Liên hợp quốc khuyến cáo các thành viên của G20, trong đó có Canada, Mỹ và Nam Phi, cần phải tăng cường bổ sung các chính sách về giảm khí phát thải và thúc đẩy thực thi các chính sách này.
Thậm chí, Liên hợp quốc cho rằng thế giới có thể sẽ phải cân nhắc các mục tiêu cao hơn để kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu.
Báo cáo cũng nêu lượng khí phát thải của Australia dự báo sẽ cao hơn so với mục tiêu giảm trừ khí phát thải từ 26-28% vào năm 2030 so với mức phát thải khí carbon năm 2005.
Dự báo mới nhất do Chính phủ Australia công bố cho thấy khí phát thải vẫn duy trì ở mức cao hơn so với bản đồ giảm trừ dần khí thải để đạt mục tiêu 2030.
Tháng Chín vừa qua, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nước này không từ bỏ Hiệp định Paris và sẽ đạt mục tiêu cắt giảm 26% lượng khí phát thải vào năm 2030 nhờ cải thiện công nghệ.
Số liệu của báo cáo Liên hợp quốc cũng cho biết lượng khí phát thải carbon đã gia tăng trên thế giới sau 3 năm giữ nguyên.
Theo Giám đốc điều hành Chương trình môi trường Liên hợp quốc Joyce Msuya, một trong những lý do khiến lượng khí phát thải vẫn ở mức là lạm dụng nhiên liệu hóa thạch.
Bà Msuya nhận định than đá không còn là nguồn nhiên liệu cạnh tranh và các trang trại gió, hệ thống năng lượng Mặt Trời đang được tập trung triển khai tại Australia, Bắc Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nơi khác trên thế giới. Tuy nhiên, sự thay đổi không diễn ra ngay lập tức theo hướng mà thế giới đang cần.
Vì vậy, bà Msuya nhấn mạnh cần phải truyền tải thông điệp "thế giới không bất lực khi đối mặt với biến đổi khí hậu" và điều cần thiết nhất hiện nay là thúc đẩy liên kết lãnh đạo trong vấn đề này.