Tài nguyên nước

Long An: Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước

Bạch Thanh 25/07/2024 - 10:34

(TN&MT) - Trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tỉnh Long An đã và đang tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước (TNN), trong đó, đặc biệt chú trọng đến nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân địa phương.

Chủ động thích ứng

Mùa khô vừa qua, tại nhiều địa phương trên địa bàn Long An, nghiêm trọng nhất là các huyện vùng hạ của tỉnh, đã xảy ra tình trạng nước nhiễm mặn khắp nơi, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Hơn nữa, hiện nay, nguồn TNN trên địa bàn Long An đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức trước ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nhiều khả năng tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

a1(1).jpg
Người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nguồn nước tưới tiêu

Trước tình hình trên, tỉnh Long An tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hiệu quả TNN; đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận hưởng ứng chủ trương cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cây trồng; khuyến khích nông dân cải tạo diện tích đất vườn tạp, kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng, làng nghề hiệu quả hơn, nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Đứng bên khu đất ruộng vườn xanh tươi, cây trái trĩu quả, anh Nguyễn Công Định (xã Bình An, huyện Thủ Thừa) cho biết: "Gia đình tôi có gần 1ha đất chuyên canh tác lúa. Gần đây, do tình trạng nguồn nước thường xuyên bị nhiễm phèn, mặn vào mùa khô; thời tiết bất thường, cây lúa cho năng suất không cao nên gia đình tôi đã quyết định chuyển sang sản xuất các loại cây trồng khác để tận dụng nguồn nước ngọt được tích trữ tại chỗ tưới tiêu. Hiện tại, các loại cây trồng đã phát triển xanh tốt, trong đó có hàng trăm cây dừa đã đơm trái, phát huy hiệu quả bước đầu".

Còn tại huyện Tân Trụ, là địa phương vùng hạ của tỉnh Long An, mùa khô vừa rồi, chi phí sản xuất của người dân trồng lúa, hoa màu gia tăng bình quân từ 2 - 4 triệu đồng/ha tùy theo cây trồng cho việc tưới tiêu. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài đã tác động trực tiếp đến 1.455 hộ dân của huyện vì bị thiếu nước sinh hoạt. Trước thực trạng này, chính quyền huyện Tân Trụ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện thi công các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu và tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch, kế hoạch và theo hướng sử dụng các giống cây trồng chịu hạn mặn cao, cũng như việc luân canh cây lúa với cây rau màu để tiết kiệm nguồn nước tưới tiêu. Song song đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để giúp người dân ổn định đời sống.

Quản lý, bảo vệ nguồn nước

Thời gian qua, tỉnh Long An đã tăng cường các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý TNN và xem việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, địa phương quan tâm đến công tác xã hội hóa cấp nước, tạo điều kiện mời gọi doanh nghiệp đầu tư cấp nước sạch nông thôn; đến nay, các dự án này không chỉ phát huy thế mạnh nguồn nước mặt trong việc cấp nước phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân mà còn góp phần thiết thực trong việc bảo vệ nước ngầm trên địa bàn.

a2.jpg
Tỉnh Long An lập hành lang bảo vệ nguồn nước trên các tuyến sông, rạch, ao, hồ và khu bảo tồn.

Hơn nữa, là tỉnh có nguồn nước mặt dồi dào từ hệ thống sông, rạch chằng chịt, nên công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước luôn được Long An quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tỉnh thường xuyên yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư phải xây dựng, hoàn thành hệ thống xử lý nước thải và thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường; đồng thời, tỉnh Long An còn yêu cầu các cấp, các ngành và các địa phương thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi xả nước thải không bảo đảm quy chuẩn ra sông, kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định phê duyệt Danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh, gồm: 71 sông, kênh, rạch phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước và 12 ao, hồ, nguồn nước trong khu bảo tồn. Tổng chiều dài của tất cả các tuyến sông, kênh, rạch được lập hành lang bảo vệ nguồn nước là 1.247km. Tổng diện tích mặt nước của những ao, hồ, nguồn nước này hơn 6.224ha. Trong đó, những tuyến kênh có năng lực tưới cho diện tích từ hơn 20.000 - 25.000ha; các tuyến sông chính Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, kênh Bảo Định và những khu vực có diện tích mặt nước lớn như Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, Khu Bảo tồn Đa dạng sinh học Đồng Tháp Mười và Làng nổi Tân Lập... cũng nằm trong danh mục lập hành lang bảo vệ nguồn nước.

Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh Long An, việc bảo vệ trên là nhằm phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; đồng thời, có nhiều tuyến, đoạn sông, kênh, rạch trùng với hệ thống công trình thủy lợi nên cũng đã được lập, quản lý hành lang bảo vệ. Riêng đối với nguồn nước ao, hồ và khu bảo tồn, ngoài các chức năng trên, còn nhằm mục đích bảo vệ sự ổn định không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước; đồng thời, bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật tự nhiên ven nguồn nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Long An: Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO