Nhiều hồ chứa đang ở mực nước chết |
Nguồn nước tự nhiên sắp “cạn kiệt”
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng, tính từ đầu năm đến nay phần lớn các địa phương trên toàn tỉnh thời tiết không có mưa, có nhiều nơi lượng mưa rất thấp. Hiện tại, mực nước tại các hồ thủy điện lớn trên địa bàn đều ở dưới mực nước dâng bình thường từ 0,7- 11,8m. Một số hồ thủy lợi không tích đủ nước và mực nước xuống rất thấp.
Ngoài ra, ở các huyện như Lạc Dương, Bảo Lâm, Di Linh…hệ thống nước tự nhiên như ao hồ, sông suối cũng sụt giảm hết sức nghiêm trọng so với cùng kỳ năm ngoái. Điển hình, các hồ Đắk Lô ở huyện Cát Tiên, hồ R’Lôm, hồ BooKaBang, hồ Ma Đanh ở huyện Đơn Dương, hồ Ma Póh ở huyện Lạc Dương…
Người dân ở các địa phương của tỉnh Lâm Đồng đang tìm mọi cách để cứu cây trồng khỏi "chết khát" |
Ông Trần Ngọc Vấn, 57 tuổi – một nông dân tại xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương cho biết, gia đình đang sử dụng nước tại lưu vực sông Đa Nhim. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây mực nước xuống rất thấp. “Lượng nước đang xuống thấp chỉ đủ dùng trong một thời gian ngắn nữa. Nếu sắp tới không có mưa thì chắc chắn sẽ không còn đủ nước để mà tưới”. Ông Vấn lo lắng nói.
Trú cùng xã với ông Vấn, gia đình ông Bùi Văn Dương đang phải bấm bụng dùng nguồn nước từ giếng khoan để “giải khát” cho hoa màu đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. “Trước đây, gia đình tôi thường sử dụng nguồn nước từ hồ Tân Hiên để tưới hoa màu nhà mình, tuy nhiên, do thời gian qua không có mưa cộng với nhu cầu sử dụng nước tưới của người dân ở đây tăng cao dẫn đến hồ cạn nước”. Ông Dương chia sẻ.
Có nhiều hồ chưa chỉ còn lại bèo khô và cây cỏ |
Nguy cơ hàng ngàn hecta cây trồng “chết khát”
Nắng nóng kéo dài, nước ở các hệ thống sống suối, hồ đập không đủ đáp ứng cho cây trồng đang héo úa, rụng lá. Người dân ở các huyện như Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP. Bảo Lộc…đang nhờ đến sự hỗ trợ của máy múc để nạo vét kênh mương dẫn nước, đào hồ. Ngoài ra, có nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra mấy chục triệu đồng để khoán giếng.
Hiện nay, theo thống kê tại huyện Di Linh với khoảng 44.000ha, huyện Bảo Lâm khoảng 35.000ha và 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên có đến hàng chục ngàn ha cây trồng đang trong tình trạng thiếu nước, cây héo úa, rụng lá vì nắng hạn.
Dự báo trong thời gian tới, nếu tình hình nắng nóng tiếp tục kéo dài, trên địa bàn tỉnh có khả năng có khoảng 25.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng thiếu nước, khoảng 4.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Nhiều vườn hoa màu của người dân đang đứng trước nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng |
Liên quan đến vấn đền này, ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, mùa khô năm nay đến sớm hạn hán khốc liệt nhiệt độ trung bình trong ngày quá cao hơn 34 độ C và đang có chiều hướng tăng cao khiến nhiều khu vực lòng hồ thủy điện bị thiếu hụt nước.
Cần bố trí kinh phí hỗ trợ chống hạn
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các địa phương triển khai các giải pháp ban đầu như huy động người dân tham gia nạo vét kênh mương, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Bên cạnh đó, huy động hỗ trợ người dân sử dụng máy bơm của hộ gia đình, máy bơm dã chiến để chuyển nước từ hệ thống hồ đập vào các ao hồ của người dân để cứu cây trồng.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động theo sát tình hình diễn biến của thời tiết, đồng thời đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi làm tốt công tác điều tiết nước đảm bảo phục vụ cho người dân sản xuất tránh thiệt hại nặng nề mùa vụ tới.
Một số hồ thuỷ lợi đã cạn trơ đáy |
Đề nghị các thuỷ điện xả dòng cháy có kế hoạch phù hợp, hỗ trợ nguồn nước kịp thời cho người dân ở hạ du có điều kiện canh tác hoa màu và nhiều loại cây trồng khác.
Hiện tại, ngành nông nghiệp tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng phân bổ hơn 8,3 tỷ đồng để thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ nhỏ năm 2020; bố trí kinh phí thực hiện sửa chữa, nâng cấp và nạo vét công trình thủy lợi, hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến.