Tài nguyên nước

Lào Cai đặt an ninh nguồn nước lên hàng đầu

Bích Hợp (thực hiện) 19/03/2024 - 14:32

(TN&MT) - Tài nguyên nước là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia nói chung và của mỗi địa phương nói riêng.

Với Lào Cai - tỉnh địa đầu của Tổ quốc, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, đảm bảo an ninh nguồn nước không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh mà còn đáp ứng mục tiêu phát triển chung của các tỉnh vùng hạ du sông Hồng.

3a(1).jpg
Ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai

Hướng đến Ngày Nước thế giới 22/3/2024, Báo TN&MT phỏng vấn ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai về công tác bảo vệ nguồn nước nơi địa đầu Tổ quốc.

PV: Thưa ông, tỉnh Lào Cai là điểm đầu nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, do đó, việc bảo vệ an ninh nguồn nước tại địa phương có tác động không nhỏ đến sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của nhiều tỉnh, thành phía hạ lưu. Xin ông cho biết, tỉnh Lào Cai đã triển khai những giải pháp gì để bảo vệ an ninh nguồn nước sông Hồng?

Ông Trịnh Xuân Trường:

Lào Cai là tỉnh có số lượng sông suối rất lớn, theo Quyết định số 1757/QĐ-BTNMT ngày 11/8/2021 của Bộ TN&MT, tỉnh Lào Cai có 5 sông suối liên quốc Gia; 8 sông suối liên tỉnh. Ngoài ra, có 77 sông suối nội tỉnh (Quyết định số 2825/QĐ-UBND ngày 25/8/2020). Trong các sông liên Quốc gia chảy qua địa bàn tỉnh Lào Cai thì sông Hồng là sông có vai trò rất quan trọng về vấn đề an ninh nguồn nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Trung du và vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Với đặc thù vị trí địa lý và xác định tầm quan trọng của nước, việc bảo vệ an ninh nguồn nước luôn được tỉnh Lào Cai đặt lên hàng đầu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp và cực đoan như hiện nay.

Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã chủ động, tích cực đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành thành lập Ủy ban sông Hồng để tăng cường trao đổi thông tin nguồn nước và phối hợp khai thác nguồn nước sông Hồng hợp lý, đảm bảo lợi ích của hai quốc gia Việt Nam - Trung Quốc. Tỉnh Lào Cai cũng chủ động đưa nội dung này vào trao đổi, đề xuất hợp tác với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. UBND tỉnh Lào Cai đã giao Sở TN&MT Lào Cai thường xuyên theo dõi diễn biến chất lượng, lưu lượng nước sông Hồng. Trường hợp xảy ra hiện tượng bất thường cần chủ động báo cáo Bộ TN&MT, cùng các tỉnh vùng hạ du sông Hồng để có giải pháp xử lý kịp thời.

PV: Xin ông cho biết những khó khăn, thách thức tỉnh Lào Cai gặp phải trong công tác bảo vệ an ninh nguồn nước trên hai hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Chảy?

Ông Trịnh Xuân Trường:

Thách thức lớn nhất là không có hoặc có không nhiều thông tin về chế độ khai thác, diễn biến chất lượng nguồn nước thượng lưu cũng như các hoạt động khác có nguy cơ tác động, ảnh hưởng đến chất lượng, trữ lượng của hai nguồn nước này. Do vậy có thể dẫn đến việc xử lý không đáp ứng kịp thời thông tin cho chính quyền, nhân dân phía hạ lưu để có biện pháp khai thác, sử dụng nước an toàn, hiệu quả.

3b.jpg
Lào Cai - tỉnh địa đầu của Tổ quốc, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt

PV: Lào Cai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp (KCN), bên cạnh những đóng góp tích cực thì các nhà máy tại các KCN cũng đang góp phần làm suy giảm chất lượng nguồn nước. Vậy, tỉnh Lào Cai đã thực hiện những giải pháp nào để buộc các nhà máy công nghiệp (đặc biệt là các nhà máy trong KCN Tằng Loỏng) có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, thưa ông?

Ông Trịnh Xuân Trường:

Nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố làm ảnh hưởng đến môi trường, suy giảm chất lượng nguồn nước, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, các cơ sở sản xuất trong KCN, đặc biệt là KCN Tằng Loỏng triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục tồn tại trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan đến nước, đầu tư, nâng cấp cải tạo các công trình bảo vệ môi trường.

Tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan đến nước. Đồng thời, để giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến nguồn nước, tại KCN Tằng Loỏng, tỉnh Lào Cai đã đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 3.000 m3/ngày đêm và công suất 2.000 m3/ngày để thu gom, xử lý toàn bộ nước mặt chảy tràn trong KCN trước khi thải ra ngoài môi trường nhằm đảm bảo các quy chuẩn.

Về cơ bản, đến nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Lào Cai, sự vào cuộc của các cấp, các ngành; ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất trong KCN đã được nâng cao, cơ sở hạ tầng về bảo vệ môi trường từng bước được đầu tư, chất lượng môi trường KCN đã được kiểm soát.

Đối với nước thải, các doanh nghiệp đã nghiêm túc, chủ động khắc phục việc thu gom quản lý, xử lý các nguồn nước thải phát sinh, triển khai đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải sản xuất, nước bề mặt trong khu vực nhà máy và tiến hành đấu nối xử lý với nhà máy xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục kết nối số liệu về Sở TN&MT để theo dõi...

PV: Để công tác bảo vệ an ninh nguồn nước đạt được hiệu quả cao nhất, tỉnh Lào Cai có kiến nghị, đề xuất gì, thưa ông?

Ông Trịnh Xuân Trường:

Chúng tôi vẫn giữ nguyên mong muốn đề nghị thành lập Ủy ban sông Hồng Việt Nam với tư cách là cơ quan nghiên cứu sâu, đề xuất với Chính phủ phương hướng, giải pháp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành, liên quốc gia trên lưu vực sông Hồng; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, khu vực, trong nước và các cá nhân có liên quan theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động liên ngành trên lưu vực sông Hồng.

Đề nghị Bộ TN&MT đầu tư nâng cấp trạm quan trắc nước sông Hồng; đầu tư bổ sung xây dựng 1 trạm quan trắc nước sông Hồng tại khu vực nguồn nước sông Hồng chảy vào Việt Nam. Hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống quan trắc tài nguyên nước, kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai đặt an ninh nguồn nước lên hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO