Liên đoàn địa chất Tây Bắc: Vinh quang sứ mệnh tìm nhiều khoáng sản làm giàu cho Tổ quốc

Đan Trang| 04/08/2022 15:17

(TN&MT) - Chặng đường 45 năm đã qua, những người địa chất thuộc Liên đoàn Địa chất số III (Liên đoàn Địa chất Tây Bắc) đã trải qua biết bao gian lao, vất vả nhưng cũng đầy vinh quang để hoàn thành sứ mệnh tìm nhiều tài nguyên khoáng sản làm giàu cho Tổ quốc.

Liên đoàn Địa chất Tây Bắc vinh dự là 1 trong 9 tập thể thuộc Bộ TN&MT vừa được tặng Cờ thi đua của Chính phủ vì đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2021 của ngành TN&MT. Đây là lần thứ 6 Liên đoàn được nhận Cờ Thi đua của Chính phủ do có nhiều đóng góp vào công tác điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản.

Lịch sử hào hùng

Liên đoàn Địa chất số III (nay là Liên đoàn Địa chất Tây Bắc thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) được thành lập theo quyết định của Hội đồng Chính phủ năm 1977. Liên đoàn được thành lập trên cơ sở các Đoàn địa chất 300, 29, 24, 5, 46, 57, 61, 39 (trực thuộc Tổng cục Địa chất) hoạt động tại khu vực các tỉnh Tây Bắc. Liên đoàn có nhiệm vụ nghiên cứu tình hình địa chất và triển vọng khoáng sản để lập dự báo địa chất và chẩn đoán khoáng sản, tìm kiếm thăm dò các khoáng sản trên một khu vực rộng lớn. Phía Đông Bắc giáp bờ Nam sông Chảy đến biên giới Việt - Trung, phía Tây Nam giáp bờ Bắc sông Mã và biên giới Việt - Lào, phía Bắc giáp biên giới Việt - Trung, phía Nam giáp biên giới Việt - Lào.

anh-3(1).jpg

Năm 2017, Liên đoàn Địa chất Tây Bắc được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, Liên đoàn Địa chất Tây Bắc đã trải qua nhiều biến động, thay đổi để phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Liên đoàn đã đạt được những thành tích rất đáng khích lệ trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm như: Tìm kiếm thăm dò pyrit; thăm dò đánh giá trữ lượng mỏ than mỡ Quỳnh Nhai - Sơn La để khai thác ngay nhằm cung cấp nhiên liệu chạy tàu của ngành đường sắt. Liên đoàn cũng đã tiến hành khảo sát, điều tra, đánh giá, tìm kiếm, thăm dò nhiều loại khoáng sản như quặng đồng, đồng - niken, quặng sắt, quặng chì - kẽm, quặng molipden, đa kim vàng, vàng sa khoáng, quặng vàng gốc, apatit, than, nhóm khoáng chất công nghiệp, nhóm vật liệu xây dựng ...

Đặc biệt, trong nhiệm vụ tìm kiếm quặng pyrit Lục Yên - Hoàng Liên Sơn, Liên đoàn đã phát hiện mỏ đá quý Ruby. Đây là phát hiện mới và đóng góp quan trọng cho ngành địa chất, được Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Trần Đức Lương trực tiếp kiểm tra (tháng 4/1987) và biểu dương, khen thưởng thành tích.

image003.jpg

Trụ sở Liên đoàn Địa chất Tây Bắc hiện nay ở Chương Mỹ, TP. Hà Nội.

Tính đến nay, Liên đoàn đã thi công, lập 487 báo cáo địa chất và 106 báo cáo nguyên thủy. Những khoáng sản trọng tâm được Liên đoàn tìm kiếm, thăm dò, đánh giá là apatit (Lào Cai), pyrit (Giáp Lai), sắt (Quý Sa), đồng (Tạ Khoa, Sinh Quyền), vàng (Minh Lương - Sa Phìn), chì, kẽm (Cẩm Nhân), đá quý (Lục Yên), molipden (Kin Chang Ho), kaolin, felspat (Phú Thọ, Yên Bái), đá ốp lát (Thanh Hóa), đá vôi, đá sét xi măng, than (Quỳnh Nhai, Suối Bàng, Thanh An…), nguyên liệu sứ gốm, vật liệu xây dựng…

Liên đoàn cũng đã hoàn thành lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản 3 nhóm tờ tỷ lệ 1:50.000 với tổng diện tích 4950 km2; tổng hợp than; pyrit, vàng, địa hóa Tây Bắc Việt Nam; sắt dọc bờ phải Sông Hồng; tổng hợp các đới và vùng chứa quặng... Từ những kết quả đó, Liên đoàn đề xuất các nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò các loại khoáng sản như: đồng, vàng, chì - kẽm, sắt; tham gia vào nhiều đề án Chính phủ như: Điều tra, đánh giá tiềm năng quặng sa khoáng titan - zircon trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa - Vũng Tàu; thăm dò quặng Urani vùng Pà Lừa - Pà Rồng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam; điều tra đánh giá tổng thể tiềm năng quặng bauxit, quặng sắt laterit miền Nam - Việt Nam; điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam…

anh-5(1).jpg

Hình ảnh thi công thực địa trắc địa, khoan, địa vật lý của Liên đoàn.

Những thành tích của Liên đoàn nói trên đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và vinh danh bằng những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Ba; Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương chiến công; Nhiều bằng khen cho tập thể và các cá nhân, đặc biệt trong đó hai cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng Lao động, một liệt sĩ được truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang.

Sứ mệnh lớn lao

Địa chất là ngành khoa học đòi hỏi tính chính xác cao, tỉ mỉ; cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận từ trắc địa, địa chất tới khoan thăm và hóa nghiệm. Dựa trên những kết quả đó, các chuyên gia mới xây dựng lên bản đồ mỏ, tính toán khối lượng để đưa ra phương án khai thác hiệu quả, hợp lý. Trách nhiệm giảm tối đa sai số đè nặng lên vai người kỹ sư địa chất nhằm giảm được sức người, sức của. Chính vì thế, người địa chất được coi là những người đặt viên gạch đầu tiên cho mỗi dự án, là “hoa tiêu” tìm nguồn khoáng sản cho đất nước.

Từ năm 2016 đến nay, Liên đoàn đã tham gia lập và thi công 5 đề án thành phần thuộc đề án Chính phủ “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội”, 1 đề án cấp Bộ và một số đề tài khoa học cấp Bộ. Kết quả điều tra, đánh giá các loại khoáng sản trong đề án Chính phủ do Liên đoàn thực hiện đã thu được những kết quả rất khả quan, hiện các đề án thành phần đang trong quá trình thi công thực địa.

image011.jpg

Gắn biển công trình thi đua Đề án đá hoa trắng ở Yên Bái.

Ngoài ra, Liên đoàn còn tham gia hoạt động dịch vụ địa chất về khoáng sản với các đối tác là các Tập đoàn, Công ty, Doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tạo thêm việc làm cho cán bộ, viên chức và người lao động, phần nào đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động trong Liên đoàn.

Phó Liên đoàn trưởng điều hành Liên đoàn Địa chất Tây Bắc - ông Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: “Lịch sử 45 năm xây dựng và phát triển của Liên đoàn Địa chất Tây Bắc là quãng thời gian không dài với ngành địa chất nhưng đó là khoảng thời gian phấn đấu không ngừng của cả tập thể Liên đoàn. Nhiều thế hệ cán bộ nối tiếp nhau vượt qua gian nan, thử thách, đổ bao mồ hôi, kể cả máu của mình để hoàn thành sứ mệnh: Tìm nhiều tài nguyên khoáng sản làm giàu cho Tổ quốc”.

“Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979, lực lượng tự vệ các đơn vị trong Liên đoàn đã nêu cao tinh thần yêu nước, kiên cường chiến đấu bảo vệ vùng mỏ, bảo vệ Tổ quốc; 68 chiến sĩ tự vệ của Liên đoàn đã anh dũng hy sinh và được công nhận là liệt sĩ, trong đó Liệt sĩ Nguyễn Bá Lại được truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang”, ông Nguyễn Trung Kiên nói thêm.

Theo ông, trong những năm gần đây, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ, viên chức và người lao động Liên đoàn Địa chất Tây Bắc luôn phấn đấu, không ngừng vươn lên, từng bước ổn định và phát triển, tạo tiền đề quan trọng để Liên đoàn tiếp tục phát triển bền vững, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của các thế hệ địa chất Việt Nam.

Tấm bia ghi nhận Liên đoàn Địa chất Tây Bắc tìm ra 8 viên đá quý đầu tiên ở Việt Nam tại khu Khoan Thống, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái (Ảnh chụp tháng 9/2016).

Chia sẻ về những định hướng trong thời gian tới, đặc biệt là 6 tháng cuối năm 2022, Phó Liên đoàn trưởng điều hành Nguyễn Trung Kiên cho biết, Liên đoàn sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ điều tra địa chất khoáng sản, nhiệm vụ giám sát thăm dò cũng như hoạt động dịch vụ địa chất.

Để thực hiện có hiệu quả các đề án điều tra, đánh giá các loại khoáng sản, lực lượng cán bộ kỹ thuật được Lãnh đạo Liên đoàn bố trí phù hợp với từng đề án, từng giai đoạn thi công cụ thể; nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản trong các lĩnh vực địa chất, đánh giá, thăm dò khoáng sản; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật; tăng cường kiểm tra công tác thi công thực địa các đề án…

Liên đoàn cũng nhận được nhiều phần thưởng tập thể, cá nhân khác như: 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì; 1 Huân chương Độc lập hạng Ba; 1 Huân chương Lao động hạng Nhất; 11 Huân chương lao động các hạng cho tập thể và cá nhân; 99 Huân chương Chiến công từ hạng Hai đến hạng Ba; Cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Cờ thi đua của Công đoàn Viên chức Việt Nam; Danh hiệu Anh hùng Lao động cho 2 đồng chí: Trương Đình Long và Nguyễn Văn Ngọ; Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 1 đồng chí: Liệt sĩ Nguyễn Bá Lại (được truy tặng).

Nhiều tập thể, cá nhân cũng được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Công nghiệp; Bộ TN&MT và nhiều cán bộ, công nhân, viên chức được tặng Huy chương vì sự nghiệp địa chất. Ngoài ra còn nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác dành cho tổ chức Đảng, chính quyền, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Liên đoàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên đoàn địa chất Tây Bắc: Vinh quang sứ mệnh tìm nhiều khoáng sản làm giàu cho Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO