PV: Thưa bà, trong những năm qua tỉnh Lào Cai là một trong những điểm sáng về công tác BVMT và ứng phó với thảm hoạ thiên tai, có sự góp sức không nhỏ của Ủy ban MTTQVN tỉnh Lào Cai. Bà có thể cho biết những hoạt động cụ thể mà Ủy ban MTTQVN tỉnh Lào Cai đã làm trong thời gian qua?
Bà Bàn Thanh Thảo: “Nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tham gia BVMT, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh Lào Cai đã hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN các huyện, thị xã, thành phố tổ chức xây dựng điểm mô hình khu dân cư tự quản BVMT gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đưa nội dung BVMT vào việc xây dựng, bổ sung các hương ước, quy ước tự quản ở các địa bàn dân cư phù hợp với những quy định của pháp luật và phong tục, tập quán của mỗi vùng, miền.
Vào Ngày Môi trường thế giới hàng năm, Mặt trận các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đồng loạt các hoạt động BVMT như: Ra quân làm sạch môi trường ở khu dân cư, nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng, chôn lấp rác thải… Các hoạt động đã tạo được sức lan tỏa trong nhân dân về ý thức BVMT, bảo vệ tài nguyên thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực.
Bà Bàn Thanh Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Lào Cai |
Đặc biệt, Ủy ban MTTQVN tỉnh Lào Cai phối hợp triển khai thực hiện “Đề án Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2016-2020; Đề án “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa giai đoạn 2020-2025”. Trong giai đoạn 2016-2020, MTTQ và các tổ chức thành viên trong tỉnh phối hợp xây dựng 121 mô hình như “thu gom, xử lý rác thải tại nhà và khu dân cư”; “dọn dẹp đường làng ngõ xóm xanh – sạch – đẹp”; mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, “xây dựng nhà tiêu, chuồng trại, nhà ở hợp vệ sinh và xóa nhà tạm”; "Tuyến đường văn minh - Mỹ quan đô thị", Năm 2021, Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với MTTQ huyện Bắc Hà, Bảo Thắng, thị xã Sa Pa xây dựng 05 mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường”.
Bên cạnh đó, đã phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lào Cai, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh triển khai triển khai xây dựng các mô hình điểm về “ khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và BVMT, chống biến đổi khí hậu” tại các vùng đồng bào tôn giáo. “Thành công từ các mô hình điểm và tổ tự quản BVMT là đã giúp người dân thay đổi hành vi, lối sống, nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt, trồng và chăm sóc cây xanh. Việc sử dụng nguồn nước sạch, công trình vệ sinh hợp lý, thu gom và xử rác thải sinh hoạt đã trở thành nền nếp ở các khu dân cư, góp phần giữ cho môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Mô hình cải tạo vệ sinh môi trường chống rác thải nhựa của xã Tà Chải( Bắc Hà, Lào Cai) |
PV: Vậy trong quá trình triển khai đơn vị đã gặp những khó khăn gì?Thưa bà?
Bà Bàn Thanh Thảo: Lào Cai là tỉnh vùng cao, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một số bộ phận nhân dân còn chưa đồng đều, điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu khắc nghiệt. Đặc biệt, phong tục tập quán của đồng bào vùng cao ăn ở thiếu vệ sinh, vùng thấp thì thói quen tập tục mê tín đốt vàng mã, thói quen sử dụng các sản phẩm thuận tiện… đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường.
Cùng với đó, việc xây dựng các thủy điện trên các con suối, sống trên địa bàn cũng làm phá vỡ môi trường tự nhiên dễ dẫn đến thảm họa thiên tai. Mặt khác, điều kiện tự nhiên của tỉnh Lào Cai với trên 80% diện tích là rừng núi, hệ thống sông, suối lưu tốc lớn, địa hình rừng núi phức tạp, độ dốc lớn, chất đất, thổ nhưỡng không ổn định, thường xuyên chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai; một số bộ phận người dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen làm nhà cạnh các khe suối, sườn đồi... nguy cơ thảm họa thiên tai là rất cao.
Người dân vùng cao Lào Cai ký hương ước cùng nhau BVMT |
Hơn nữa, tình trạng ô nhiễm tại các nhà máy, khu công nghiệp, rác thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý làm ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Theo thống kế 10 năm gần đây Lào Cai thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại, mưa lũ, sạt lở đất… làm chết 235 người, 08 người mất tích; 240 người bị thương, hàng nghìn căn nhà bị sập, trôi. Thiệt hại về kinh tế hơn 5.120 tỷ đồng, bình quân hơn 500 tỷ đồng/năm.
Ngoài những khó khăn về khí hậu, địa hình… thì còn có những khó khăn khác như: Các chế tài xử phạt về môi trường còn chưa rõ ràng, vai trò của các cấp uỷ, chính quyền chưa rõ nét. Đặc biệt là kinh phí dành cho BVMT chưa được quan tâm nên việc BVMT trên địa bàn cũng còn nhiều hạn chế.
PV: Thưa Bà! Trong thời gian tới, để công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với thảm hoạ thiên tai tiếp tục đạt được những kết quả, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai sẽ có những giải pháp gì?
Bà Bàn Thanh Thảo: Xác định rõ vị trí và nâng cao vai trò của người dân, chủ thể trong công tác BVMT ứng phó với thảm họa thiên tai. Trong thời gian tới, MTTQ tỉnh Lào Cai tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên, các sở ngành liên quan của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân chung tay vì môi trường xanh - sạch – đẹp.
Phối hợp xây dựng nhiều mô hình, với phương thức đa dạng, hình thức phong phú gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Đề án “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025”, nhằm góp phần huy động và khơi dậy sự tham gia với sức mạnh của cộng đồng chung tay giữ gìn môi trường và ứng phó với thảm họa thiên tai.
Bà con dân tộc vùng cao Lào Cai chung tay vì một môi trường xanh - sạch - đẹp |
Đơn vị cũng đề nghị Nhà nước và chính quyền các cấp bố trí kinh phí và nguồn lực nhiều hơn nữa cho công tác BVMT và ứng phó với thảm hoạ thiên tai; quy hoạch hợp lý các bãi thải, các nghĩa trang để đảm bảo môi trường sống cho người dân; tăng cường chế tài xử lý các vi phạm về môi trường; thực hiện tốt các đề án về môi trường như: Hỗ trợ, trợ giá các sản phẩm thân thiện với môi trường… có như vậy môi trường mới được bảo vệ lâu dài bền vững.
PV: Trân trọng cám ơn bà!