Làm rõ lợi thế và thách thức đối với phát triển vùng ĐBSCL trong thời gian tới

Trí Hòa (tổng hợp)| 01/06/2021 21:16

(TN&MT) - Đó là một trong những chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khi ông chủ trì Hội nghị trực tuyến sáng 1/6 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2001-2010

Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu chủ trì Hội nghị trực tuyến sáng 1/6. Ảnh: kinhtetrunguong.vn

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, địa phương là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập. Các đồng chí trong Tổ Thư ký, giúp việc Ban Chỉ đạo.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, năm 2003, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010.

Năm 2012, Bộ Chính trị đã chỉ đạo sơ kết thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW nhằm đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết, trên cơ sở đó ban hành Kết luận 28-KL/TW Bộ Chính trị khóa XI.

Kết luận 28-KL/TW xác định vùng ĐBSCL được định hướng trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ cho nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững. Phát triển mạnh kinh tế biển. Xây dựng ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Phát triển mạnh dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế then chốt của cả vùng. Chủ động hội nhập, hợp tác kinh tế với các nước, trước hết là các nước khu vực Đông Nam Á.

Với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của của các cấp uỷ đảng, các cấp chính quyền và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, vùng ĐBSCL trong những năm qua đã có những chuyển biển tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch và phát triển đúng hướng, với quy mô, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của cả vùng. Đã khẳng định vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước.

Quang cảnh Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: kinhtetrunguong.vn

Các chương trình phục vụ an sinh xã hội đã góp phần ổn định cuộc sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng ngập lũ. Nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội đã từng bước phát triển khá và ngày càng ổn định. Tỉ lệ hộ đói nghèo đã giảm đáng kể. Y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư. Thế trận quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự xã hội được củng cố…

Báo cáo cũng nêu rõ, bên cạnh những mặt tích cực, hiệu quả nêu trên, vùng ĐBSCL hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế. Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, là vùng đất trù phú nhất toàn quốc nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình. Tốc độ phát triển của Vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước. Tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng. Vùng ĐBSCL hiện là "vùng trũng" về đô thị hóa ở Việt Nam. Tình hình dân tộc, tôn giáo vẫn có những diễn biến phức tạp…

Để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo an ninh, quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu… của ĐBSCL thời gian tới, Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan Thường trực, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức Tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW. Kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo và Ban Kinh tế Trung ương tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra các định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, góp ý nhiều vấn đề cho xây dựng Đề án. Ý kiến các đại biểu cho rằng, trong quá trình xây dựng Đề án, cần đánh giá khái quát vị trí vùng, tương quan với các vùng trong cả nước và với quốc tế. Cần chú ý đến một số yếu tổ về nông nghiệp, đất đai, nhân lực, đảm bảo phát triển bền vững.

Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến về các vấn đề lồng ghép khoa hoc công nghệ vào từng lĩnh vực, quan tâm đến môi trường, biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng - an ninh, tăng cường liên kết vùng. Cần chú ý đến vấn đề văn hóa đồng bào dân tộc; có ngay những giải pháp cốt lõi và trước mắt cho cuộc sống người dân.

Tại hội nghị, lãnh đạo một số địa phương có kiến nghị về vấn đề tổng kết tình hình và có giải pháp đột phá cho phát triển hạ tầng, đầu tư, vấn đề sinh kế của người dân và có các giải pháp hỗ trợ cho các tỉnh trong vùng cũng như có cơ chế cho vùng.

Các đầu cầu tham dự Hội nghị. Ảnh: kinhtetrunguong.vn

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh đã đánh giá cao sự tích cực làm việc, đóng góp những ý kiến sâu sắc của các đại biểu. Đồng chí Trần Tuấn Anh đề nghị tất cả các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phát huy tinh thần sáng tạo, vào cuộc quyết liệt, khẩn trương, nghiêm túc thực hiện sự phân công của Ban Chỉ đạo nhằm hoàn thành các mốc tiến độ đề ra, đặc biệt là: Tổng kết đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, sâu sắc về những việc đã làm được, những việc chưa làm được và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị cần đi sâu, làm rõ những lợi thế và thách thức đôi với phát triển bền vững của vùng ĐBSCL trong thời gian tới, nhất là những thách thức trong bối cảnh mới; phát hiện các nguồn lực, nhân tố mới mà quá trình tổng kết cần mở rộng nghiên cứu và làm rõ, đặc biệt trong mối liên hệ với Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các Nghị quyết chuyên đề có liên quan. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tạo thêm các động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng ĐBSCL.

Đặc biệt, theo ông Trần Tuấn Anh, cần xác định rõ thế mạnh của Vùng trong mối quan hệ với vùng Đông Nam bộ, TP Hồ Chí Minh và cả nước; tìm ra những điểm mới có tính chất khơi thông, mở đường cho khai thác, phát huy được nguồn lực con người, điều kiện tự nhiên, xã hội, phát triển các ngành, lĩnh vực vùng ĐBSCL để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ lợi thế và thách thức đối với phát triển vùng ĐBSCL trong thời gian tới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO