(TN&MT) - Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, "Liên minh toàn cầu Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu" (GACSA) đã được thành lập với mục tiêu tăng cường hợp tác quốc tế ứng phó với vấn đề cấp bách này trong lĩnh vực nông nghiệp.
Hơn 100 thành viên từ các chính phủ, trong đó có Việt Nam, các doanh nghiệp, tổ chức nông dân, các nhóm xã hội dân sự, tổ chức sản xuất, các cơ quan nghiên cứu, tổ chức liên chính phủ,... đã tham gia liên minh này.
Nhiệm vụ chính của GACSA là tìm kiếm các giải pháp cải thiện an ninh lương thực và an ninh dinh dưỡng, khi ứng phó với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp. Liên minh này sẽ hỗ trợ các chính phủ, nông dân, các nhà khoa học, doanh nghiệp,... điều chỉnh phương pháp canh tác nông, lâm ngư nghiệp, các hệ thống sản xuất lương thực và chính sách xã hội phù hợp nhằm ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp tới nông nghiệp
Mục tiêu chính của GACSA gồm: tăng năng suất, đảm bảo tính bền vững của hệ thống sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho người nông dân; nâng cao khả năng phục hồi và chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu cho hệ thống sản xuất lương thực và sinh kế nông nghiệp; giảm và loại bỏ các khí thải nhà kính liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
Trong giai đoạn trước mắt, GACSA tập trung vào ba vấn đề: tăng cường nâng cao kiến thức; thúc đẩy môi trường đầu tư và thu hút đầu tư; và tạo điều kiện lồng ghép nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vào các chính sách, chiến lược và các bước lập kế hoạch ở cấp khu vực, quốc gia và địa phương.
Việc Việt Nam tham gia GACSA sẽ thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu, công nghệ và cách tiếp cận chính sách đối với nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; thực hành và chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; tiếp cận, mở rộng hỗ trợ kỹ thuật.…
PV