Đất đai

Lâm Đồng: Tận dụng giá trị đất nông nghiệp giúp giảm nghèo bền vững

Đình Du 17/10/2023 - 18:13

(TN&MT) - Lâm Đồng có diện tích rừng khoảng 539 ngàn ha, và 316 ngàn ha đất canh tác nông nghiệp, là tỉnh tiên phong về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng vào nền nông nghiệp xanh nhằm góp phần giảm nghèo bền vững.

anh-1.jpg
Lâm Đồng công nhận 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp

Lâm Đồng cơ cấu ngành nông nghiệp trồng trọt chiếm khoảng 82 %, chăn nuôi chiếm 15,9% và các dịch vụ khác chiếm 2,1%. Những năm qua, ngành nông nghiệp Lâm Đồng luôn duy trì mức tăng trưởng khá, và đóng vai trò là trụ đỡ nền kinh tế. (Năm 2022, tăng trưởng 5,02%, đạt 19,9 ngàn tỷ đồng; chiếm tỷ trọng khoảng 38,62% cơ cấu kinh tế).

Toàn địa bàn có hơn 65.308 ha, chiếm 21,8% diện tích đất canh tác, giá trị sản xuất bình quân đạt 234,4 triệu đồng/ha/năm. Tỉnh đã hình thành, công nhận 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 18 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó canh tác rau, hoa trên giá thể trên 718 ha, công nghệ màng PE 3-5 lớp có tác dụng chống tia UV, khuếch tán ánh sáng, chống bám bụi được ứng dụng trên 700 ha nhà kính. Mức độ ứng dụng công nghệ cao có tính đa dạng với 46.920 ha tưới tiên tiến tiết kiệm nước phun mưa, tưới nhỏ giọt, thủy canh hồi lưu. Toàn tỉnh đang phát triển 456 ha diện tích ứng dụng công nghệ thông minh, giảm 10 - 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; 30 – 50 % lượng nước tưới và nhân công lao động; tăng lợi nhuận 15 – 20 % so với sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng có thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đây là lĩnh vực được đánh giá thuộc Top đầu cả nước, được các doanh nghiệp trong, ngoài nước quan tâm. Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, đến nay, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh trên 62 ngàn ha với giá trị sản xuất bình quân từ 180 triệu đồng/ha/năm. Theo đánh giá, nhiều diện tích rau ứng dụng công nghệ cao đạt 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, sản xuất hoa đạt 800 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Cần khẳng định, việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị nông sản và tăng giá trị sử dụng đất.

Lâm Đồng tiếp tục xác định phát triển trồng trọt chuyên canh theo hướng quy mô lớn, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới, an toàn, hiệu quả kinh tế cao, tập trung canh tác các loại cây trồng chủ lực có lợi thế so sánh trên địa bàn. Qua đó, đến năm 2030, Lâm Đồng chuyển đổi diện tích lúa 1 vụ, diện tích cây cà phê kém hiệu quả từ 2.500 - 3.000 ha để bổ sung tổng diện tích trồng rau lên 26.500 ha, tổng sản lượng 2,8 triệu tấn. Với cây hoa, Lâm Đồng chú trọng chuyển đổi canh tác các giống hoa mới, phù hợp với từng khu vực sinh thái, đồng thời từng bước sản xuất các giống hoa bản quyền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tổng diện tích gieo trồng cây hoa đạt được đến năm 2030 khoảng 11.000 ha, tổng sản lượng 4 tỷ cành cùng 500 triệu chậu hoa các loại.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, Lâm Đồng đạt tăng trưởng bình quân hàng năm các chỉ số ngành nông - lâm - thủy 4 - 4,5%; năng suất lao động 5,5 - 6%; giá trị xuất khẩu nông sản 8 - 10%, trong đó tỉ trọng nông sản chế biến đạt từ 35% trở lên. Thu nhập người dân tăng gấp 3 lần so với năm 2020.

anh-2.jpg
Tận dụng giá trị của đất trong nông nghiệp để giảm nghèo bền vững

Nỗ lực thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã Hội Lâm Đồng, toàn tỉnh còn 9.731 hộ nghèo, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn 6.739 hộ, chiếm tỷ lệ 8,55%; hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 4,07%, trong đó hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 10,47%.

Thực hiện hiệu quả mục tiêu Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh đảm bảo thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chung của cả nước. Đảm bảo nguồn vốn cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; phấn đấu 100% người nghèo trong độ tuổi lao động, có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Giảm tỷ lệ hộ tái nghèo, tái cận nghèo hằng năm xuống dưới 10% so với tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng đã gắn các dự án thuộc Chương trình giảm nghèo với Chương trình phát triển nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng về hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo… đã có sự thay đổi rõ rệt; cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, đặc biệt là các huyện có đông đồng bào DTTS đã được cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 77,67 triệu đồng (tăng 14,77 triệu đồng so với năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, riêng hộ nghèo là người đồng bào DTTS giảm 2%, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đến 92 %.

Ngoài ra, năm 2023, tổng nguồn vốn thực hiện cho Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Lâm Đồng là 65.683 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện giải ngân triển khai các dự án thuộc Chương trình giảm nghèo với tổng kinh phí là 5.152 triệu đồng. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư phát triển với tổng kinh phí là 3.751 triệu đồng, ngân sách địa phương là 480 triệu đồng đạt 99,7% kế hoạch. Bên cạnh đó, còn giải ngân vốn sự nghiệp với tổng kinh phí là 1.401 triệu đồng.

Tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo. Khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tính đến tháng 7/2023, các Sở, ban, ngành tỉnh Lâm Đồng đã vận động và chuyển 2.600 triệu đồng đến các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, có nhiều đồng bào DTTS đang sinh sống như: Đam Rông, Cát Tiên, Lạc Dương, Di Linh…

Những việc làm tích cực và ý nghĩa trên tạo niềm tin cho nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người đồng bào DTTS trong việc thực hiện chính sách về giảm nghèo của Đảng, Nhà nước để họ tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Theo Lâm Đồng: Tận dụng giá trị đất nông nghiệp giúp giảm nghèo bền v
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm Đồng: Tận dụng giá trị đất nông nghiệp giúp giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO