Môi trường

Lan tỏa tinh thần Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống lương thực bền vững

Khánh Ly 27/04/2023 - 18:18

(TN&MT) - Ngày 27/4, Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững đã bế mạc tại Hà Nội. Các kết quả hội nghị cấp Bộ trưởng lần này sẽ được đưa vào chương trình nghị sự tại Hội nghị về kiểm kê hệ thống lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc vào tháng 7 tới tại Rome (Italia).

Kết quả này cũng tiếp tục được gửi đến Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) vào cuối năm nay.

Cùng với 9 phiên họp chính thức, Hội nghị đã tổ chức 11 phiên họp bên lề, 31 cuộc làm việc song phương giữa các bên và 5 chuyến đi thực địa tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Về tổng thể, hội nghị đã hoàn thành các mục tiêu và đề ra nhiều giải pháp bao trùm, mang tính đột phá để cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thông điệp từ Hà Nội đến Rome

Chia sẻ về các thông điệp chính của Hội nghị tại Hà Nội sẽ chuyển tới Hội nghị tại Rome vào tháng 7 tới, bà Sylvia Ekra, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối hệ thống thực phẩm cho biết: Đến nay, đã có 120 quốc gia đưa ra lộ trình chuyển đổi hệ thống LTTP và nhiều quốc gia khác cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị. Hội nghị tại Rome sẽ tiếp tục kiểm chứng nỗ lực của các quốc gia trong việc thực hiện các cam kết, mục tiêu. Từ đó xác định các cột mốc đã đạt được, những hạn chế và đề xuất ưu tiên trong tương lai.

bemac-8.jpg
Chủ trì các phiên họp tại Hội nghị chia sẻ về thông điệp chính sau thảo luận

Hội nghị lần thứ 4 thảo luận về nhiều chủ đề khác nhau, nhưng các đại biểu cùng chung nhận định rằng cần kết nối các bên liên quan tham gia vào quá trình chuyển đổi; hình thành hệ sinh thái hỗ trợ cho các giải pháp cụ thể, đảm bảo trách nhiệm giải trình và đem lại lợi ích tối đa cho những người có nhu cầu. Đây là quá trình dài và nhiều thử thách, nhưng trước mắt, cần đẩy mạnh vai trò tiên phong của nông dân trong hệ thống LTTP hơn nữa - bà Sylvia Ekra nhấn mạnh.

Sau 3,5 ngày thảo luận chuyên sâu, Hội nghị đã đưa ra 5 kết luận quan trọng. Đầu tiên, chuyển đổi hệ thống LTTP theo hướng bền vững và có khả năng chống chịu/phục hồi là điều kiện tiên quyết để giải quyết các cuộc khủng hoảng liên quan đến mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng, sức khỏe, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, xung đột, cũng như giá tiêu dùng và năng lượng cao.

Thứ hai, chuyển đổi hệ thống LTTP cần được tiếp cận từ toàn cầu. Tuy nhiên, việc lựa chọn con đường/cách thức chuyển đổi hệ thống LTTP cần tính đến bối cảnh cụ thể của từng quốc gia và địa phương trong quốc gia đó.

Thứ ba, cần sử dụng cách tiếp cận bao trùm, đa ngành, đa lĩnh vực và mang tính hệ thống trong chuyển đổi hệ thống LTTP. Chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững cần gắn với các yếu tố có liên quan bao gồm biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và thương mại…

z4299670510988_38f23329f0d9e0b64f50abc72f355aea.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị

Thứ tư, việc chuyển đổi hệ thống LTTP ở từng quốc gia đòi hỏi phải có đủ quyết tâm chính trị và sự tham gia, phối hợp của tất cả các ngành, lĩnh vực, các bên liên quan từ trung ương tới địa phương, sự phối hợp của các tổ chức quốc tế, khu vực nhà nước và tư nhân. Đồng thời, việc chuyển đổi đòi hỏi phải có sự gắn kết, kết hợp giữa mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, giữa chiến lược dài hạn và các kế hoạch ngắn hạn. Việc quản trị và điều phối các bên liên quan là quan trọng và cần thông qua 1 kế hoạch hành động.

Cuối cùng, để chuyển đổi hệ thống LTTP thành công, đòi hỏi phải huy động các nguồn lực bao gồm khoa học công nghệ, tài chính, sự tham gia và đổi mới sáng tạo. Trong đó, về nguồn lực tài chính: chính sách tài chính cho chuyển đổi hệ thống LTTP cần nhất quán và toàn diện ở cấp toàn cầu, quốc gia và địa phương. Các chính sách tài chính cần tiếp cận trên 3 khía cạnh: tạo động lực, thúc đẩy đổi mới và đầu tư.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), Hội nghị cấp Bộ trưởng tập trung chủ yếu vào việc đưa ra các giải pháp khả thi để có thể triển khai trong thực tiễn. Sau đó, các vấn đề này sẽ tiếp tục được chia sẻ tại các Hội nghị cấp nguyên thủ và các tổ chức đa phương lớn trên toàn cầu, đặc biệt là Hội nghị COP 28 nhằm huy động tất cả các bên cùng tham gia.

Nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam

Việc tổ chức thành công Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững đã góp phần nâng cao uy tín, vai trò và vị thế của Việt Nam với tư cách là “Nhà cung cấp lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm, bền vững”; là thành viên có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu bao gồm an ninh lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu, đại dịch mới nổi...

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam đang hướng tới cách tiếp cận đa ngành, đa mục tiêu. Để triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, Việt Nam rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà tài trợ, đối tác quốc tế, các cơ quan nghiên cứu, khu vực doanh nghiệp, tư nhân và người dân cùng chung tay thực hiện theo các định hướng ưu tiên của Chính phủ.

bemac-8-copy.jpg
Các đại biểu tham gia phiên bế mạc

Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế và các đối tác phát triển khác để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia này. Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo để tăng cường giáo dục, truyền thông cho cộng đồng về thói quen ăn uống lành mạnh, cân đối dinh dưỡng, tiêu dùng hợp lý – tránh thất thoát lãng phí thực phẩm và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả trong sản xuất, năng suất, an toàn thực phẩm và phân phối, đồng thời kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm cũng cần được triển khai thực hiện.

“Việt Nam mong muốn phát triển một “Trung tâm đổi mới sáng tạo về hệ thống lương thực thực phẩm ở khu vực Đông Nam Á” để mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, xây dựng chính sách và thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải và bền vững” – ông Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ.

Ông Joao Campari, Lãnh đạo Chương trình thực phẩm toàn cầu WWF cho biết, WWF đánh giá cao sáng kiến về Trung tâm đổi mới sáng tạo và cho rằng, đây sẽ là động lực quan trọng để các quốc gia trong khu vực “vừa đi nhanh, vừa đi cùng nhau”. Thực tế, các quyết định liên quan đến hệ thống LTTP mang tính chính trị, đặt trong bối cảnh có nhiều vấn đề đan xen như bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh dinh dưỡng, an ninh lương thực... Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hệ thống ANLT bền vững sẽ giúp tích hợp giải quyết các vấn đề này.

z4299295340790_19ba400137a370fcc35fd886eebc461e.jpg
Ông Joao Campari, Lãnh đạo Chương trình thực phẩm toàn cầu WWF phát biểu tại sự kiện

Đại biểu các nước và tổ chức quốc tế tham gia hội nghị cũng ghi nhận Việt Nam là quốc gia tiên phong trong chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững. Trong các cuộc họp song phương, đa phương, nhiều tổ chức quốc tế đã đặt vấn đề hợp tác để cùng triển khai hệ thống LTTP trách nhiệm – minh bạch... và đưa Việt Nam trở thành hình mẫu đi đầu, chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thuỵ Sỹ Christian Hoffer, Việt Nam có nhiều kinh nghiệm, mô hình tốt trong chuyển đổi hệ thống LTTP minh bạch, trách nhiệm, bền vững. Việc chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam cho các đại biểu tham gia Hội nghị lần thứ 4 bao gồm cả trực tiếp và trực tuyến, thông qua các phương tiện truyền thông góp phần quan trọng vào chuyển đổi hệ thống LTTP toàn cầu theo định hướng trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa tinh thần Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống lương thực bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO