Lựa chọn mô hình sản xuất thích ứng hạn mặn

25/12/2017 11:42

(TN&MT) - Nhằm phòng chống và giảm thiểu thiệt hại từ hạn hán và xâm nhập mặn, các chuyên gia của Trường đại học Kinh tế quốc dân đã tổ chức nghiên cứu “Một số giải pháp trong tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng phó hạn hán, xâm nhập gia tăng để phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long” và đề xuất 3 giải pháp: canh tác cải tiến, kết hợp luân canh sản xuất lúa và thủy sản, kết hợp luân canh sản xuất lúa và cây màu.

Nghiên cứu trên nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế ứng phó xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Thí điểm tại 1 huyện điển hình” (mã số BĐKH.05/16-20), thuộc Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 – 2020.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động phát triển thủy điện thiếu bền vững ở thương nguồn sông Mê Công, những năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long thường xuyên gánh chịu các đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng vào mùa khô, trong khi đó, mùa mưa thường đến chậm, mưa ít, lũ ít hoặc không có lũ. Điều này đã gây nhiều hệ lụy và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.

Giới thiệu mô hình áp dụng 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa ở Hậu Giang
Giới thiệu mô hình áp dụng 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa ở Hậu Giang

Một trong những giải pháp chủ động thích ứng đang được người nông dân vùng ĐBSCL áp dụng là các quy trình sản xuất thân thiện môi trường, giảm bớt các yếu tố đầu vào như phân hóa học, thuộc bảo vệ thực vật, nước, giảm phát thải khí nhà kính… nhưng vẫn duy trì năng suất và chất lượng cây lúa. Nhìn chung, điểm mạnh của các quy trình này là dễ thực hiện, khả năng áp dụng, nhân rộng cao.  Về hiệu quả kinh tế, qua khảo sát thực tế, quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI giúp tăng lợi nhuận trung bình hơn 2 triệu đồng/ha lúa, đặc biệt là giảm khoảng 35% lượng nước tưới. Quy trình “3 giảm 3 tăng” giúp giảm từ 20 – 80 kg lúa giống/ha, giảm chi phí thuốc trừ sâu và khoảng 10% lượng phân đạm. Quy trình “1 phải 5 giảm” giúp tiết kiệm khoảng 50 kg phân đạm/ha và khoảng 50% lượng nước tưới, giảm lượng thuốc trừ sâu…

Tuy vậy, hiệu quả triển khai trên diện rộng các quy trình này chưa cao do thiếu sự điều tiết thủy lợi và bảo vệ thực vật đồng bộ, chặt chẽ; việc áp dụng mới mang tính tự phát, chưa hình thành vùng sản phẩm lớn. Vì vậy, sản phẩm lúa sản xuất theo mô hình này mặc dù thân thiện với môi trường nhưng chưa tạo sự đột phá về mặt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm và chưa được hưởng mức giá cao hơn các sản phẩm khác. Bên cạnh đó, biện pháp này chủ yếu dựa trên nền tảng độc canh cây lúa nên chưa thich sứng với hiện tượng xâm nhập mặn trên diện rộng.

Giải pháp thích ứng phổ biến khác là kết hợp luận canh sản xuất lúa và thủy sản. Mô hình tôm – lúa có mặt ở ĐBSCL từ những năm 1970 và ngày càng chứng tỏ hiệu quả trong bối cảnh gia tăng xâm nhập mặn. Điểm mạnh của mô hình này là mang lại hiệu quả kinh tế cao so với độc canh cây lúa. Mức thu nhập trung bình của mô hình 2 vụ tôm 1 vụ lúa vào khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Mô hình đang phát triển ổn định và mở rộng diện tích lên hơn 160 nghìn ha, cải thiện năng suất tôm nuôi do người dân đã tích lũy kinh nghiệm và áp dụng thêm các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Một số khó khăn hiện nay đó là vấn đề đảm bảo chất lượng con giống, hệ thống thủy lợi chưa đảm bảo ngăn mặn và ô nhiễm, tổ chức sản xuất mới ở quy mô hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm chưa có lợi thế giá so với các loại tôm nuôi thâm canh.

Mô hình kết hợp tôm - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long
Mô hình kết hợp tôm - lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Đồng bằng sông Cửu Long

Giải pháp thứ ba khá phổ biến ở ĐBSCL là chuyển đổi từ hệ thống canh tác độc canh lúa sang lúa – màu. Lợi nhuận trung bình thu được là khoảng 50 – 60 triệu đồng/ha/năm, cao gấp đôi so với lợi nhuận trồng lúa 3 vụ. Mô hình góp phần hạn chế sâu bệnh hại lúa và giảm áp lực nước tưới trong thời điểm nắng hạn, cải thiện độ phì của đất. Hiện, toàn vùng đã chuyển đổi được khoảng 112 nghìn ha sản xuất lúa vụ Xuân hè sang các loại cây trồng khác như ngô, đậu tương, thanh long, vừng đen, ớt, dứa… Tuy vậy, tương tự như hai mô hình trước, việc áp dụng cũng mới mang tính tự phát, các địa phương chưa có giaiar pháp đồng bộ về vụ, vùng chuyển đổi cây trồng và kỹ thuật, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, vốn đầu tư cho mô hình này cao hơn so với độc canh cây lúa.

Trên cơ sở phân tích 3 giải pháp, nghiên cứu đã đưa ra các đề xuất chính sách. Về quy hoạch, trong ngắn hạn, các địa phương cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch các vùng tôm – lúa, lúa – màu, chuyên lúa phù hợp với tình hình thời tiết và điều kiện tự nhiên. Về lâu dài, cần ban hành quy hoạch sử dụng đất thống nhất cho toàn vùng ĐBSCL; rà soát và điều chỉnh đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tôm – lúa và tôm – màu tập trung; đầu tư các hệ thống trữ, bơm cấp nước ngọt chủ động nguồn nước cho sản xuất.

Bên cạnh đó, để mô hình luân canh lúa – thủy sản phát huy được thế mạnh bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả kinh tế, cần nghiên cứu và phát triển các giống lúa chịu mặn cao, phù hợp với vùng nuôi tôm lúa; quản lý chất lượng tôm giống và nghiên cứu xác định năng suất tối đa, tối ưu hóa nuôi tôm trong các hệ thống tôm – lúa (vùng sinh thái khác nhau, thiết kế đồng ruộng, mật độ thả, tỷ lệ thả xen ghép các loài (tôm, cua), năng suất tôm nuôi trong điều kiện môi trường ruộng khác nhau, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh…

Về tổ chức sản xuất, nhu cầu hiện nay là cần đánh giá và thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và tiến  hành các hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực và trình độ quản lý; gắn khuyến nông, khuyến ngư trong tổ chức sản xuất... Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng và thúc đẩy các hình thức chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân – doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn, vật tư đầu vào với người nuôi, nhà máy chế biến thủy sản và người tiêu thụ tôm, lúa nhằm tạo ra được mô hình hiệu quả và nhân rộng, với cánh đồng lúa – màu, tôm – lúa lớn.

Một vấn đề cần chú trọng nữa là đẩy mạnh phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt là phát triển thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm tôm càng xanh, cá rô phi và các sản phẩm tiềm năng trong mô hình tôm lúa.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn mô hình sản xuất thích ứng hạn mặn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO