Tỉnh Lai Châu yêu cầu tất cả các sở, ngành, địa phương khóa chặt các nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài. |
Tỉnh Lai Châu yêu cầu các địa phương nghiêm túc thực hiện các nội dung về hạn chế tụ tập đông người. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp; khuyến nghị người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh, dịch vụ bán hàng theo hình thức trực tuyến; cơ sở hàng ăn được bán cho khách mang về.
Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội gồm 7 xã, phường của thành phố Lai Châu; 13 xã, thị trấn của huyện Phong Thổ; Thị trấn Sìn Hồ và xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ); thị trấn Mường Tè và 6 xã: Mù Cả, Pa Ủ, Thu Lũm, Ka Lăng, Tá Bạ, Pa Vệ Sủ (huyện Mường Tè); thị trấn Nậm Nhùn và 3 xã: Nậm Ban, Trung Chải, Hua Bum (huyện Nậm Nhùn); các thị trấn thuộc các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên.
Tỉnh Lai Châu khuyến khích các cơ sở kinh doanh, dịch vụ bán hàng theo hình thức trực tuyến; cơ sở hàng ăn được bán cho khách mang về. Tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ như ăn uống, giải khát tại chỗ; hoạt động thể thao, nơi vui chơi tập trung đông người; các dịch vụ xông hơi, massage, tắm thuốc và các dịch vụ làm đẹp, cơ sở thẩm mỹ....; các điểm, khu du lịch, khu vui chơi giải trí; phòng khám chuyên khoa răng, hàm, mặt và tai, mũi, họng ngoài công lập... Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm giám sát chặt chẽ các dự án, công trường, các cơ sở sản xuất kinh doanh và được đình chỉ sản xuất, kinh doanh nếu không đảm bảo việc phòng lây nhiễm Covid-19.
Ngoài ra, tỉnh Lai Châu tiếp tục khuyến khích đẩy mạnh các hoạt động làm việc, họp, học tập, thanh toán, tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến. Các cơ quan Nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin để cán bộ làm việc tại nhà, bố trí cán bộ làm việc luân phiên 50% biên chế làm việc hàng ngày tại cơ quan. Người đứng đầu các cơ quan nhà nước đảm bảo công việc thông suốt, chất lượng, nhất là công việc có hạn, liên quan đến người dân, doanh nghiệp (thực hiện đến khi có hướng dẫn mới).
Ngành Y tế có giải pháp cụ thể để đẩy mạnh việc khai báo y tế toàn dân. Tăng cường theo dõi, giám sát ca bệnh triệt để thông qua truy vết và cách ly các trường hợp tiếp xúc vòng 1, tiếp xúc vòng 2, giám sát bệnh giống cúm và các trường hợp viêm phổi thông qua hiệu thuốc, khai báo y tế.
Triển khai thực hiện ngay các chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh, đặc biệt là Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 8/4/2020 về gia hạn thời gian nộp thuế và thuê đất, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19,… tập trung rà soát sớm các lao động bị mất, thiếu việc làm, giảm sâu thu nhập, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiếu, đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội, các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp,… để hỗ trợ kịp thời, đến tận tay đối tượng được hỗ trợ, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh Lai Châu yêu cầu tất cả các sở, ngành, địa phương khóa chặt các nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài; tăng cường hoạt động của các chốt kiểm soát dịch bệnh liên ngành, giám sát chặt các trường hợp đến từ vùng dịch, vùng có nguy cơ cao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin, truyền thông để người dân ủng hộ, tin tưởng vào khả năng phòng, chống dịch của tỉnh; mỗi người dân là một chiến sỹ chống dịch, có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình và gia đình mình; tránh đưa tin gây tâm lý chủ quan, hoang mang; tuyên truyền những tấm gương tốt, hành động đẹp; tăng cường xử lý các vi phạm và công bố lên các phương tiện thông tin đại chúng.