Đất đai

Huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng): Ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, khai thác hiệu quả đất đai

Đình Du 26/08/2024 - 18:22

(TN&MT) – Những năm qua, huyện Đạ Huoai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao việc sử dụng đất đai hiệu quả, định hướng đúng cây trồng chủ lực trong nông nghiệp. Qua đó đã giúp người dân thoát nghèo bền vững.


anh-1.jpg
Nhờ sử dụng đất đai hiệu quả, người dân bội thu từ trồng sầu riêng

Hiệu quả canh tác đất và cây trồng chủ lực

Theo UBND huyện Đạ Huoai, cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo trên địa bàn còn 40 hộ, trong đó có 24 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo. Riêng xã Hà Lâm không còn hộ nghèo và cận nghèo. Huyện quyết tâm đến cuối năm 2024 sẽ không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo hưởng các chính sách bảo trợ xã hội và hộ không có khả năng lao động).

Thời gian qua, các cơ quan ban ngành của huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động và hướng dẫn sử dụng hiệu quả đất đai trong trồng trọt. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất thu hoạch cho người dân.

Gia đình chị Ka Hinh, ngụ thôn Bình An ngày trước là hộ nghèo, nhưng nhờ chính quyền hướng dẫn hiệu quả việc canh tác đất đai và phương pháp trồng cây sầu riêng mà gia đình chị nhanh chóng thoát nghèo. Mỗi năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng, cuộc sống ngày càng sung túc.

Tương tự, gia đình chị Ka Ke cũng là hộ nghèo ở thôn Phước Dũng, nhờ canh tác đất hiệu quả với cây trồng mà gia đình đã thoát nghèo, vươn lên thành hộ có thu nhập ổn định.

Ngày trước, người dân ở Đạ Huoai đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhưng những năm gần đây việc canh tác trong trồng trọt, đặc biệt cây sầu riêng đã mang lại nhiều khởi sắc. Chuyện xây nhà cao tầng, mua xe ô tô không còn là chuyện lạ ở các xã, các thôn trên địa bàn. Không chỉ vậy, nhiều gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số ngoài khoản tiền dành dụm, đầu tư còn mua được cả hai chiếc xe ô tô tiền tỷ. Giấc mơ thoát nghèo, làm giàu chính đáng đã trở thành hiện thực trên mảnh đất từng “chết danh” là… xứ nghèo.

Trong năm 2024, huyện Đạ Huoai hướng tới chuyển đổi trồng mới, cải tạo hơn 283 ha sầu riêng và hơn 243 ha cây điều. Qua đó nâng tổng số diện tích hai loại cây trồng này lên hơn 6.375 ha và 5.652 ha. Riêng diện tích cấp mới mã số vùng trồng 1.000 ha, nâng tổng số diện tích được cấp mã số vùng trồng lên 3.155 ha.

Đặc biệt, xã Hà Lâm, xã Đạ Oai, Đạ Tồn, Đạ P’loa, Phước Lộc sẽ được đầu tư, hỗ trợ để xây dựng các vùng sầu riêng chuyên canh, sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn an toàn VietGAP, hữu cơ.

anh.jpg
Huyện Đạ Huoai ngày càng phát triển

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Theo Bí thư Huyện ủy Đạ Huoai - Nguyễn Quý Mỵ, ngày trước đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và địa phương, sự tích cực trong lao động của người dân đã có những bước tiến phát triển vượt mong đợi. Mừng nhất là nhiều hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không những thoát nghèo mà còn thu nhập rất cao. Con cái đến trường đúng độ tuổi, nhiều gia đình còn cho con xuống thành phố học cao đẳng, đại học.

Điển hình xã Phước Lộc có diện tích trồng sầu riêng khoảng 600 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 400 ha. Khu vực này ngày trước chủ yếu trồng các loại cây như: điều, chè và cây tre. Sau khi xác định sầu riêng là cây trồng chủ lực và áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, nông nghiệp bền vững đã giúp người dân đã hái quả ngọt ngay trên chính mảnh vườn của mình.

Nhờ xác định đúng cây trồng và ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã giúp thu nhập của người dân trên một đơn vị diện tích đất trồng không ngừng được tăng lên. Năm 2023, toàn xã có 30 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, 21 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 10 hộ đạt danh hiệu nông dân kinh doanh sản xuất giỏi cấp Trung ương, trong đó có nhiều hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện Đạ Huoai đã và đang đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả canh tác đất hiệu quả nhằm giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Trong đó tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng tập trung, tránh manh mún. Lựa chọn nội dung và hình thức triển khai phù hợp với khả năng của người nghèo, gắn với đầu ra của sản phẩm.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về chương trình giảm nghèo không kém phần quan trọng. Thực hiện lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và nông thôn mới, các dự án để hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, vật tư, thiết bị phục vụ nông nghiệp từ các nguồn ngân sách từ trung ương và tỉnh rót xuống. Cùng với việc triển khai phong trào thi đua sản xuất làm giàu trong nhân dân ngày càng cao, nhiều hộ gia đình hộ nghèo đã tự lực tận dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ thoát nghèo.

Đặc biệt các cơ quan ban ngành trên địa bàn còn triển khai lồng ghép chương trình giảm nghèo bền vững vào các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo hướng ngày càng đi vào chiều sâu. Từ đó góp phần tăng cường xây dựng tinh thần đoàn kết, ý thức tự chủ của cộng đồng với mục tiêu: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo Huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng): Giảm nghèo nhờ định hướng cây trồng v
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng): Ứng dụng KHCN trong nông nghiệp, khai thác hiệu quả đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO