Theo thống kê, tỉnh Lạng Sơn hiện có hơn 74% diện tích đất lâm nghiệp. Để hỗ trợ người dân trồng rừng, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất tập trung một số loài cây chủ lực, cây gỗ lớn như: Vùng trồng thông ở các huyện Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc với diện tích trên 110.000ha; vùng trồng keo, bạch đàn tại Chi Lăng, Hữu Lũng, Đình Lập với hơn 31.000ha; vùng trồng hồi ở Văn Quan, Bình Gia, Tràng Định với diện tích trên 25.000ha; vùng trồng sở tại Văn Quan, Cao Lộc với 2.000 ha…
Xác định trồng rừng là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch trồng rừng, triển khai đến các khu dân cư, các hộ dân. Rà soát các diện tích rừng trồng sản xuất của nhân dân; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con về ý nghĩa của việc trồng, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Tuyên truyền tới các hộ trồng rừng chuẩn bị tốt cây giống, chủ động phát dọn thực bì, đào hố, chuẩn bị các vật tư lâm nghiệp, khi thời tiết thuận lợi để bắt tay trồng rừng vụ mới.
Với hơn 38.000ha rừng, Hữu Lũng là một trong những địa phương đứng đầu về diện tích trồng mới rừng với trung bình hơn 1.500 ha rừng/năm. Theo lãnh đạo UBND huyện, ngay từ đầu vụ, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, phòng, ban chuyên môn phối hợp cùng các xã, thị trấn rà soát thực địa, giao kế hoạch cụ thể đến từng địa phương, từng gia đình còn quỹ đất trồng.
Qua đó, năm 2022, toàn huyện đã trồng mới hơn 1.900ha rừng, bằng 127% kế hoạch. Trong đó, trên 1.700 ha rừng tập trung; chăm sóc 2.000 ha rừng; khoanh nuôi tái sinh 60 ha; khoán bảo vệ rừng khoảng 7.000 ha. Đã khai thác gỗ rừng trồng và lâm sản với trên 960 ha; sản lượng gỗ khai thác đạt trên 70.000 m3.
Mục tiêu năm 2023, huyện Hữu Lũng sẽ tiếp tục trồng mới 1.500 ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 43%. Ngay trong ngày ra quân trồng cây đầu năm, toàn huyện đã trồng mới gần 16.000 cây các loại như keo, lát, đào, lim xanh… tương đương khoảng 8 ha. Trồng rừng mang lại giá trị kinh tế cao, khâu tiêu thụ sản phẩm được đảm bảo, giúp cho người dân yên tâm mở rộng sản xuất. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 của huyện giảm 3,35%, còn 7,3%.
Tại huyện Bình Gia, trong tổng số hơn 94.000 ha đất lâm nghiệp, đã có hơn 84.000 ha diện tích có rừng, độ che phủ rừng đạt 74,9%. Đây cũng là một trong những địa phương cao nhất có độ che phủ rừng cao nhất tỉnh. Nhằm phát huy lợi thế kinh tế đồi rừng, huyện Bình Gia đã vận động người dân chuyển từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã hình thành vùng trồng cây keo, mỡ, như các xã: Thiện Thuật, Thiện Hòa, Yên Lỗ, Thiện Long, Vĩnh Yên... phát triển mạnh vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ nhỏ nhằm cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ. Tổng thu nhập từ rừng trung bình mỗi năm của bà con đạt khoảng 40 tỷ đồng, trong đó, riêng thu từ quế và hồi là hơn 20 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đến hết năm 2022 giảm còn 21%, mục tiêu còn 16,5% năm 2023.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, diện tích đất có rừng toàn tỉnh đã tăng dần qua các năm, góp phần bảo vệ nguồn nước, bảo đảm nguồn sinh thủy cho các hồ đập, hạn chế lũ lụt, nhất là lũ quét, nguy cơ sạt lở đất. Giai đoạn 2021-2022, toàn tỉnh trồng hơn 18.000ha rừng, trồng cây phân tán được 7,65 triệu cây, nâng độ che phủ rừng đến hết năm 2022 đạt 63,8%.
Đặc biệt, tỉnh đã chuyển hóa diện tích rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2021 - 2022 đạt gần 4.000ha. Sản lượng gỗ khai thác năm 2022 tăng 22% do trồng rừng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích rừng sản xuất ngày càng lớn. Sản lượng nhựa thông khai thác tăng 19%, chủ yếu trên địa bàn huyện Đình Lập và Lộc Bình, do nhiều rừng trồng đã đến tuổi khai thác nhựa, cộng them, giá nhựa thông trong năm ổn định, dao động từ 28.000 – 34.000 đồng/kg nên các hộ gia đình tăng sản lượng khai thác để tạo thêm thu nhập.
Có thể nói, sản xuất lâm nghiệp của tỉnh Lạng Sơn đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Một số sản phẩm gỗ có giá trị như ván ép, ván bóc, dăm gỗ; lâm sản ngoài gỗ như nhựa thông, hoa hồi... đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, công tác phát triển lâm nghiệp gắn liền với việc triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới… Năm 2022, giá trị ngành lâm nghiệp đạt trên 4.500 tỷ đồng, trong đó giá trị gỗ rừng trồng đạt gần 4.300 tỷ đồng.
Theo Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lạng Sơn, giai đoạn 2021 – 2025, địa phương này phấn đấu tăng trưởng giá trị của ngành lâm nghiệp đạt 7-7,2%/năm; giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2025 đạt 5.600 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu gỗ, các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 510 tỷ đồng. Trồng rừng mới hàng năm 9.000 ha, trong đó trồng rừng gỗ lớn 800 ha/năm, trồng dược liệu dưới tán rừng 400 ha/năm. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng (FSC hoặc PEFC) đạt 5.000 ha. Nâng độ che phủ rừng đạt 65% vào năm 2025 và 67% vào năm 2030.