Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi và cập nhật tiến độ chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam; thảo luận các lĩnh vực hợp tác tiềm năng về chuyển đổi năng lượng, hình thức hỗ trợ Việt Nam; các trở ngại ngăn cản dòng vốn từ doanh nghiệp cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam; việc tham gia của các bên trong quá trình chuyển đổi...
Hiện nay, Việt Nam đang khẩn trương thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình tại COP 26. Bên cạnh nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, các Bộ, ngành, địa phương đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể như: Rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tích cực, chủ động làm việc với các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển để tranh thủ hợp tác về tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại Hội nghị COP26; xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, bao gồm mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050….
Ngoài ra, Bộ TN&MT đã hoàn thiện và trình Chính phủ Dự thảo Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 với nhiều điểm nổi bật về thích ứng biến đổi khí hậu; giảm phát thải nhà kính.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và xây dựng lộ trình chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Trong đó, hướng đến mục tiêu đến năm năm 2030, Việt Nam sẽ chỉ phát triển các nhà máy nhiệt điện than hiện đang trong quá trình xây dựng. Sau năm 2030, sẽ không phát triển các nhà máy điện than mới.
Việt Nam cũng cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược biến đổi khí hậu đến 2050 và nộp trước COP 27.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị EU và UK thống nhất về việc cung cấp nguồn tài chính ổn định, rõ ràng cho Việt Nam chủ động thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam thực hiện đánh giá toàn diện các tác động của chuyển đổi năng lượng và hỗ trợ để hạn chế các tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi; bảo đảm quá trình chuyển đổi là công bằng đối với tất cả người dân, nhất là người nghèo, phụ nữ, trẻ em, những người yếu thế, những người mất công ăn, việc làm do chuyển đổi.
Cùng với đó là hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào 2050; kết nối với các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng có khả năng cung cấp hỗ trợ tài chính, tín dụng cũng như hỗ trợ chuyên môn và công nghệ, nâng cao năng lực, bao gồm cả năng lực quản lý để Việt Nam thực hiện các cam kết cũng như các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Trước những đề nghị trên, ông Marc Vanheukelen, Đại sứ về Ngoại giao khí hậu của EU cho biết: Với vai trò là 1 Nhóm các đối tác quốc tế trong quá trình thiết lập chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam, EU luôn lắng nghe và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam vượt qua những thách thức trong quá trình chuyển đổi năng lượng, thực hiện cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu. EU đang chuẩn bị kỹ càng về mặt pháp lý, thể chế, tài chính để hỗ trợ Việt Nam. Hiện, Nhóm đối tác đã có quá trình làm việc, trao đổi cụ thể với Việt Nam nhằm thiết kế gói hỗ trợ riêng, phù hợp để hoàn thành mục tiêu Việt Nam đưa ra trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Đồng tình với ý kiến trên, ông John Murton, Đặc phái viên về COP26 của Chính phủ Vương quốc Anh cho rằng, trong quá trình tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế, Việt Nam nên khai phá mọi cơ hội hợp tác để tận dụng tốt nhất công cụ tài chính để chuyển đổi năng lượng. Trong đó, cần chú trọng, mở rộng và hướng về khu vực tư nhân. Hiện nay, EU và UK đang khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu.