Theo đó, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu Sở TN&MT tăng cường công tác quản lý về khai thác tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Thường xuyên giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết ngăn chặn những “điểm nóng về môi trường”; quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường theo quy định.
Phối hợp với Sở KH&ĐT xem xét thẩm định các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản. Thực hiện tốt công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường theo quy định. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như bảo đảm an ninh môi trường trên không gian mạng.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát biến đổi khí hậu. Chịu trách nhiệm đôn đốc và tổng hợp báo cáo, đánh giá việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an ninh môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu.
Sở KH&ĐT nâng cao chất lượng công tác thẩm định các dự án đầu tư, thu hút đầu tư theo hướng không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, không thu hút đầu tư bằng mọi giá để bảo đảm an ninh môi trường (bảo đảm sự an toàn của con người, bảo đảm sự ổn định về chính trị, an toàn xã hội, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội trước đe dọa của môi trường sinh thái), xác định lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.
Chủ trì tham mưu xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; trong quá trình lập quy hoạch phải tính đến các yếu tố gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp xử lý; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Quan tâm dự báo sớm các tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân sinh, các vấn đề có tính chất “phức tạp”, “nhạy cảm” được người dân quan tâm trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.
Tăng cường công tác đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện tốt công tác báo cáo định kỳ đối với các dự án đầu tư theo quy định nhằm kịp thời theo dõi, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường đấu tranh, phản bác lại những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, lợi dụng những hạn chế, bất cập về an ninh môi trường nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung để kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ nội bộ và khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
UBND các huyện, thành phố chú trọng công tác xây dựng các quy hoạch theo thẩm quyền mang tính đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong quá trình lập quy hoạch phải tính đến các yếu tố gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp xử lý; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường.
Quan tâm phát triển mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Khi xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án chính sách, pháp luật về an ninh môi trường, quan tâm dự báo sớm các tác động, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống dân sinh, các vấn đề tính chất “phức tạp”, “nhạy cảm” được người dân quan tâm; kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
UBND tỉnh cũng giao các Sở: Công Thương, NN&PTNT, TT&TT, KH&CN, Ngoại vụ, Xây dựng, Cục Thuế tỉnh, Quỹ Bảo vệ môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh môi trường để phục vụ nhệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn…