LHQ cảnh báo thế giới đang bên bờ vực thẳm của vấn đề khí hậu

Mai Đan | 20/04/2021 15:47

(TN&MT) - Nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng mạnh và năm 2020 là một trong ba năm nóng nhất được ghi nhận, do các hiện tượng thời tiết cực đoan kết hợp với đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Tảng băng trôi ở biển Bellingshausen ở Nam Cực. Ảnh: WMO / Gonzalo Bertolotto

Theo báo cáo “Tình trạng khí hậu toàn cầu” của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2020 cao hơn khoảng 1,2 độ C so với mức ở thời kỳ tiền công nghiệp. Con số đó gần chạm đến giới hạn 1,5 độ C mà các nhà khoa học cho rằng sẽ ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Cảnh báo rõ ràng từ WMO được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nhà lãnh đạo về khí hậu trong tuần này do Tổng thống Mỹ Joe Biden triệu tập nhằm thúc đẩy các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris 2015 đã được các quốc gia nhất trí.

2021 – năm hành động

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc (LHQ), ông António Guterres nhấn mạnh năm 2021 “phải là năm hành động”, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng nhau nỗ lực trước khi tập trung tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) vào tháng 11 tới.

“Các quốc gia cần đưa ra các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Các kế hoạch về khí hậu của những quốc gia này trong 10 năm tới phải hiệu quả hơn nhiều”, Tổng thư ký LHQ nói thêm.

Ông cũng kêu gọi hành động ngay lập tức để hỗ trợ các cam kết và kế hoạch về khí hậu và hầu hết các quốc gia giàu hơn đầu tư hàng nghìn tỷ đô la để phục hồi COVID-19 trong nước, đáp ứng Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và các khoản trợ cấp nhằm chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

“Các nước phát triển phải đi đầu trong việc loại bỏ dần than vào năm 2030 ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và năm 2040 ở các nước khác. Không nên xây dựng các nhà máy điện than mới”, ông Guterres khẳng định.

Đầu tư cho dịch vụ cảnh báo sớm

Báo cáo cho rằng biến đổi khí hậu gây cản trở các nỗ lực phát triển bền vững, thông qua một chuỗi các sự kiện liên quan đến nhau có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hiện có và kéo dài tình hình nghiêm trọng về biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký tổ chức Khí tượng thế giới Petteri Taalas cảnh báo biến đổi khí hậu có thể tiếp tục diễn ra theo chiều hướng tiêu cực trong những thập kỷ tới và kêu gọi đầu tư nhiều hơn vào thích ứng. Ông Taalas cho biết: “Báo cáo cho thấy rằng chúng ta không có thời gian để lãng phí. Khí hậu đang thay đổi và những tác động do biến đổi khí hậu gây ra đã gây tổn thất lớn cho con người và hành tinh. Năm 2021 là năm hành động và tất cả các quốc gia cần cam kết không phát thải vào năm 2050”.

“Một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để thích ứng là đầu tư vào các dịch vụ cảnh báo sớm và mạng lưới quan sát thời tiết. Một số quốc gia kém phát triển hơn có những lỗ hổng lớn trong hệ thống quan sát của họ và thiếu các dịch vụ hiện đại về thời tiết, khí hậu và nước”, ông Taalas nhấn mạnh.

Nhiều phát hiện từ báo cáo

Trong hàng loạt những phát hiện được đưa ra, báo cáo của WMO cho rằng nồng độ của các khí nhà kính tiếp tục tăng trong năm 2019 và 2020, với mức trung bình nồng độ carbon dioxide toàn cầu vượt quá 410 phần triệu (ppm), đồng thời cảnh báo thêm rằng nếu nồng độ tăng theo xu hướng tương tự như những năm trước, nó có thể tăng đến hoặc vượt ngưỡng 414 ppm trong năm nay.

Theo WMO, quá trình axit hóa và khử oxy đại dương vẫn tiếp diễn, tác động đến các hệ sinh thái, sinh vật biển và nghề cá, cũng như làm giảm khả năng hấp thụ CO2 từ khí quyển.

Hơn nữa, năm 2019 chứng kiến mức nhiệt đại dương cao nhất kỷ lục và xu hướng này tiếp tục vào năm 2020, cũng như mực nước biển dâng trung bình toàn cầu.

Cảnh báo Bắc Cực

Báo cáo cho biết kể từ giữa những năm 1980, nhiệt độ bề mặt không khí ở Bắc Cực đã ấm lên nhanh hơn ít nhất hai lần so với mức trung bình toàn cầu, với "những tác động tiềm ẩn lớn" không chỉ đối với các hệ sinh thái Bắc Cực mà còn đối với khí hậu toàn cầu, chẳng hạn như băng vĩnh cửu tan nhanh giải phóng khí mêtan, một loại khí nhà kính mạnh nhất trong bầu khí quyển.

Ngoài ra, lượng băng biển ở Bắc Cực đã thấp kỷ lục trong các tháng từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2020, trong khi dải băng ở Greenland mất khoảng 152 gigaton băng trong khoảng thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 8/2020.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng được ghi nhận ở một số địa điểm trên toàn cầu, với mưa lớn, lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng và dài hạn, các cơn bão thảm khốc, cháy rừng trên diện rộng và kéo dài, chẳng hạn như ở Mỹ và Australia.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
LHQ cảnh báo thế giới đang bên bờ vực thẳm của vấn đề khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO