh được những khiếu kiện liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ, tái định cư, trên cơ chế tự nguyện thoả thuận nên được sự đồng thuận của người dân.
Thực tiễn cho thấy, tại các vùng nông thôn, khi đất được quy hoạch thành đất ở thì người dân chỉ chuyển mục đích lên đất ở đối một phần diện tích nằm trong hạn mức, phần diện tích còn lại sẽ giữ nguyên mục đích là đất vườn, trồng cây lâu năm,.. Như vậy, thửa đất chưa chuyển mục đích sẽ không được thoả thuận, trong khi thửa đất này có vị trí tương đồng, có quy hoạch tương tự thửa đất liền kề đã được chuyển mục đích sử dụng đất lên đất ở.
Do đó, mong muốn Luật Đất đai mới này nên thêm những quy định riêng đối với trường hợp đất khác không phải là đất ở, miễn là phù hợp với các loại quy hoạch, đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất và các điều kiện khác để thực hiện dự án, thì quy định cho phép thực hiện việc thoả thuận, như vậy sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập.
Ngoài ra, Luật Đất đai hiện tại quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế, gây bức xúc cho người bị thu hồi đất. Thực tế thời gian qua, có nhiều nơi việc bồi thường không đủ bảo đảm sinh kế lâu dài cho chủ thể bị thu hồi đất; cũng như chủ đầu tư thiếu quan tâm đúng mức đến việc tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề cho người có đất bị thu hồi trong độ tuổi lao động. Do vậy, mong muốn việc sửa đổi, bổ sung lần này cũng cần có việc bồi thường phải bảo đảm được sinh kế lâu dài cho người có đất bị thu hồi.
Hơn nữa, thông qua các cuộc lấy ý kiến nhân dân, tôi được biết Luật Đất đai (sửa đổi) khi được thông qua còn có sự bổ sung về vấn đề sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Cơ chế này tôi nhận thấy có điểm ưu việt là bảo vệ tối đa quyền của người sử dụng đất. Tuy nhiên, trong điều kiện sở hữu toàn dân về đất đai, cũng cần tính toán hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư hướng vào mục tiêu sử dụng đất đai một cách hiệu quả, bền vững nhất, vì lợi ích của chủ sở hữu toàn dân.
Vì vậy, tôi rất kỳ vọng Luật Đất đai tới đây sớm được thông qua sẽ đảm bảo tốt hơn về quyền lợi hợp pháp của người có quyền sử dụng đất và nhà đầu tư; đồng thời cũng cần ngăn chặn một bộ phận nhỏ lợi dụng chính sách, làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.