Nghi lễ cúng rừng của người Mông huyện Si Ma Cai là tập quán, tín ngưỡng được tổ chức vào dịp tháng 2, tháng 6 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống, được hình thành từ rất lâu đời, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghi lễ cúng rừng là nét văn hóa truyền thống, gắn với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp Việt Nam, theo đó người dân luôn tin rằng có thần rừng cai quản, che chở, phù hộ cho người dân sống trong khu vực được mạnh khỏe, bình yên, làm ăn phát triển, no ấm, hòa thuận, hạnh phúc. Đây là nghi lễ có giá trị văn hóa truyền thống rất quý báu, đáng được lưu giữ và phát huy.
Nghi lễ cúng rừng của người Mông, huyện Si Ma Cai đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Theo ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, nghi lễ cúng rừng của người Mông huyện Si Ma Cai là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thứ 33 của tỉnh Lào Cai. Trong năm 2020 tỉnh Lào Cai có 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được công nhận đó là: Nghi lễ Naox Lungx (Cúng rừng) của người Mông huyện Si Ma Cai; Lễ cúng rừng của người Giáy huyện Văn Bàn; Nghi lễ Mo thổ công bản (tức Cúng thổ công bản) của người Tày; Nghi lễ Then Khoăn (tức Cầu thọ) của người Tày huyện Văn Bàn; Nghệ thuật trang trí trên trang phục người Pa Dí, huyện Mường Khương và nghệ thuật trang trí trên trang phục người Dao Đỏ huyện Sa Pa.