Tại khu vực chuồng trại chăn nuôi 130 con lợn của gia đình ông Phạm Văn Bốn, thôn Pạc Tà, xã Bản Phiệt, hơn hai tháng nay, chỉ có 2 người được phép ra vào là ông Bốn và con trai. Cùng với đó, ông Bốn thường xuyên thực hiện việc rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng ngày hai lần vào buổi sáng và buổi chiều.
Ông Bốn cho biết: “Gia đình phải vay mượn gắng gượng phát triển chăn nuôi trở lại sau khi liên tiếp thua lỗ vì giá lợn xuống thấp vào hồi cuối năm 2017, đầu 2018. Nên nay nếu không thận trọng, để đàn lợn mắc dịch tả lợn thì gia đình tôi không biết sẽ thế nào”.
Cùng lo với nỗi lo của người dân, từ nhiều tháng nay, tập thể cán bộ xã và các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, công an, quản lý thị trường, cán bộ thú y địa bàn… đã tích cực phối hợp triển khai nhiều giải pháp, như đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức như tuyên truyền trực quan, tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh; treo, dán pa nô, áp phích, tờ rơi… có nội dung tuyên truyền, nhắc nhở người dân tích cực phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa và các điểm công cộng.
Tổ chức cấp phát thuốc và hướng dẫn người dân phun thuốc tiêu trùng, khử độc. Đặc biệt, công tác tuần tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn thịt và thịt lợn qua biên giới tại khu vực địa bàn xã Bản Phiệt đã được siết chặt từ nhiều tháng nay.
Ông Đào Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Phiệt cho biết: Tổng đàn lợn của xã hiện có 4.120 con. Tuy nhiên, Bản Phiệt là địa phương duy nhất giáp biên giới trên địa bàn huyện Bảo Thắng, do đó, chúng tôi luôn ý thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống các loại dịch bệnh qua biên giới. Riêng đối với dịch tả lợn Châu Phi, ngay khi có tin bùng phát dịch tại Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của huyện, từ tháng 11/2018, xã đã thành lập tổ công tác, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng, tránh dịch bệnh.
“Việc phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi lây lan qua biên giới là vô cùng khó khăn, bởi chỉ một hành động vô ý của người chăn nuôi, như vứt xác lợn mang mầm bệnh xuống sông và trôi dạt vào bờ nước ta mà không được phát hiện kịp thời để tiêu hủy là đã có nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Suốt hơn 3 tháng qua, các lực lượng chức năng và cán bộ xã đã cố gắng làm tốt nhiệm vụ, không để dịch lây lan qua biên giới” - ông Tuấn nói.
Còn tại xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, lực lượng chức năng, đặc biệt là cán bộ thú y địa bàn đang phải “căng mình” triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Anh Trần Quang Quý, cán bộ thú y xã Xuân Giao đã hơn 2 tháng nay tự nguyện làm việc không nghỉ ngày thứ 7, Chủ nhật để thường xuyên đến các trang trại, hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh.
Anh Quý chia sẻ: Lượng thịt lợn từ khắp nơi đưa về chợ Xuân Giao và vào bếp ăn các nhà máy trong Khu Công nghiệp Tằng Loỏng hằng ngày, do đó, luôn tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh dịch tả lợn Châu Phi. Chính vì vậy, thời gian này, tôi phải thường xuyên bám nắm địa bàn, đảm bảo kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có dịch xảy ra trong phạm vi hẹp, qua đó, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất cho người dân.
Hiện, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Bảo Thắng khoảng 161.000 con, chiếm hơn 35% tổng đàn lợn của toàn tỉnh. Tuy vậy, phương thức chăn nuôi lợn chủ yếu trên địa bàn huyện vẫn chủ yếu theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ (chăn nuôi theo trang trại chiếm khoảng 20% tổng đàn). Do đó, công tác tiêm phòng vắc xin, tiêu độc khử trùng, vệ sinh, kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn.
Ông Vũ Kiều Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Thắng cho biết: Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn đã được UBND huyện Bảo Thắng xây dựng và ban hành từ tháng 9/2018. Tuy nhiên, thời điểm đó, chúng tôi chỉ phải tập trung ngăn chặn dịch từ phía bên kia biên giới, còn bây giờ có thêm mầm dịch từ một số tỉnh, thành dưới xuôi nên cán bộ chuyên môn rất căng thẳng, vất vả vì địa bàn rộng, lực lượng mỏng. Mong muốn của chúng tôi là sớm nhận được sự tăng cường, hỗ trợ của tỉnh cả về cán bộ chuyên môn và vắc xin tiêm phòng, thuốc phun trùng khử độc, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ bùng phát dịch bệnh tả lợn Châu Phi…