Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, thời gian qua, công tác xây dựng cơ bản một số dự án trên địa bàn tỉnh bị chậm tiến độ, nguyên nhân chính là do vướng mắc về GPMB. Nhiều dự án, nhà đầu tư đến đặt vấn đề đầu tư không có mặt bằng sạch để bố trí thực hiện hoặc quá trình các nhà đầu tư vào triển khai dự án, tiến hành GPMB bị chậm theo kế hoạch đề ra, nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả của dự án…
Xác định đây là một nút thắt quan trọng trong quá trình thu hút đầu tư cũng như phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Lạng Sơn đã đặc biệt quan tâm giải quyết các vướng mắc trong bồi thường, GPMB. Cụ thể, tỉnh rà soát lại các cơ chế chính sách đã ban hành, xem xét những cơ chế nào không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn của địa phương. Bên cạnh đó, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn cho các huyện, thành phố trong thực hiện công tác bồi thường, GPMB, đặc biệt, các vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các địa phương đã được UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp hoặc giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và ấn định về thời gian để giải quyết cho các huyện, thành phố.
Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố phối hợp với các đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật về đất đai về bồi thường, GPMB. Để từ đó, người dân tự giác chấp hành, thực hiện đúng các quyết định thu hồi đất; chỉ đạo các huyện, thành phố, ngành chức năng xử lý kiên quyết đối với các trường hợp cố tình chây ỳ sau khi các cơ quan Nhà nước đã thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách liên quan đến thu hồi đất theo quy định.
Từ những giải pháp trên, công tác GPMB tỉnh Lạng Sơn đã đạt nhiều chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, một số dự án có quy mô lớn, phức tạp đã hoàn thành đúng tiến độ. Tiêu biểu như các dự án: đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; đường Bản Nằm - Bình Độ - Đào Viên, đường đến trung tâm xã Đoàn Kết - Khánh Long - Vĩnh Tiến - Cao Minh (huyện Tràng Định); đường Phố Vị - Hòa Sơn - Hòa Lạc (huyện Hữu Lũng); Đường Na Sầm - Na Hình (huyện Văn Lãng); Dự án cầu 17/10, Cầu Kỳ Cùng, Khu tái định cư và dân cư Nam TP. Lạng Sơn; dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư mở rộng mỏ than Na Dương… Các dự án này đã mang lại diện mạo mới cho tỉnh Lạng Sơn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư vào tỉnh, Giám đốc Sở TN&MT Lạng Sơn Bùi Văn Côi cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Quỹ phát triển đất của tỉnh, đảm bảo vốn cho công tác GPMB; rà soát, bổ sung hoàn thiện và công khai minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, danh mục dự án có sử dụng đất. Kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo các nhà đầu tư sử dụng đất theo quy hoạch và pháp luật. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án. Khẩn trương hoàn thành bảng giá đất các loại, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đất đai.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, từ tháng 8/2019, UBND tỉnh đã tổ chức họp chuyên đề về công tác GPMB và việc này sẽ được duy trì hàng tháng. Trong đó, sẽ xem xét, giải quyết kịp thời các vướng mắc các huyện, thành phố gặp phải trong quá trình thực hiện. Ông Thiệu cũng cho biết, giai đoạn 2019 - 2025 tỉnh có 37 dự án thu hút đầu tư, thuộc các lĩnh vực: hạ tầng công nghiệp, giao thông - đô thị - xã hội, thương mại, du lịch, dịch vụ, thể dục thể thao, nông lâm nghiệp - nông thôn. Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt Đề án xác định các điểm tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội dọc tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, giai đoạn 2018 - 2035, trong đó, đã có 11 địa điểm tạo quỹ đất thuộc địa bàn các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng, Cao Lộc và TP. Lạng Sơn, với tổng diện tích 3.655ha để thu hút đầu tư.