Lào Cai: Chăm sóc bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo bền vững
Những năm qua Lào Cai đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển lâm nghiệp gắn với ổn định và nâng cao đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Việt Hà, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết thời gian qua ngành Kiểm lâm Lào Cai đã làm gì để góp phần tạo sinh kế, giúp người dân gắn bó với công tác bảo vệ, phát triển rừng và giảm nghèo bên vững?
Ông Nguyễn Việt Hà: Lực lượng Kiểm lâm luôn xác định, muốn giữ được rừng, bảo vệ được rừng thì người dân phải có nguồn thu từ rừng, rừng phải trở thành sinh kế bền vững của người dân sống gần rừng, sống dựa vào rừng.
Từ những định hướng đó, Kiểm lâm Lào Cai đã gắn việc phát triển kinh tế cho người dân từ rừng để tham mưu cho tỉnh Lào Cai. Từ đó xây dựng các Đề án phát triển kinh tế xã hội gắn phát triển ngành như: Đề án “phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới”. Và gần đây nhất là Nghị quyết về phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2023 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, ở lĩnh vực lâm nghiệp ngoài lấy cây Quế làm sản phẩm chủ lực để phát triển thì phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng là lĩnh vực trọng tâm.
Ngành Kiểm lâm cũng đã báo cáo, tham mưu cho Sở Nông nghiệp PTNT, UBND tỉnh Lào Cai ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện những hoạt động cụ thể để chuyển hóa chủ trương, chính sách thành hành động cụ thể thiết thực, từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi từ nghề rừng. Kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển nhanh, mạnh, giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá hiện hành tăng bình quân trên 10%/năm. Nhờ đó, nhiều bản làng, hộ gia đình đã có thu nhập từ kinh tế lâm nghiệp, và rừng đã trở thành nguồn sinh kế bền vững cho người làm nghề rừng ở nhiều địa phương, người dân đã gắn bó với rừng, ngược lại rừng cũng đã tạo được nguồn thu, sinh kế bền vững cho người dân.
PV: Xin ông nói rõ hơn về công tác bảo vệ phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững tại địa phương?
Ông Nguyễn Việt Hà: Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích đất có rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 382.861,1 ha; trong đó 266.753,4 ha rừng tự nhiên và 116.107,7 ha rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh Lào Cai đạt 57,7%. Như vậy có thể thấy, rừng của Lào Cai được cơ quan chức năng cũng như người dân quan tâm và bảo vệ. Để có được điều này thì việc tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng và dựa vào rừng để sống là hết sức quan trọng.
Thời gian qua, người dân sống cạnh rừng ở Lào Cai đã có những nguồn thu dựa vào rừng như: Giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên theo chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ví dụ như huyện Bát Xát, hiện tại đã có hơn 11.187 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng hàng năm, đơn giá chi trả bình quân trên 1 ha rừng đạt cao, cao hơn cả mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho công tác bảo vệ rừng (bình quân 390.000 đồng/ha). Nhờ triển khai tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu nhập thực tế bình quân của các hộ, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng đã có cải thiện, thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng đạt 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng/hộ/năm. Nguồn dịch vụ môi trường rừng, đã góp phần nâng cao đời sống người làm nghề rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo cải thiện đời sống sinh hoạt cho các hộ dân.
Ngoài giao khoán bảo vệ rừng thì các mô hình gắn liền với rừng như: trồng rừng sản xuất hay mô hình chăn nuôi gắn với phát triển trồng rừng… đã tạo ra thu nhập giúp người dân ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Theo báo cáo, năm 2022, tỉnh Lào Cai đã giảm được gần 10.000 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đạt 5,83%, vượt gần 30% so với chỉ tiêu đề ra. Tính đến nay, toàn tỉnh Lào Cai còn 18,37% hộ nghèo, tương đương với trên 34.000 hộ. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu phấn đấu bình quân mỗi năm giảm 3 - 5 % số hộ nghèo. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6%/năm trở lên.
PV: Vậy theo ông, để hoàn thành các chỉ tiêu xóa đói giảm nghèo mà vẫn đảm bảo cho hoạt động bảo vệ rừng nguyên sinh và trồng rừng mới, hiện địa phương còn phải đối mặt với những khó khăn thách thức nào?
Ông Nguyễn Việt Hà: Mặc dù đã đạt được những thành tích khả quan trong việc nâng cao sinh kế của người dân từ tài nguyên rừng, thực tế vẫn có những khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo như: Mâu thuẫn giữa việc bảo tồn, duy trì diện tích rừng tự nhiên với việc phát triển kinh tế. Chúng ta đề biết vai trò, giá trị của rừng tự nhiên đối với môi trường sinh thái là rất lớn., tuy nhiên thực tế hiện nay diện tích rừng tự nhiên còn lại chủ yếu là rừng thứ sinh nghèo kiệt, giá trị thấp, nếu duy trì thì có hiệu quả kinh tế thấp.
Trong khi để phát triển kinh tế xã hội, kinh tế lâm nghiệp nhu cầu cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt thành rừng trồng sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao hơn, nên xảy ra mẫu thuẫn giữa bảo vệ rừng tự nhiên với phát triển kinh tế. Đây là một áp lực lớn đối với công tác bảo vệ rừng tự nhiên hài hòa với phát triển kinh tế, tạo sinh kế cho người dân.
Nhận thức của người dân không đồng đều, đặc biệt là người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng tại khu vực này chưa cao. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho bảo vệ rừng còn thấp, chưa tướng xứng với công sức của người dân bỏ ra (tính toán theo định mức kinh tế kỹ thuật thì để bảo vệ 01 ha rừng hằng năng trung bình khoảng trên 1,2 triệu đồng, tuy nhiên hiện nay mức hỗ trợ của Nhà nước mới đạt 300-400 nghìn đồng/ha/năm). Đồng thời, tại các xã vùng cao, hiện chưa tìm được loài cây trồng lâm nghiệp có giá trị cao, phù hợp để người dân phát triển kinh tế từ trồng rừng sản xuất, giúp giảm tải áp lực vào rừng.
PV: Trong thời gian tiếp theo, ngành Kiểm lâm có kế hoạch gì để công tác bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững, thưa ông?
Ông Nguyễn Việt Hà: Để công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững, thì trong thời gian tới ngành Kiểm lâm cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Xác định rõ công tác bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân là trách nhiệm của ngành Kiểm lâm. Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan.
Xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi;
Chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, hộ gia đình cá nhân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất lâm nghiệp. Phát triển kinh tế dưới tán rừng bền vững thông qua việc phát triển rừng có giá trị kinh tế cao và các loài cây lâm sản phụ, dược liệu dưới tán rừng. Vận động, huy động người dân tham gia liên kết trồng rừng, sản xuất lâm nghiệp.
Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Lựa chọn các hoạt động phát triển sinh kế phù hợp, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án có liên quan. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện xã hội hóa nghề rừng, sử dụng các nguồn lực sẵn có tại địa phương về tài nguyên, nhân lực, kinh nghiệm bản địa.
PV: Xin cảm ơn ông!