Lãi suất tiếp tục “hạ nhiệt”: Người dân có cơ hội vay mua nhà
(TN&MT) - Việc ngân hàng thương mại tiếp tục “hạ nhiệt” được kỳ vọng sẽ là một trong những yếu tố tích cực đưa dòng tiền quay trở lại với thị trường bất động sản (BĐS). Đặc biệt, những người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5 - 1,5%/năm. Cùng với đó, trong tháng 5/2023, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng Vietcombank giảm lãi suất cho vay 0,5% đối với những khoản vay bằng tiền đồng đối với tiền gửi ngắn hạn. Agribank cũng công bố chương trình tín dụng ưu đãi có quy mô 100.000 tỉ đồng và 500 triệu USD đối với khách hàng doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay giảm 1,5%/ năm đối với tiền đồng và 1%/năm cho khoản vay bằng USD, áp dụng từ 15/3 đến hết tháng 6. Ngân hàng MB Bank cũng công bố giảm 1%/năm lãi suất khi khách hàng vay vốn trên nền tảng số…
Ngân hàng Agribank cũng giảm lãi suất cho vay lần thứ 5 liên tiếp kể từ đầu năm đến nay. Trong đợt này, Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với dư nợ trung dài hạn hiện hữu của khách hàng.
Tại Ngân hàng VPBank, lãi suất giảm đồng loạt 0,2%/năm với các kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12 - 13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn 15 - 36 tháng còn 7,2%/năm…
Động thái này từ phía các ngân hàng thương mại là tín hiệu vui cho thị trường BĐS. Ông Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là điều tích cực cho thị trường BĐS, bởi khi lãi suất vay vốn giảm sẽ có tác động tích cực tới tâm lý của cả người dân và doanh nghiệp. Trong đó, chủ đầu tư đang được các ngân hàng hỗ trợ khoanh nợ và giãn tiến độ trả lãi. Nhờ đó, giảm được áp lực về tài chính và dễ tiếp cận được nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý hơn. Đây cũng chính là động lực giúp doanh nghiệp sớm bắt tay hoàn thiện các công trình dở dang, tạo nguồn cung cho thị trường.
Về phía khách hàng, trước đây, lãi suất tăng cao khiến họ không dám “xuống tiền” mua nhà. Do vậy, thị trường BĐS rơi vào tình trạng trầm lắng, mất tính thanh khoản. Người mua nhà và nhà đầu tư đều có chung tâm lý chờ đợi giá BĐS giảm tiếp mới mua. Vì vậy, trong bối cảnh lãi suất giảm dần, tình trạng trên sẽ được cải thiện và tâm lý trên thị trường sẽ tích cực hơn.
Nhiều ngân hàng vẫn đặt ra nhiều rào cản
Thời gian qua, lãi suất ngân hàng liên tục giảm mạnh và được dự báo sẽ còn tiếp tục giảm từ nay cho tới cuối năm. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng rất khó khăn.
Đại diện một doanh nghiệp BĐS cho biết, mặc dù lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm, với mức 10 - 12%/năm, tùy dự án, thế nhưng việc tiếp cận vốn không dễ.
“Ngân hàng có đưa ra rất nhiều yêu cầu khi xét hồ sơ vay vốn. Đơn cử, doanh nghiệp không có nợ xấu, các tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay được xem xét rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, thời điểm này, số lượng doanh nghiệp có tài sản thế chấp rất ít. Trong khi, chính quyền nhiều địa phương hiện nay ký cho thuê đất với thời hạn ngắn không đủ điều kiện để làm tài sản thế chấp…” - Đại diện doanh nghiệp BĐS chia sẻ.
Sau khi nghe tin ngân hàng hạ lãi suất, anh Phùng Tuấn Đạt (nhân viên Tập đoàn Viettel) đã đến một số ngân hàng để hỏi rõ thông tin. Tuy nhiên, không như kỳ vọng của anh, các ngân hàng đều “lắc đầu” bằng nhiều cách như hết room cho vay mua nhà, hoặc phải chờ đợi khi nào có khách vay trả tiền thì mới cho vay... Thêm vào đó, các thủ tục để xem xét vay mua rất chặt chẽ, đặc biệt đối với người dân mua đất, mua nhà. Các ngân hàng thường kéo dài thời gian phê duyệt và giải ngân. "Khó dễ không nằm ở nhu cầu vay mua ở hay đầu tư, mua nhà hay mua đất nền, mà thực tế là room tín dụng của nhiều ngân hàng đã cạn, đang chờ đợt nới room” - anh Đạt nhấn mạnh.
Trước khó khăn của thị trường BĐS thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế đã có kiến nghị ngân hàng cần xem xét tín dụng BĐS một cách linh hoạt, phù hợp, từ đó kiểm soát một cách có chọn lọc. Ngân hàng nên đẩy mạnh cho vay với những người mua nhà có nhu cầu ở thực, đặc biệt trong giao dịch sản phẩm thuộc dự án chung cư bình dân, trung cấp, ưu đãi với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Điều này, giúp người dân có thể dễ dàng sở hữu nhà ở đúng như nhu cầu của họ.