Lộ diện đô thị trung tâm của nền văn hóa Óc eo – Phù Nam trong quá khứ

04/01/2018 22:13

(TN&MT) - Ngày 3/1, tại Ban quản lý Di tích Văn Hóa Óc Eo, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức hội thảo bước đầu về kết quả khai quật nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê.

Tham dự hội thảo có các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đại diện Bộ Khoa học – Công Nghệ, Ban Quản lý di tích Óc Eo tỉnh An Giang cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia khảo cổ học đến từ các viện trường trong cả nước.

ÓC EO – BA THÊ LÀ ĐÔ THỊ TRUNG TÂM CỦA VĂN HÓA ÓC EO – PHÙ NAM

Kết quả khai quật, nghiên cứu cho thấy trên tổng thể các hố khai quật, ngoài lớp đất mặt và lớp sinh thổ, xác định có 5 lớp văn hóa thuộc về 5 thời kỳ khác nhau phát triển liên tục, kế thừa trên một địa điểm. Các lớp văn hóa này có niên đại trải dài khoảng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XII trở về sau. Bên cạnh đó, trong diện tích của 2 hố khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm được số lượng di vật rất lớn với khoảng 20 ngàn dị vật các loại gồm vật liệu kiến trúc (gạch ngói các loại), đồ gốm sinh hoạt (nồi, bát đĩa…), di vật đá (mảnh tượng bằng đá sa thạch)… Sau khi tiến hành phân loại, chỉnh lý và lập hồ sơ khoa học, kết quả bước đầu có thể nhận diện được các di vật có niên đại kéo dài từ khoảng thế kỷ 1 trước Công nguyên đến sau thế kỷ 12.

1 Hội Thảo
Đại biểu tham luận tại Hội thảo

Tiến sĩ Phạm Văn Triệu, Phó trưởng phòng nghiên cứu khoa học đô thị, Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, người trực tiếp khai quật dự án này, cho biết: “Chúng tôi ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong nghiên cứu cho ra kết quả rất tốt. Trật tự di tích ở 2 hố khai quật báo cáo hôm nay đã cho thấy tiến trình lịch sử của cư dân ở một trung tâm liên tục phát triển qua suốt 10 thế kỷ. Đây là điểm duy nhất có địa tầng kiến trúc ổn định và các lớp di tích kiến trúc được nhận diện rất rõ ràng".

Phát biểu tại hội thảo, đại biểu tập trung vào các mẫu di vật và các địa tầng văn hóa mới tìm được tại khu vực này, trên cơ sở đó có sự so sánh làm rõ giá trị về văn hoá Óc Eo ở Nam bộ, đồng thời đề xuất xây dựng hồ sơ quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá Óc Eo trong giai đoạn hiện nay. Các đại biểu đều thống nhất và cho rằng, việc nghiên cứu thời gian qua là đúng hướng, đúng mục tiêu của dự án đề ra. Qua các di vật, di tích ở khu vực khai quật, bước đầu khẳng định rằng đây là khu vực trung tâm có nhiều ý nghĩa về mặt văn hoá và lịch sử đối với dự án Óc Eo- Ba Thê.

2 Một trong 2 hố khai quật
Một trong 2 hố khai quật

Cơ sở kết quả bước đầu khai quật, nghiên cứu tỏ rõ hơn nhận định: Óc Eo - Ba Thê là một khu đô thị, một trung tâm kinh tế - văn hoá lớn của văn hoá Óc Eo - Phù Nam. Trong đó, Nền Chùa được xem như một cảng thị quan trọng, là nơi xuất nhập hàng hoá cho đô thị Óc Eo và các thị tứ trong vùng Tứ giác Long Xuyên nói riêng, vùng Tây Nam Bộ nói chung. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa được như kỳ vọng của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý và người dân trên vùng đất có di tích này, đặc biệt là việc làm rõ các ngộ nhận và việc chưa ý thức hết giá trị của nền văn hóa này với tư cách là các chứng cứ hùng hồn khẳng định sự chiếm lĩnh vùng đất, sự sáng tạo nên các giá trị đô thị, kinh tế, văn hóa - xã hội của các cư dân cổ của đất nước Việt Nam.

TIẾP TỤC KHAI QUẬT LÀM RÕ BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA MỘT NỀN VĂN HÓA CẤU THÀNH LỊCH SỬ DÂN TỘC

Tiến sĩ Lê Đình Phụng, Chủ nhiệm dự án, Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, nền văn hóa Óc Eo hình thành cách đây hai thiên niên kỷ trên vùng đất Tây Nam Bộ đã đánh dấu một bước phát triển của văn minh nhân loại ở khu vực Đông Nam Á. Với những phát hiện đã có giúp chúng ta có cái nhìn mới hơn, tiếp cận gần hơn những luận chứng cụ thể về một nền văn minh rực rỡ- văn minh Phù Nam ở khu vực Đông Nam Á thời xa xưa, từ đó giúp chúng ta có những quy hoạch, bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu giá trị nền văn hóa này một cách bài bản và đồng bộ.

"Cuộc khai quật này chỉ là gợi mở đầu tiên về một trung tâm tôn giáo kéo dài trong lịch sử thuộc văn hoá Óc Eo. Để hiểu được trung tâm tôn giáo này, cần phải khai quật làm rõ mặt bằng của cái kiến trúc ấy. Bên cạnh đó, phải khai quật những kiến trúc liên quan để khẳng định nó là một trung tâm trong một phức hợp các công trình kiến trúc tôn giáo ở đây. Như vậy chúng ta mới biết được và dựng lên diện mạo đời sống văn hoá và đời sống tinh thần của cư dân Chăm pa trong lịch sử" – Tiến sỹ Lê Đình Phụng, nói.

3 Các mẫu vật di chỉ thu được
Trưng bày các mẫu vật di chỉ thu được

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, từ kết quả khai quật có thể khẳng định rằng, Óc Eo là một nền văn hoá khảo cổ lâu đời và nổi tiếng ở Nam bộ Việt Nam, đây là nền văn hoá gắn liền với lịch sử của vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam. Óc Eo thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang là nơi nhà khảo cổ Luis Malleret thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (École Française d'Extrême Orient) tiến hành khai quật khảo cổ đầu tiên vào năm 1944. Sau ngày đất nước thống nhất, các nhà khảo cổ, nhà khoa học Việt Nam và quốc tế tiếp tục khai quật, nghiên cứu thêm hàng loạt di chỉ ở đây, nhiều nơi khắp Nam bộ và đã phát hiện thêm vô số di chỉ, di vật cổ quý giá.

Giáo sư, tiến sỹ Thuấn, nói: "Để thực hiện đúng mục đích, trong thời gian tới đây phải tận dụng thời tiết mùa khô, tiếp tục tiến hành khai quật, triển khai theo đúng kế hoạch đặt ra. Đồng thời, tiếp tục tổng quan các công trình, các dự án nghiên cứu trước đó, để có cơ sở so sánh nghiên cứu đánh giá về những phát hiện mới, xây dựng tốt cơ sở dữ liệu, về mặt lịch sử về mặt khoa học, về mặt khảo cổ học để tiến hành từng bước xây dựng hồ sơ đánh giá về di tích lịch sử quan trọng này".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lộ diện đô thị trung tâm của nền văn hóa Óc eo – Phù Nam trong quá khứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO