e-magazinecv.jpg

Thu rác ban ngày hay ban đêm đang là một câu hỏi khó. Bởi có đô thị đã chuyển hoàn toàn, có đô thị đã chuyển phần lớn sang thu rác ban đêm, nhưng, ở hầu khắp đô thị, dù ít dù nhiều, rác vẫn tồn đọng trên đường phố.

e-magazine1(1).jpg

Cùng một câu hỏi “nên bỏ rác ban ngày hay ban đêm” nhưng người dân các quận trung tâm trên địa bàn Hà Nội cho các câu trả lời khác nhau, tùy theo nghề nghiệp, công việc họ đang làm.

sub1(1).jpg

Chị Trang ở A14 Khu Tập thể Nghĩa Tân là giáo viên mầm non. Đặc thù công việc khiến chị ra khỏi nhà từ 6 rưỡi sáng và về nhà sau 6 giờ chiều. Trong khi đó, mẹ đẻ chị Trang (ở cùng khu nhà, khác căn hộ) có một quầy buôn bán tại tầng 1 Khu tập thể nên thường xuyên có mặt tại nhà; em gái chị Trang bán hàng trên phố cổ và thường về nhà lúc đêm khuya. 3 nếp sinh hoạt khác nhau nên khi được hỏi về nhu cầu bỏ rác, 3 người cho ra 4 phương án.

Chị Trang có nhu cầu bỏ rác sau 7 giờ tối; mẹ chị Trang muốn bỏ rác bất cứ lúc nào trong ngày khi thùng rác của gia đình hết chỗ chứa, trường hợp phải lựa chọn sẽ chọn 2 khung giờ cuối giờ trưa và đầu tối - sau khi dọn hàng; em gái chị Trang mong muốn rác sinh hoạt của gia đình bỏ vào buổi sáng, rác ở nơi kinh doanh trên phố cổ được bỏ bất cứ lúc nào khi thùng rác đầy.

2.3-cong-nhan-moi-truong-don-rac-tai-cong-vien.jpg
Công nhân môi trường dọn rác tại công viên
1.2-chi-hoang-thu-thinh-boc-rac-len-xe.jpg
Chị Hoàng Thu Thịnh thu gom rác trên đường Hoàng Hoa Thám

3 người trong đại gia đình của chị Trang chỉ là đại diện cho 3 hình thái gia đình phổ biến ở các quận trung tâm trên địa bàn Hà Nội. Đặc thù công việc, sinh hoạt khiến mỗi gia đình bỏ rác theo giờ khác nhau, không theo nếp nào.

Có mặt trên đường Hoàng Hoa Thám vào chiều cuối tuần, chúng tôi chứng kiến cứ cách vài mét lại có một túi rác ở vệ đường hoặc nhiều túi lớn nhỏ ở đầu con ngõ. Chị Hoàng Thu Thịnh - công nhân thu gom của Công ty Urenco Chi nhánh Ba Đình vừa đẩy chiếc xe thủ công vừa thu rác lên xe và quét rác vương vãi xung quanh. Chị Thịnh cho biết, mặt phố Hoàng Hoa Thám tập trung các hộ kinh doanh (bao gồm cả kinh doanh tại gia và người nơi khác đến thuê mặt bằng), trong ngõ là các hộ gia đình, công chức viên chức có, làm ăn tự do có, đó là chưa kể các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn.

Cũng bởi tập trung đủ các hình thức hộ gia đình nên mặc dù đã có quy định nhưng trừ một số hộ tập trung bỏ rác cuối giờ chiều, còn thì, giờ bỏ rác của người dân là… bất cứ giờ nào. Thậm chí khi xe thu gom đi qua, có hộ kinh doanh vẫn bình chân như vại nhưng chỉ vài phút sau, một túi rác được bỏ ra đường, chỉ cách chiếc xe thu gom của chị Thịnh chưa đầy chục mét.

sub2.jpg

Hà Nội những năm gần đây cơ bản đã điều chỉnh thu gom rác từ ban ngày sang ban đêm, mục tiêu nhằm hạn chế tác động đến môi trường, mỹ quan đô thị, hạn chế ách tắc giao thông. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Urenco, việc chuyển hoạt động thu gom, vận chuyển rác vào ban đêm được một bộ phận người dân đồng thuận, nhưng cũng không ít người tỏ ra băn khoăn về cách triển khai.

2.1.1-cong-nhan-moi-truong-lam-viec-xuyen-dem.jpg
Công nhân môi trường làm việc trong đêm

Ông Hà (quận Cầu Giấy) làm nghề lái tắc xi cho biết, việc chuyển hoạt động thu gom, vận chuyển, sang tiếp rác vào ban đêm góp phần hạn chế ách tắc giao thông; đồng thời, đảm bảo an toàn hơn cho người và phương tiện giao thông trên đường. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Dũng - bảo vệ của Trường Tiểu học Nghĩa Tân cho biết, từ khi Công ty Môi trường đô thị Vĩnh Yên chuyển thu gom rác vào ban đêm, hiện tượng tắc lối rẽ từ đường nhánh vào Trường đã bớt hẳn, khu vực xung quanh Trường vào sáng sớm cũng sạch đẹp hơn.

3.1.1-mot-diem-tap-ket-rac.jpg
Số rác này sẽ được công nhân môi trường chuyển đi trong đêm
2.4-cong-nhan-moi-truong-xuyen-dem-thu-gom-rac.png
Xuyên đêm thu gom, vận chuyển rác

Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn về hiệu quả của việc chuyển hoàn toàn hoạt động thu gom, vận chuyển rác sang ban đêm. Chị Thanh Huyền ở phố Lý Nam Đế cho rằng, nhiều người dân có thói quen bỏ rác bừa bãi và không kể giờ nào khiến công nhân phụ trách tuyến đường đi lại nhiều lần vẫn chưa thu hết rác phát sinh, nếu chuyển hoàn toàn giờ thu gom rác vào ban đêm sẽ khiến lượng rác dồn ứ trên đường nhiều hơn, công nhân môi trường vì thế cũng phải nâng cường độ làm việc và tan ca muộn hơn. Còn chị Quỳnh (em gái chị Trang) cho biết, mỗi ngày quầy giải khát của chị thải ra 5, 6 túi rác to; với mặt tiền hẹp và “ra tiền” như phố cổ, nếu việc thu gom chỉ thực hiện vào đêm thì các hộ kinh doanh như chị không biết xử lý rác thế nào.

sub3.jpg

Như trên đã nói, Hà Nội là địa phương tổng hòa các hình thái dân cư, đơn cử như phố Hoàng Hoa Thám đã hội đủ các kiểu gia đình. Vì vậy, chọn phương án chỉ thu ban ngày hay chỉ thu ban đêm đều gặp những bất cập khó khăn cho cả đơn vị thu gom và chủ rác. Theo thông tin từ các công nhân môi trường khu vực phố kinh doanh, phố chợ, nhất là khu vực tập trung đông người như phố đi bộ, nhiều chủ hộ kinh doanh tỏ ra băn khoăn nếu chỉ thu rác vào ban đêm và bày tỏ sẵn sàng “chi thêm tiền thuê công nhân thu gom rác để giải quyết lượng rác phát sinh ban ngày”.

3.3-thanh-pho-khoac-ao-moi-sach-dep-tinh-tuom-moi-ban-mai.jpg
Thành phố khoác áo mới sạch đẹp tinh tươm mỗi ban mai

Xuất phát từ thực tế phát sinh rác trên địa bàn Hà Nội, tháng 11/2023, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có công văn gửi Sở TN&MT Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã, về việc chấp thuận hoạt động ban ngày (trừ giờ cao điểm) đối với một số phương tiện thu gom, vận chuyển rác chuyên dùng phục vụ công tác duy trì vệ sinh môi trường. Trao đổi về nội dung này, đại diện Trung tâm truyền thông Công ty Urenco cho biết, hiện tại các Chi nhánh có bố trí một số chuyến xe trọng tải 2,5 tấn vào nội thành thu đặc thù ban ngày, còn lại cơ bản là thu vào đêm. Tuy nhiên, trước thực trạng rác phát sinh và thói quen bỏ rác của người dân, các đơn vị thu gom đã tăng cường xe trọng tải nhỏ (loại 500kg) cơ động thu dọc các tuyến đường nhiều rác (như Hoàng Hoa Thám), việc thu rác bằng xe thủ công vẫn duy trì thường xuyên theo khung giờ, mục tiêu nhằm hạn chế tối đa rác xuất hiện ban ngày.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu sạch rác ban ngày là một nhiệm vụ khá khó khăn. Bởi như chị Hoàng Thu Thịnh tâm sự: “Khi đổ rác thì người dân xem công nhân môi trường như siêu hình, xe rác đi qua không nhìn thấy; còn khi bốc rác lên xe thì công nhân môi trường là siêu nhân, bốc bất cứ lúc nào và rác nào cũng bốc”. Chị Thịnh chia sẻ thêm: “Nói thật, nếu thành phố “phát lệnh” một cái là chúng tôi chỉ đi thu đêm ngay, nhưng nếu cứ đổ rác kiểu này mà đợi đến đêm mới thu thì lấy đâu ra phố ban ngày không rác, trong khi mục tiêu của Công ty chúng tôi là đảm bảo tối đa sạch rác trên đường phố”.

e-magazine-hcm(1).jpg

Tại TP.HCM, 60% lượng rác thải sinh hoạt được thu gom bởi lực lượng thu rác dân lập nên việc tổ chức thu gom vào khung giờ buổi tối là một thách thức không nhỏ của đô thị đặc biệt này.

e-magazinehcm1.jpg

Hàng ngày, người dân TP.HCM thường xuyên chứng kiến hình ảnh xe thu gom rác thô sơ, tự chế chạy trên khắp các tuyến phố, chen vào dòng người tham gia giao thông, bất kể thời gian từ sáng sớm cho đến giờ tan tầm buổi chiều.

Điều đáng nói, các phương tiện thu gom rác này không đảm bảo an toàn, thường là những chiếc xe máy cũ kỹ được gắn thêm thùng chứa rác phía sau. Các thùng rác không có nắp đậy, rác được chất cao nhất có thể nên thường xuyên rơi vãi xuống đường, gây mất mỹ quan đô thị. Đặc biệt, mùi hôi, nước rỉ từ rác nhỏ thành dòng xuống đường gây mất vệ sinh môi trường, gây khó chịu cho người tham gia giao thông.

1.jpg
Xe thu gom rác hoạt động ban ngày gây ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Ngọc (ngụ tại quận Phú Nhuận) cho biết: “Mỗi chiều từ chỗ làm về nhà, đã khá mệt sau một ngày làm việc lại phải đi sát những chiếc xe chở rác bốc mùi hôi thối, thậm chí những hôm kẹt xe thì phải đứng cạnh mấy phút. Rất khó chịu và mệt mỏi. Tại sao họ không đi thu gom rác vào ban tối, không bị kẹt xe và không ảnh hưởng tới nhiều người dân”.

Không chỉ chị Ngọc, nhiều người dân khác đều có chung quan điểm và kiến nghị thành phố cần yêu cầu các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thực hiện công việc này vào buổi tối.

Chị Võ Thị Ngọc Linh - thành viên một hợp tác xã thu gom rác dân lập trên địa bàn quận 11 nói với phóng viên: “Biết là việc thu gom, vận chuyển rác vào ban ngày là gây ảnh hưởng tới người dân lưu thông trên đường nhưng không biết làm sao. Vì chúng tôi phải thu gom rác trong các hẻm nhỏ, địa bàn rộng mất rất nhiều thời gian, với lại buổi tối còn phải về lo con cái”.

Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, mỗi ngày thành phố phát sinh 9.800 tấn rác thải sinh hoạt. Hiện tại, việc tổ chức thu gom rác sinh hoạt được tổ chức bởi hai lực lượng công lập và dân lập. Trong đó, hệ thống thu gom công lập của Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM và hệ thống công ty dịch vụ công ích các quận, huyện, thu gom 40% rác sinh hoạt tại các mặt đường chính và các đơn vị kinh doanh, sản xuất.

e-magazinehcm.jpg
TP.HCM đang tăng tốc việc sắp xếp lại lực lượng rác dân lập, chuẩn hóa các phương tiện thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt.

Còn hệ thống thu gom rác dân lập (lực lượng thu gom tư nhân) do các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ/đường dây thu gom rác của người dân, thu gom 60% rác thải sinh hoạt từ các hộ gia đình trong hẻm, các chung cư… Lực lượng này ước khoảng 4.000 lao động, hoạt động phân tán; phương tiện thu gom hầu hết thô sơ, chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường.

e-magazinehcm2.jpg

Ông Tống Viết Thành - Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN&MT TP.HCM) cho biết, từ năm 2017, Sở TN&MT ủy quyền, phân cấp cho các quận, huyện thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, bao gồm cả quy định khung thời gian thu gom. Các quận huyện, phường, xã sẽ quyết định khung thời gian thu gom rác hàng ngày, trên cơ sở thống nhất với các đơn vị thu gom và người dân.

Được biết, hiện nay, TP. Thủ Đức, các quận huyện đều có chủ trương thu gom rác vào buổi tối hoặc không phải khung giờ cao điểm. Tuy nhiên, theo ghi nhận, việc chấp hành chủ trương này chủ yếu là các Công ty dịch vụ Công ích. Còn đa phần lực lượng rác dân lập vẫn thu gom bất kể thời gian nào trong ngày, có khi 5 giờ sáng, khi người dân còn chưa ngủ dậy, hoặc 4 - 5 giờ chiều đúng giờ người dân đi làm, học sinh đi học về.

Đại diện Công ty dịch vụ Công ích quận 3 cho biết: Chúng tôi tổ chức phân công lực lượng để thu gom rác tại các mặt đường chính và các cơ sở kinh doanh từ 18 giờ - 21 giờ hàng ngày, theo quy định của UBND quận 3. Còn trong các hẻm thì lực lượng rác dân lập đảm nhận nên thời gian thu gom là do đơn vị.

Ông Nguyễn Minh Nhựt - Chủ tịch UBND quận Bình Tân thông tin: Do quận không có Công ty dịch vụ công ích nên việc thu gom rác sinh hoạt hoàn toàn dựa vào lực lượng rác dân lập. Thời gian qua, công tác thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị.

7.jpg
Một mẫu phương tiện vận chuyển rác đạt tiêu chuẩn. TP.HCM đang hỗ trợ vay 70% với lãi suất 3,6%/năm cho các dự án chuyển đổi phương tiện vận chuyển đạt chuẩn.

Hiện tại, quận Bình Tân đang triển khai Đề án thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, trong đó có mục tiêu chuẩn hóa lực lượng thu gom rác về con người, phương tiện, khả năng quản lý. Từ đó, Đề án sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom rác kịp thời, đúng thời gian quy định, tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trong khu dân cư.

Theo báo cáo của Sở TN&MT, đến nay đã có hơn 2.600 tổ/đường dây thu gom rác dân lập đã được chuyển đổi mô hình hoạt động; toàn thành phố có 204 công ty tư nhân thu gom rác, 36 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực thu gom rác và 1 Liên hiệp hợp tác xã.

Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, TP. Thủ Đức và các quận huyện đã rà soát, chuyển đổi 1.897 phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt, bao gồm 956 thùng 660L và 941 xe ô tô chở rác. Thời gian tới, thành phố cần tiếp tục chuyển đổi 1.883 phương tiện, bao gồm 1.144 thùng 660L và 739 xe ô tô chở rác, nhu cầu vay vốn khoảng 228,89 tỷ đồng.

Hiện tại, Quỹ Bảo vệ môi trường TP.HCM đang cho vay vốn chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt lên tới 70% tổng mức đầu tư, lãi suất cho vay 3,86%/năm.

e-magazinevinh(1).jpg

Sau khi xóa bỏ 193 điểm tập kết rác nhỏ lẻ, TP. Vinh (Nghệ An) gặp khó khăn trong việc xây dựng các điểm tập kết tạm thời để trung chuyển rác từ xe gom lên xe tải lớn trước khi chuyển ra Khu Liên hợp xử lý rác thải rắn Nghi Yên. Tuy nhiên, với những quy định “cứng” và nỗ lực của các bên liên quan thì thành phố đã thực hiện khá triệt để việc “nói không” với thu gom rác ban ngày.

e-magazinevinh1.jpg

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn TP. Vinh thải ra khoảng 280 - 300 tấn rác. Thời điểm lễ, Tết, lượng rác thải ra lớn hơn (khoảng 1.000 tấn). Mặc dù mạng lưới thu gom rác thải đã bao phủ đến hầu hết các khu dân cư của các xã, phường trong toàn thành phố, nhưng do đặc thù của đô thị, có những tuyến đường nhỏ hẹp, công nhân môi trường phải sử dụng xe gom rác để đi thu gom, sau đó mới đem đến điểm tập kết để bốc lên xe tải và vận chuyển ra khu xử lý tập trung.

Theo quy trình, hiện nay, thời gian thu gom rác thường diễn ra vào chiều tối, rác thải sau khi thu gom được xe tải chuyên dụng vận chuyển ra khu xử lý. Việc thu gom và vận chuyển rác được thực hiện trong đêm nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Quy trình là vậy, nhưng vì khối lượng rác lớn, trong khi đó, các điểm tập kết xe đẩy đã bị dẹp bỏ nên bắt buộc thành phố phải xây dựng các địa điểm tập kết để trung chuyển rác từ xe nhỏ bốc lên xe tải lớn.

1.1.jpg
Một điểm chính quyền phường Quán Bàu cắm biển cấm đổ rác vì trước đó hay bị đổ rác trộm, gây ô nhiễm
1.2.jpg
Điểm đổ trộm rác thải tại đường Lê Ninh, TP Vinh chưa được xử lý dứt điểm

Theo tìm hiểu, sau khi 193 điểm tập kết xe rác nhỏ lẻ khắp thành phố bị dẹp bỏ, hiện thành phố đang tạm thời sử dụng 6 điểm trung chuyển rác; cụ thể: Tại cầu Tùng Binh (phường Vinh Tân), tại khu đất trung tâm hành chính công (nằm ngay góc đường Lê Hồng Phong và Đại lộ Lê Nin), điểm trên đường 35m (xã Hưng Lộc), điểm trên đường Lê Ninh (phường Quán Bàu), điểm Lô Cao (phường Trung Đô) và điểm trên đường 72m (nay mới được di dời vào đường D3 thuộc khu vực thực hiện Dự án Cụm Công nghiệp Hưng Đông).

Ông Phạm Hữu Thắng - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An, cho biết: Nếu không có điểm trung chuyển, chắc chắn việc thu gom sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi trên thực tế, mỗi công nhân được giao làm nhiệm vụ thu gom, quét dọn vệ sinh trên từng trục đường. Mỗi trục đường có thể có nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh và đông dân cư… lượng rác thải ra hàng ngày rất lớn. Nếu đi thu gom xong lại đẩy xe ra chờ bốc lên xe tải rồi đưa xe đẩy quay về thu dọn tiếp thì sẽ không thể kịp tiến độ. Tuy vậy, do việc xây dựng các điểm trung chuyển rác chưa đồng bộ nên gần như đang ở trong tình trạng “nhảy cóc”. Cứ điểm trung chuyển này mở ra, sau khi bị người dân phản đối lại phải chọn một địa điểm khác.

1.3.jpg
Điểm trung chuyển rác mới được dẹp bỏ tại phường Quán Bàu, TP Vinh

Cách đây vài năm, môt điểm trung chuyển rác được mở ngay trên đường Nguyễn Viết Xuân gần với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, do người dân phản đối nên phải chuyển xuống đường 35m gần Trường Đại học Điện lực (thuộc xã Hưng Lộc). Hay như điểm tập kết tạm thời ngay trên đường 72m, do gần với Khu Công nghiệp VSIP nên điểm này cũng đã phải xóa bỏ để di chuyển đi nơi khác.

e-magazinevinh2.jpg

Trên thực tế hiện nay tại các khu dân cư ở TP.Vinh, việc quy định giờ đổ rác rất rõ ràng và được quán triệt đến từng khối, xóm, hộ gia đình, người dân.

Đơn cử như tại xóm Yên Bình, xã Hưng Đông có đến 420 hộ dân sinh sống trên nhiều trục đường và được chia thành 12 tổ dân cư khác nhau. Việc đưa rác thải từ hộ dân cư ra điểm tập kết (điểm chung theo khu dân cư đã quy định từ 3 - 5 hộ gia đình) được quy định bắt đầu từ 17 giờ. Khi đó, các vệ sinh viên sẽ tiến hành dùng xe kéo tự chế thu gom lần lượt theo các tuyến đường đã được phân công, đưa về điểm trung chuyển. Đến tối, lần lượt các xe chuyên dụng sẽ đến bốc rác thải, vận chuyển ra Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên để xử lý theo quy định.

1.4.jpg
Điểm trung chuyển rác mới tại Cụm công nghiệp Hưng Đông, TP Vinh
2.3.jpg
Cắt tỉa cây xanh tại các tuyến phố được nhân nhân môi trường dọn sạch ngay không để tồn đọng
2.4.jpg
Rác thải được vận chuyển ra Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên (huyện Nghi Lộc) xử lý theo quy trình

Ông Nguyễn Thế Hải - Xóm trưởng xóm Yên Bình cho biết: “Việc đưa rác từ các hộ gia đình ra điểm tập kết tạm thời đã được chúng tôi quán triệt rõ về giờ giấc nên những năm qua không có hiện tượng người dân thích đưa rác ra khỏi nhà giờ nào cũng được; các vệ sinh viên cũng làm việc có trách nhiệm và đúng giờ nên rác thải ứ đọng gần như không còn xảy ra trên địa bàn”.

Ông Phạm Hữu Thắng - Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An cho biết thêm: “Theo quy định, thời gian đổ bỏ rác thải sinh hoạt đối với các hộ dân, tổ chức, cơ quan, đơn vị phải tuân thủ đúng khung giờ từ 17 giờ đến 21 giờ hằng ngày. Đơn vị chúng tôi theo chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm thu gom, vận chuyển rác trong khoảng thời gian từ 17 giờ hôm nay đến 6 giờ sáng hôm sau. Người dân cần tuân thủ nghiêm quy định về thời gian đổ rác thải sinh hoạt đúng khung giờ quy định, không bỏ rác bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường. Trên thực tế Công ty chúng tôi rất nỗ lực thu gom rác thải sinh hoạt tại tất cả các điểm hàng ngày trong tuần và không để rác thải tồn đọng trong khu dân cư”.

Bài: VIỆT HẢI, NGUYỄN QUỲNH, ĐÌNH TIỆP
Trình bày: TÙNG QUÂN

e-magazine-rac.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Longform: Đô thị không thu gom rác ban ngày?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO