Làm rõ một số quy định trong dự thảo Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo

28/05/2015 00:00

(TN&MT) - Sáng 28/5, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học và công nghệ của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Báo cáo đã làm rõ kiến nghị của đại biểu quốc hội về một số quy định trong dự thảo Luật Tài nguyên môi trường biển và hải dảo.

Hệ thống pháp luật đồng bộ quản lý tài nguyên môi trường biển và hải đảo

Nhiều ý kiến các vị ĐBQH đề nghị chỉnh sửa lại phạm vi điều chỉnh cho phù hợp với nội dung của Luật, đồng thời rà soát để tránh chồng chéo, trùng lắp với các Luật khác, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; xác định rõ nội dung quản lý tổng hợp tài nguyên các vùng biển và hải đảo, bảo đảm không trái Luật biển Việt Nam và phù hợp với Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật biển.

Chủ nhiệm Ủy ban khoa học và công nghệ của Quốc hội Phan Xuân Dũng
Chủ nhiệm Ủy ban khoa học và công nghệ của Quốc hội Phan Xuân Dũng

Ủy ban TVQH cho rằng, quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là phương thức quản lý theo phương châm không làm thay quản lý ngành, lĩnh vực mà đóng vai trò điều phối, phối hợp các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực. Dự thảo Luật đã bám sát mục tiêu ban hành Luật là để quản lý có hiệu quả hơn các hoạt động điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo trên các vùng biển của nước ta bằng phương thức quản lý tổng hợp. Nhiều quốc gia có biển trên thế giới đã áp dụng phương thức quản lý này có hiệu quả. Trên thực tế ở nước ta, từ năm 2007 việc quản lý biển bằng phương thức tổng hợp đã được triển khai tại dải ven biển Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.

Do vậy, Luật được chuẩn bị theo hướng chỉ tập trung quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp, không quy định về quản lý, khai thác, sử dụng loại tài nguyên biển cụ thể nên không chồng chéo với các luật chuyên ngành mà cùng với các luật chuyên ngành tạo thành hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường (BVMT) biển và hải đảo. “Việc quy định các công cụ, cơ chế để điều phối, phối hợp các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trong Dự thảo Luật không trái với Luật biển Việt Nam và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” – ông Phan Xuân Dũng nói.

Theo ông Phan Xuân Dũng, có ý kiến cho rằng Dự thảo Luật quy định “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo được lập cho giai đoạn 10 năm” là quá ngắn, khó có thể quy hoạch và khai thác hợp lý, đề nghị thời gian dài hơn. Về vấn đề này, Ủy ban TVQH tiếp thu và đã quy định “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo được lập ở cấp quốc gia, cho giai đoạn 20 năm, tầm nhìn 30 năm” như tại khoản 3 Điều 9 Dự thảo Luật.

Làm rõ quy định “phạm vi vùng bờ”

Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của quy định về phạm vi vùng bờ; cân nhắc quy định vùng biển ven bờ thống nhất với quy định của Luật biển Việt Nam, Luật biên giới quốc gia, Luật thủy sản. Một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định vùng biển ven bờ theo cách tính dựa trên đường cơ sở quy định tại Luật biển Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Phan Xuân Dũng cho biết, khu vực chuyển tiếp giữa đất liền và biển, bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển thường được gọi là vùng bờ. Vùng bờ là nơi có nhiều hệ sinh thái quan trọng, có sự tương tác giữa biển và đất liền mạnh nhất và là nơi tập trung nhiều hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên, dễ phát sinh các xung đột, mâu thuẫn về lợi ích trong khai thác, sử dụng, đồng thời có tác động, ảnh hưởng mạnh nhất đến môi trường, hệ sinh thái biển. Do vậy, khu vực này cần được quản lý đặc biệt để duy trì và phát triển bền vững. Hầu hết các quốc gia có biển đều xác lập khu vực này và áp dụng các công cụ phù hợp để quản lý.

 Ở nước ta, việc xác lập vùng bờ và quản lý tổng hợp vùng bờ đã được thực hiện từ năm 2007 theo Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg ngày 09/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 2295/QĐ-TTg ngày 17/12/2014. Vì vậy, việc xác lập vùng bờ và quy định các công cụ quản lý tổng hợp vùng bờ trong Dự thảo Luật là có cơ sở khoa học và thực tiễn.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và để phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng bờ của nước ta, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng không quy định vùng biển ven bờ có chiều rộng 6 hải lý và vùng đất ven biển bao gồm các xã, phường, thị trấn ven biển mà chỉ quy định nguyên tắc xác định phạm vi vùng bờ trong Luật và giao Chính phủ quy định cụ thể để phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội (KT-XH) của từng khu vực vùng bờ, đặc điểm quá trình tương tác giữa biển và đất liền, đáp ứng yêu cầu BVMT vùng bờ, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang ngày càng diễn biến phức tạp và một số đặc điểm khác ở khu vực vùng bờ để tổ chức quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ được linh hoạt, phù hợp với năng lực quản lý như thể hiện tại Điều 22 Dự thảo Luật.

Về đề nghị cân nhắc quy định “vùng biển ven bờ” thống nhất với quy định của Luật biển Việt Nam, Luật biên giới quốc gia, Luật thủy sản; chỉnh sửa quy định “vùng biển ven bờ” theo cách tính dựa trên đường cơ sở quy định tại Luật biển Việt Nam, Ủy ban TVQH xin được giải trình như sau: Dự thảo Luật quy định phạm vi vùng bờ là nhằm xác định phạm vi không gian của quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ để quản lý tổng hợp. Trong khi đó, quy định đường cơ sở, vùng biển Việt Nam (bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) tại Luật biển Việt Nam là để xác lập chủ quyền, chế độ pháp lý của các vùng biển Việt Nam. Nếu quy định vùng biển ven bờ theo cách tính dựa trên đường cơ sở thì sẽ có khu vực biển ven bờ quá rộng, có nơi quá hẹp, không đáp ứng yêu cầu và mục tiêu quản lý tổng hợp vùng bờ. Mục tiêu xác định phạm vi vùng bờ cũng không trùng với mục tiêu xác định khu vực biên giới trên biển theo Luật biên giới quốc gia và vùng biển ven bờ theo Luật thủy sản. 

Dự thảo Luật cũng đã được chỉnh sửa theo hướng bổ sung quy định về nguyên tắc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và chỉnh sửa lại Điều 23 quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, đồng thời bổ sung 02 Điều mới quy định về các hoạt động bị nghiêm cấm, các hoạt động bị hạn chế trong hành lang bảo vệ bờ biển như tại Điều 24 và Điều 25 của Dự thảo Luật.

Quy định rõ “Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo”

Nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT, các Bộ có liên quan và UBND các cấp; quy định rõ hơn nguyên tắc, nội dung phối hợp liên ngành giữa Bộ TN&MT với các bộ, ngành và địa phương; quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên và BVMT biển và hải đảo.

Ông Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ TN&MT, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ, trách nhiệm của UBND các cấp như tại Điều 73 và Điều 74 Dự thảo Luật.

Về ý kiến đề nghị quy định rõ hơn nguyên tắc, cơ chế trách nhiệm phối hợp liên ngành giữa Bộ TN&MT với các bộ, ngành và địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo: Dự thảo Luật lần này đã quy định rõ hơn nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo.

Ủy ban TVQH thống nhất với ý kiến đại biểu cho rằng, chỉ quy định nguyên tắc, nội dung phối hợp trong Luật còn cơ chế phối hợp cụ thể giao cho Chính phủ quy định để bảo đảm tính linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Bộ và các cơ quan hành chính nhà nước liên quan.

Thúy Hằng

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ một số quy định trong dự thảo Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO