Xã hội

“Lộc” rừng xanh…

Hoàng Nghĩa 01/12/2023 - 16:59

(TN&MT) - "Giữ rừng – rừng trả lộc". Để thực hiện câu nói nghe quen thuộc ấy là câu chuyện không hề đơn giản. Chúng tôi tìm về xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn để nghe bà con nơi đây kể câu chuyện giữ gìn những cây gỗ cổ thụ hàng trăm năm tuổi.

Giữ rừng bằng hương ước

Nằm hiền hoà dưới chân núi đá vôi làng Lũng Phúc, xã Gia Lộc là những cây gỗ nghiến cổ thụ đã có hàng trăm năm tuổi, sừng sững hiên ngang như những người già làng che chở, ôm ấp làng quê bao đời nay.

Ở Lũng Phúc chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Theo ông Hoàng Văn Khàu (82 tuổi), người cao tuổi nhất trong làng, không ai biết rừng gỗ nghiến này có từ bao giờ, bởi khi ông còn bé đã có những cây gỗ nghiến to bằng 3-4 người ôm.

Cây nghiến toả bóng mát, giữ nguồn nước, giúp bản làng ngăn chặn những tảng đá lớn khi sạt lở, mưa lũ. Bởi thế, ai ai trong làng, từ người già đến những đứa trẻ con đều tâm niệm với nhau rằng: Đây là “báu vật” của bản làng, tất cả mọi người trong làng đều có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ.

img_20231130_090320.jpg
Ở xã Gia Lộc hiện có khoảng hơn 100 cây nghiến cổ thụ.

Rời Lũng Phúc, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với Lũng Nưa. Nằm ở thung lũng, bao bọc bởi dãy núi đá vôi hùng vỹ, Lũng Nưa có hơn 400 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi và trồng rừng. Cây nghiến được người dân nơi đây giữ gìn, bảo vệ hàng trăm năm qua.

Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Gia Lộc, hiện nay, ở xã có khoảng hơn 100 cây nghiến cổ thụ nằm rải rác tại một số bản, làng, với tuổi thọ vài trăm năm tuổi và được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Vậy, điều gì đã giúp những cánh rừng nơi đây mãi xanh?

Đó chính là hương ước, là lệ làng đã truyền lại bao thế hệ. Ban đầu, chỉ là hương ước truyền miệng của cha ông. Năm 2017, tại mỗi làng, bản đều xây dựng văn bản hương ước phát cho từng gia đình trong thôn, với những điều khoản quy định rõ về công tác quản lý, bảo vệ những cây cổ thụ của làng.

Đơn cử, mỗi làng đều có một thổ công để thờ cúng, (những cây gỗ nghiến cổ thụ đều nằm trong khoản quy định do người dân trong làng đặt ra – thần thổ công cai quản), vào dịp cuối năm, tại mỗi thổ công đều phải làm lễ tạ ơn cầu thần thổ công, thổ địa bảo vệ cho người dân trong làng.

Ngày mùng 2 Tết Nguyên đán hàng năm, mỗi nhà đều có một mâm lễ đến thờ thổ công cai quản làng bản. Bất cứ ai chặt cây trong rừng không được làng, bản chấp thuận đều vi phạm. Tùy vào mức độ nặng, nhẹ sẽ soi chiếu xử phạt đúng hương ước.

Trong đó, có mức độ phạt “tạ làng, tạ bản”, người vi phạm phải mang lễ gồm: gà, rượu, thịt đến thổ công để cúng. Còn chính người dân trong làng vi phạm sẽ bị loại khỏi làng, không được tham gia thổ công cùng với làng, bản và bị họ hàng, làng xóm cô lập, xa lánh.

Không chỉ có người trong làng, bản biết đến “lệ làng” mà người dân các nơi khác đều biết đến và nghiêm túc thực hiện. Nhờ đó, hàng trăm cây cổ thụ trên đã và đang tồn tại, phát triển, góp phần cùng chính quyền địa phương bảo vệ nguồn sinh thái, tài nguyên thiên nhiên rừng.

img_20231130_090316.jpg
Cây nghiến toả bóng mát, giữ nguồn nước, giúp bản làng ngăn chặn những tảng đá lớn khi sạt lở, mưa lũ...

Ấm no từ rừng

Xã Gia Lộc nằm cách trung tâm huyện Chi Lăng 12km. Xã có gần 4.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống tại 11 thôn, bản. Là xã thuần nông, đời sống nhân dân trên địa bàn xã chủ yếu sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, điều kiện canh tác phụ thuộc vào thiên nhiên nên vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo lãnh đạo xã, bên cạnh các quy ước, hương ước của thôn, bản, để giữ các cây cổ thụ thì cấp ủy, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo bảo vệ các khu rừng gỗ nghiến cổ thụ ở xã; các lực lượng chức năng trong huyện cũng đã tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia giữ rừng, tăng cường tuần tra bảo vệ, bảo tồn các cây cổ thụ cũng như tài nguyên thiên rừng. Tuyên truyền người dân không tự ý đốt nương làm rẫy, phát vén vào rừng, làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng.

Cùng với công tác giữ rừng, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, các hộ gia đình có quỹ đất trống có nhu cầu trồng cây phân tán đăng ký cấp giống cây con theo kế hoạch. Trong vài năm trở lại đây, phong trào trồng rừng đã được bà con nhân dân ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình, đặc biệt là phát triển rừng hồi.

Để nâng cao năng suất, chất lượng cây hồi, tháng 3/2020, UBND xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai mô hình trồng, chăm sóc hồi hữu cơ với diện tích hơn 150ha. Năng suất hồi của các hộ sau khi triển khai mô hình tăng từ 10-20% so với sản xuất truyền thống, giá trị đem lại từ mô hình sản xuất hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ đạt trên 25 tỷ đồng.

Hơn 20 năm gắn bó với cây hồi, gia đình ông Triệu Văn Cập, thông Cầu Bóng hiện có hơn 1.000 cây hồi. Trong đó, hơn 500 cây được triển khai theo mô hình sản xuất hồi hữu cơ. Nhờ thực hiện đúng quy trình trồng, chăm sóc cây, đến nay, số cây này đã cho thu hoạch hơn 5 tấn hoa hồi, tăng hơn 1 tấn so với trước đây, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, cao hơn so với cùng diện tích hồi sản xuất truyền thống.

Những sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như hoa hồi cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Nguồn thu từ rừng đã giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Thấy được lợi ích từ giữ rừng và trồng rừng, ngoài việc trồng rừng theo chương trình hỗ trợ cây giống của nhà nước, người dân đã chủ động đầu tư nguồn vốn để mở rộng diện tích rừng. Theo số liệu thống kê, toàn xã có hơn 700ha hồi, trong đó, trên 500ha đã cho thu hoạch.

Trong năm 2023, UBND xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện tiếp tục cấp trên 54.000 cây hồi con cho các hộ dân, các thôn đã trồng hơn 22ha rừng; nâng độ che phủ rừng toàn xã đạt 55%...

img_20231130_090255.jpg
Người dân và đoàn viên thanh niên xã Gia Lộc làm đường bê tông để tạo thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển KT-XH, ngay từ đầu năm, xã Gia Lộc đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và giao thành nhiệm vụ trọng tâm đến các thôn. Trong đó, mỗi thôn chỉ đạo, giúp đỡ ít nhất 1 – 2 hộ nghèo thoát nghèo và viết đơn xin thoát nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 3,22%; hộ cận nghèo còn 3,86%...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lộc” rừng xanh…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO