Biến đổi khí hậu

Lòng chảo Điện Biên ứng phó biến đổi khí hậu

Trần Hương 26/06/2023 - 17:18

(TN&MT) - Ở nơi khí hậu vốn khắc nghiệt đặc trưng của gió Lào bỏng rát như Điện Biên, những năm gần đây do ảnh hưởng của BĐKH càng làm cho không khí trở nên ngột ngạt. Cái khắc nghiệt của gió Lào làm cho hàng loạt giống cây truyền thống không còn hiệu quả. Để vươn lên thoát nghèo, không ít hộ nông dân đã tự thay đổi, dám nghĩ, dám làm để thay bằng những giống cây mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn...

Nông dân mạnh dạn áp dụng kĩ thuật chuyển đổi

Đất vùng lòng chảo Điện Biên vốn mang nhiêù phù sa màu mỡ, những loại cây trồng truyền thống như ngô, lúa chiếm nhiều ưu thế. Song, đối với những vùng đất dốc nương thoải có bờ, qua năm tháng dài canh tác, lượng mùn tơi xốp đã dần bị bào mòn rửa trôi… Những giống cây ngô, sắn vì thế sản lượng năng xuất cũng mất đi dần tính hiệu quả, khi ấy đồng bào lại lo lắng tìm giống cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thay cho cây ngô, cây sắn để tìm cơ hội thoát nghèo, giảm nghèo bền vững…

Một trong những địa phương có số đông đồng bào DTTS đổi thay cách nghĩ, cách làm, trước đây, hầu hết diện tích đất canh tác của bản Pá Ngam 2, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên được người dân sử dụng trồng lúa nương, sắn, ngô, song hiệu quả không cao. Từ năm 2022, người dân Pá Ngam 2 đã chuyển đổi hơn 14ha đất trồng ngô, sắn sang trồng cây gai xanh. Diện tích cây gai xanh cho thu hoạch năng suất bình quân đạt 500kg - 600kg vỏ cây gai xanh/ha. Nếu chăm sóc đúng quy trình với mức thâm canh như khuyến cáo thì từ năm thứ 2 trở đi cây gai xanh cho doanh thu tối thiểu 142 triệu/ha/năm, lợi nhuận khoảng 45 - 75 triệu/ha. Trường hợp bóc tách và coi chi phí nhân công thuộc nội tại hộ sản xuất, lợi nhuận thu được tương ứng trên 90 triệu/ha/năm. Việc chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm được kỳ vọng đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện cuộc sống cho người dân Pá Ngam 2.

a1(2).jpg
Xã Na Son, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây lạc đỏ

Trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có sự đóng góp của những người tiên phong thay đổi thói quen canh tác như gia đình anh Đinh Công Lượng, xã Thanh Yên, huyện Điện Biên đã mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ổi Đài Loan. Đây là giống ổi mới, có đặc tính giòn, ngọt, năng suất cao. Từ 100 gốc ổi trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay, gia đình anh Lượng đã phát triển lên hơn 900 gốc, trên diện tích gần 6.000m2.

Anh Lượng kể: “Sản xuất lúa do không đảm bảo nguồn nước tưới nên năng suất thấp. Sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu về mô hình trồng ổi Đài Loan mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 - 4 lần trồng lúa, tôi đã chuyển đổi hẳn sang trồng ổi để nâng cao thu nhập”.

Ở Điện Biên, những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng như gia đình anh Lượng và các hộ dân ở bản Pá Ngam, xã Núa Ngam nhiều không kể xiết… Nhiều giống cây, giống con được đồng bào thí điểm trong thời gian ngắn cho hiệu quả được nhân rộng phổ biến trong gia đình, trong dòng họ… Ví như cây dứa xã Na Sang, huyện Mường Chà là một mô hình điển hình như thế.

a2(1).jpg
Chuyển đổi sang trồng dứa, giúp bà con người Mông ở huyện Mường Chà thoát nghèo

“Song công bằng mà nói, ngành nông nghiệp của Điện Biên chủ yếu sản xuất manh mún, chưa tạo thành vùng nguyên liệu, chưa tạo được chuỗi giá trị sản xuất theo tiềm năng, lợi thế của địa phương. Diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng hơn 1.200ha sau khi được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm đã giúp người dân ổn định thu nhập (tùy theo loại cây trồng tăng từ 3 - 5 lần so với sản xuất lúa nương), giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nhưng vẫn còn là manh mún…” - Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, chia sẻ.

Xuất phát từ những khó khăn của địa phương, người dân không thấy khó mà trông chờ ỷ nại, các diện tích chuyển đổi cây trồng đã bước đầu hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung như: xoài, bưởi, cam, chanh leo có ở Tuần Giáo, Mường Ảng; dứa ở huyện Điện Biên và huyện Mường Chà...

Những mô hình sản xuất ở các huyện dù chưa tạo thành vùng nguyên liệu rộng lớn, chưa có được những đơn hàng xuất khẩu triệu đô… Nhưng đồng bào các DTTS ở Điện Biên đã chuyển biến nhận thức, chủ động thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tham gia vào các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, tạo công việc ổn định, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống. Tổng thu nhập trên diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến thời kỳ thu hoạch tăng từ 50 - 300 triệu đồng/ha/năm.

Bước tiến vững chắc

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhằm giúp đồng bào các DTTS thoát nghèo, giảm nghèo bền vững. Những năm qua, huyện Mường Chà tích cực lồng ghép, sử dụng các nguồn vốn chính sách để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhờ đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết đã được thực hiện, góp phần giúp người dân dần thay đổi tư duy sản xuất.

Nhiều năm nay, cánh đồng bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên chỉ canh tác được một vụ lúa mùa; vụ đông xuân phần lớn diện tích bỏ hoang. Để nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất, một số hộ dân đã thử nghiệm nhiều mô hình như: trồng lạc, ngô... nhưng đều thất bại. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, họp bản, người dân bản Hồ Chim 2 đã nhiều lần kiến nghị chính quyền cấp xã, huyện nghiên cứu phương án hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

nguoi-dan-ma-thi-ho-lam-gian-trong-bi-dao.jpg
Người dân xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà làm giàn trồng bí đao

Cũng từ cái khó mà ngành nông nghiệp Mường Chà “ló cái khôn”. Vụ đông xuân năm 2023, Mường Chà đã triển khai mô hình sản xuất khoai tây trái vụ với tổng diện tích 4ha tại bản Hồ Chim 2, xã Ma Thì Hồ làm thí điểm, 17 hộ dân đã góp đất để chuyển đổi cây trồng.

Trong niềm vui phấn khích của người nông dân lần đầu góp hơn 3.000m2 đất để trồng một giống cây mà nhiều đời nay người Mông bản Hồ Chim chưa bao giờ trồng cây gì khác ngoài cây lúa. Anh Vì A Di, chia sẻ : “Diện tích đất này của nhà mình chỉ cấy lúa 1 vụ. Chưa bao giờ nghĩ đến cây trồng nào khác ngoài cây lúa. Nhưng nay cán bộ về hướng dẫn trồng cây khoai tây trái vụ mình vừa mừng vừa lo. Lo vì chưa khi nào trồng cây gì khác trên đất này ngoài cây lúa. Bây giờ diện tích khoai tây đang phát triển tốt và tạo củ.”

Không chỉ có mình anh Di chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa một vụ mà rất nhiều hộ dân xã Ma Thì Hồ còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương thoải, nương có bờ. Cụ thể như mô hình trồng bí đao của gia đình anh Ly A Hồ, bản Hồ Chim 1 là một ví dụ. Trên diện tích 6.000m2 đất nương ở gần nhà, nhiều năm nay anh Hồ canh tác cây ngô. Tuy nhiên, đất đai ngày càng cằn cỗi khiến năng suất, chất lượng ngô cũng giảm theo, mới đây anh Hồ đầu tư vào mô hình trồng bí đao khoảng 100 triệu đồng để mua giống, làm giàn, lắp đặt hệ thống tưới nước thông minh. Anh kể: “Người Mông mình ở bản cũng có rất nhiều gia đình mạnh dạn mở rộng diện tích chuyển đổi cây trồng, không chỉ trồng lúa 1 vụ mà đã chuyển sang trồng nhiều giống cây khác. Chưa có đánh giá cụ thể cây nào là cây giúp bà con xóa đói, giảm nghèo… nhưng có một việc dễ nhận thấy người Mông mình đã biết vận dụng kĩ thuật vào trồng một số giống cây khác ngoài cây ngô, cây lúa…”

a4.jpg
Đất bạc màu, năng xuất cây trồng giảm nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Nậm Pồ, đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa, ngô sang trồng cây cam...

Có thể thấy rằng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những bước tiến quan trọng trong công cuộc ứng phó biến đổi hí hậu, tạo đà cho người dân xóa đói giảm nghèo và giảm nghèo bền vững được đồng bào các DTTS Điện Biên ưu tiên lựa chọn. Và đó cũng chính là một chủ trương lớn, là nội dung quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020 – 2025.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trong trên địa bàn tỉnh Điện Biên cần tiếp tục rõ nét hơn, sao cho phát huy hết tiềm năng, năng suất, chất lượng của nhiều loại cây trồng để đáp ứng yêu cầu của thị trường, cũng như tìn ra những giống cây phù hợp thổ những và biến động thời tiết khắc nghiệt vẫn là bài toán khó, rất càn nghiên cứu kỹ lưỡng kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn. Cùng với đó, việc chuyển đổi phải thoát khỏi manh mún, nhỏ lẻ; hình thành vùng canh tác chuyên canh, diện tích rộng khắp… vẫn cần trình độ canh tác cũng như sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của bà con nông dân.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chỉ hiệu quả khi và chỉ khi địa phương và người dân dám tạo ra bước đột phá cho cả vùng, tạo ra vùng lõi nguyên liệu trong chuỗi liên kết "từ đồng ruộng đến bàn ăn"… tạo được mô hình khép kín từ khâu cung ứng vốn, kĩ thuật cho đến thu hoạch, chế biến đưa ra thị trường, khi ấy, biến đổi khí hậu không còn "làm khó" người dân nơi lòng chảo và câu chuyện giảm nghèo không còn là nỗi niềm đau đáu của người dân bản địa...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lòng chảo Điện Biên ứng phó biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO