(TN&MT) - Với việc áp dụng linh hoạt các giải pháp trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai đã cấp GCNQSDĐ đạt từ 70% trở lên, có nơi đạt trên 90%. Tuy nhiên, việc cấp GCNQSDĐ vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Nhận diện vướng mắc
Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Từ đó, công tác cấp GCNQSDĐ của tỉnh từng bước đi vào quy trình, phù hợp điều kiện thực tế, tạo điều kiện cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nguồn lực đất đai cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay có nhiều địa phương đã cấp GCNQSDĐ đạt từ 70% trở lên, có nơi đạt trên 90%. Như ở thành phố Lào Cai, tổng diện tích đất toàn thành phố là 28.162,64ha, trong đó đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng là 19.444,97ha; tổng diện tích đất phi nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng là 5.826,41ha; đất ở 997,08ha. Theo báo cáo, hiện tại việc cấp GCNQSDĐ của thành phố Lào Cai đã đạt được trên 97%.
Hay huyện Bắc Hà, tổng diện tích đất của toàn huyện là 68.108,23ha, trong đó đất nông nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng khoảng 55.811,8 ha, đã được cấp GCNQSDĐ khoảng 39.068,26ha, đạt tỷ lệ 70%; tổng diện tích đất phi nông nghiệp trên địa bàn huyện là 3.306,75ha, đã cấp được khoảng 2.480,6ha, đạt tỷ lệ 75,7%.
Công tác cấp GCNQSDĐ tuy đã đạt kết quả khả quan nhưng vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ như: Hồ sơ giao đất trước đây giao đất theo ảnh hàng không từ năm 2006 có độ chính xác không cao dẫn đến chồng chéo, tranh chấp, gây khiếu kiện, do đó khó khăn khi thực hiện thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, công tác quản lý đất đai, cấp GCN.
Đối với các hồ sơ chuyển hình thức sử dụng đất từ giao đất sang thuê đất chưa xác định được phần diện tích đất và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ cho mục đích kinh doanh phải nộp tiền thuê đất do phần diện tích dịch vụ nằm chung với tổng diện tích của cả dự án không thể bóc tách.
Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập, chồng chéo như: hệ thống pháp luật về đất đai còn mâu thuẫn, không đồng bộ và thống nhất gây khó khăn trong quản lý, sử dụng đất. Trong khi đó Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua, sắp có hiệu lực từ 1/8/2024. Thời gian qua, các chủ sử dụng đất, các nhà đầu tư có tâm lý đợi các Luật trên có hiệu lực để giải quyết các tồn tại, vướng mắc, triển khai dự án.
Công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất tại một số dự án đầu tư chưa chính xác dẫn đến khi thực hiện phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tình trạng chồng lấn đất canh tác, đất ở kéo dài, chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm cho người dân. Như tại huyện Bảo Yên, huyện Sa Pa, thành phố Lào Cai... nhiều diện tích đất người dân đã sử dụng liên tục, ổn định từ trước năm 2000 nhưng vẫn chồng lấn hoặc nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp.
Đề án Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh đã được triển khai (Đề án 86). Tuy nhiên, tiến độ còn chậm, việc đo đạc chưa xong, phương án sử dụng đất của một số Công ty nông lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ chưa được phê duyệt. Do đó đã ảnh hưởng đến công tác đăng ký, cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức, cá nhân.
Giải pháp gỡ khó
Để đẩy mạnh, tiến tới hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh Lào Cai đã tăng cường chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiếp tục rà soát các tồn tại, vướng mắc với phương châm "mắc ở đâu gỡ ở đó, vướng ở ngành nào tháo gỡ ở ngành đó" từ đó đưa ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ.
Cụ thể như: rà soát cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung theo đúng quy định. Bố trí và sử dụng biên chế theo đúng vị trí việc làm và khung năng lực đã được phê duyệt.
Tổ chức thanh, kiểm tra công tác quản lý nhà nước về đất đai, việc thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký, cấp GCNQSDĐ tại địa phương, đơn vị, nhất là các xã, phường, thị trấn. Qua đó làm rõ trách nhiệm của tập thể, và cá nhân liên quan đến những chậm trễ, sai sót, vi phạm trong công tác cấp GCNQSDĐ để xử lý, chấn chỉnh kịp thời.
Ông Hoàng Đức Long - Giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh Lào Cai cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lào Cai đã cấp được 2.159 GCNQSDĐ, cấp mới GCN do đăng ký biến động quyền sử dụng đất 4.855 hồ sơ. Đăng ký biến động trên GCNQSDĐ đã cấp 5.793 hồ sơ. Thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung rà soát điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Đồng thời, giải quyết các trường hợp đang sử dụng đất có nhà ở và các công trình khác trên đất chưa phù hợp với mục đích sử dụng theo kế hoạch. Giải quyết dứt điểm các trường hợp không còn hồ sơ lưu trữ, đảm bảo quyền của người sử dụng đất.
Hoàn thành công tác đăng ký đất đai, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất lần đầu cho các trường hợp hộ gia đình, cá nhân chưa đăng ký và những trường hợp đã đăng ký đất đai chưa được cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh; Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Tham mưu kiểm soát chặt chẽ việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho tổ chức.
Rà soát, khảo sát đo đạc, xác định ranh giới, mốc giới, lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất và có lộ trình giải quyết tranh chấp, lấn chiếm (nếu có) để làm cơ sở quản lý quỹ đất công theo quy định.