Với lợi thế đất lâm nghiệp lớn (chiếm hơn 74,3% diện tích tự nhiên), những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường công tác quản lý đất đai, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về trồng, bảo vệ rừng đi đôi với khai thác, tập trung phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm giảm xói mòn, chống sạt lở và bảo vệ nguồn nước.
Cùng với việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, trồng các loại cây có khả năng sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, Lạng Sơn cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng rừng. Người dân ở nhiều huyện trong tỉnh như: Hữu Lũng, Bình Gia, Đình Lập, Bắc Sơn, Lộc Bình, Tràng Định… đã khai thác tốt lợi thế đất đai sẵn có để trồng rừng.
Là một trong những hộ tiên phong trồng rừng, vươn lên thoát nghèo ở xã Quyết Thắng (Hữu Lũng), ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, trước đây, điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn trong khi đó đất đồi thì bỏ hoang, rất lãng phí. Nhận thấy điều này, năm 2000 ông đã trồng hơn 1.000 cây bạch đàn. Sau 5 năm, rừng bạch đàn cho khai thác, gia đình thu về trên 70 triệu đồng.
Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ rừng, từ năm 2006 đến nay, ông đã tích cực mở rộng diện tích. Năm 2021, gia đình đã vay vốn 200 triệu đồng (theo Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025) để tiếp tục mở rộng diện tích rừng trồng lên 4 ha.
Theo lãnh đạo xã Quyết Thắng, từ khi triển khai Nghị quyết 08 đến nay, xã đã phối hợp giải ngân được 6 dự án với số tiền 3,1 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án phát triển chăn nuôi và trồng rừng. Toàn xã hiện có khoảng 30 mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn hiện đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 còn 22,6%, giảm 27,3% so với năm 2016.
Còn tại xã Bính Xá, huyện Đình Lập, với lợi thế đất lâm nghiệp chiếm 82% diện tích tự nhiên, trung bình mỗi năm, xã trồng mới hơn 100 ha rừng. Đến nay, diện tích rừng trồng của xã có hơn 9.723 ha, cây trồng chủ yếu là thông, keo. Diện tích trồng rừng mới hằng năm đều vượt chỉ tiêu từ 130% đến 150%/năm, sản lượng khai thác gỗ hằng năm đạt khoảng 3.000 m3, sản lượng khai thác nhựa thông đạt trên 1.300 tấn…
Theo ông Đặng Hữu Sinh, xã Bính Xá, năm 2010, ông bắt đầu trồng 4 ha keo. Năm 2016, diện tích keo đến tuổi cho khai thác, gia đình bán và thu về trên 300 triệu đồng. Đầu năm 2017, ông tiếp tục trồng mới trên diện tích đã khai thác và mở rộng lên 10 ha. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, rừng keo của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt và đã có thương lái đến đặt mua.
Ngoài gia đình ông Sinh, trên địa bàn xã còn nhiều hộ biết tận dụng diện tích đất đồi, vươn lên thoát nghèo nhờ rừng và có cuộc sống ổn định với thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi năm. Điển hình như gia đình các ông: Bế Văn Cường; Nguyễn Văn Tuyền; Phan Văn Trung; ông Triệu Tiến Hưu…
Hiệu quả từ trồng rừng đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hiện, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 40 triệu đồng/người/năm, tăng 17,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20,8% năm 2016 xuống còn 5,9% năm 2020.
Hơn 20 năm trước, một số hộ dân ở xã Tân Tiến (huyện Tràng Định) bắt đầu trồng cây quế để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Từ năm 2012 trở lại đây, tận dụng diện tích đất rừng sẵn có và nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng loại cây này, đặc biệt là giá trị kinh tế mà cây quế mang lại, người dân ở đây đã tích cực trồng, mở rộng diện tích.
Anh Nông Văn Hoàng chia sẻ, năm 2003 gia đình bắt đầu trồng cây quế, đến nay đã trồng được trên 5 ha. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm gia đình khai thác tỉa từ 1 đến 2 tấn vỏ quế. Năm 2021, gia đình bán 1 ha quế, thu được số tiền gần 400 triệu đồng. Gia đình anh cũng là một trong những hộ có thu nhập cao ở xã Tân Tiến.
Tại huyện Bình Gia, những năm gần đây cũng đã có nhiều hộ gia đình dám nghĩ, dám làm, không để đất nghỉ, quyết tâm phủ xanh đất trống. Đơn cử như gia đình ông Lương Văn Keo, xã Thiện Thuật. Theo ông Keo, sẵn có đất rừng tương đối lớn, năm 2013 gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư trồng 20.000 cây keo trên diện tích 10 ha. Sau 6 năm chăm sóc, rừng đến thời kỳ thu hoạch đã mang lại cho gia đình thu nhập trên 900 triệu đồng.
Theo ông Hoàng Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia, để khai thác tốt lợi thế đất đai trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, trong thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai nói chung và đất rừng nói riêng cho người dân.
Bên cạnh đó, công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm sau khi được phê duyệt theo đúng quy định đến các tổ chức, cá nhân; mở rộng công khai, dân chủ trong quá trình quản lý đất đai, tạo điều kiện để cộng đồng và người dân được tham gia giám sát quá trình quản lý, sử dụng đất. Huyện cũng siết chặt quản lý đất đai, không để xảy ra các hành vi mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi đất rừng, xâm lấn đất rừng, xây dựng các trang trại, các công trình trên đất lâm nghiệp trái pháp luật.
Cũng theo ông Chung, huyện đã tổ chức thực hiện tốt các cơ chế chính sách về lâm nghiệp; phổ biến Luật Bảo vệ và phát triển rừng nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của các ngành, các cấp và nhân dân về vai trò kinh tế rừng trong kinh tế hộ gia đình để người dân có đất rừng hăng hái đầu tư, phát triển trồng rừng, trồng cây ăn quả, xây dựng các mô hình trồng rừng. Từ đó góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, phát huy có hiệu quả chức năng phòng hộ của rừng, giảm nhẹ thiên tai, chống xói mòn, giữ nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái cũng như giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Lạng Sơn trồng rừng tập trung với diện tích 31.535,9 ha, trồng cây phân tán khoảng 21.377,2 ha. Kết quả này đã nâng tổng diện tích đất có rừng của tỉnh đến hết năm 2020 là 523.937,9 ha, nâng độ che phủ rừng của tỉnh từ 60,5 % năm 2016 lên 63% năm 2020. Năm 2021, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 thì tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 11.090 hộ, chiếm 5,76% (giảm 2,12% so với năm 2020, tương đương giảm 5.025 hộ nghèo), tổng số hộ cận nghèo 16.950 hộ, chiếm 8,80% (giảm 0,47% so với 2020, tương đương giảm 2.009 hộ).