Lạc vào Pù Mát

Lang Đình Tiệp | 01/02/2022 14:05

(TN&MT) - Miền Tây Nghệ An là một trong những khu vực sở hữu một diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Việt - Lào. Ở đó, “điểm nhấn” là Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát, khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt - những nơi tập trung cao nhất đa dạng sinh học và được ví như “lá phổi xanh” của xứ Nghệ.

Xây dựng “thương hiệu” đa dạng sinh học

Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới miền Tây Nghệ An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận vào năm 2007 và là Khu DTSQ thứ 6 được công nhận của Việt Nam. Điều này có ý nghĩa rất lớn, khẳng định “Thương hiệu” về đa dạng sinh học và đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc của miền Tây Nghệ An.

Khi được công nhận là Khu DTSQ nghĩa là chúng ta đã đăng ký với Thế giới một “Thương hiệu” về đa dạng sinh học và đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc. Chính vì thế chúng ta sẽ được sự quan tâm, chú ý nhiều hơn của các nước, các tổ chức, các nhà khoa học đến để nghiên cứu, đầu tư và hỗ trợ nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của Khu DTSQ. Các hoạt động nghiên cứu về đa dạng sinh học sẽ có cơ hội được đầu tư nhiều hơn để đi sâu nghiên cứu và tiếp tục tìm ra những giá trị mới mà chúng ta chưa biết đến, qua đó làm tăng giá trị của công tác bảo tồn. Khu DTSQ được xem như “Phòng thí nghiệm sống” phục vụ công tác nghiên cứu khoa học tạo đà cho phát triển bền vững; cung cấp các dữ liệu để các nhà khoa học dựa vào đó xây dựng các giả thiết mới về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Các nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành cũng như giám sát lâu dài về các quá trình sinh thái và đa dạng sinh học cũng sẽ được tiến hành.

Khu DTSQ cũng đưa đến một tư duy mới về khoa học bảo tồn, nó không chỉ cho thấy mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên bên trong và xung quanh những khu vực đó mà còn thể hiện cách làm sao cho hài hòa, đáp ứng nhu cầu bền vững và tiến tới một tương lai bền vững. Tư duy này hoàn toàn mới so với tư duy về “khu bảo vệ”, “khu bảo tồn”, “bảo vệ nghiêm ngặt”... với những cố gắng tách con người và các hoạt động của họ ra khỏi các khu vực này đang trở nên dễ đổ vỡ do đảo lộn các mối quan hệ vốn có giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên.

anh-5.jpg
Du khách đắm say với cảnh sắc Pù Mát

Khu DTSQ mang lại cơ hội cho khu vực trong việc thu hút các dự án đầu tư, hỗ trợ trong nước và quốc tế. Do đó, các cộng đồng địa phương sẽ có cơ hội để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, duy trì các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc của mình và nâng cao nhận thức về bảo tồn gắn với phát triển. Khi các lợi ích được đảm bảo, đời sống kinh tế tăng cao và nhận thức của người dân được cải thiện thì áp lực của cộng đồng địa phương lên tài nguyên rừng ở các khu vực bảo vệ sẽ giảm xuống, giá trị đa dạng sinh học sẽ được duy trì và phát triển.

“Khu DTSQ miền Tây Nghệ An có tiềm năng to lớn trong việc cung cấp các giải pháp giải quyết một trong những thách thức quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt, đó là cân bằng giữa phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang hiện hữu như nghèo đói, dịch bệnh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu”.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Nắm bắt cơ hội, tạo bứt phá

Nắm bắt được những cơ hội đó, trong những năm qua, cả hệ thống chính trị và các đơn vị liên quan đã chủ động, tích cực để khai thác các tiềm năng, lợi thế và cơ hội thu hút các dự án, lồng ghép các Chương trình Mục tiêu quốc gia để từng bước hoàn thiện các mục tiêu xây dựng, phát triển Khu DTSQ, góp phần quan trọng để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các giá trị văn hóa trong khu vực nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Với lợi thế Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, địa phương đã thu hút đầu tư và triển khai thành công nhiều dự án trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện lồng ghép hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia về bảo vệ rừng, phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án phát triển nông thôn trên địa bàn để thực hiện tốt các mục tiêu của Khu DTSQ. Với việc thực hiện các Chương trình Bảo vệ và khoanh nuôi rừng; Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, miền Tây xứ Nghệ đang từng bước hiện thực hóa việc xây dựng hành lang xanh nối liền với 3 khu bảo vệ nghiêm ngặt và gắn với phát triển kinh tế của người dân địa phương. Đây là một mục tiêu hết sức quan trọng mà Khu DTSQ đã và đang hướng tới.

Mặt khác, Khu DTSQ miền Tây Nghệ An đang là điều kiện tốt để khai thác, phát triển các tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Các khu du lịch sinh thái đang dần được hình thành và khai thác hiệu quả như: Khu Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông; Khu du lịch sinh thái thác Sao Va, Thác Bảy Tầng - Quế Phong và Hang Bua, huyện Quỳ Châu.

Trong khu vực có khoảng 2.500 loài, trong đó, có khoảng 2.000 loài thực vật bậc cao (74%); có hàng trăm loài động vật lớn nhỏ đã được ghi nhận, một số loài đặc biệt quý hiếm như: voi, sao la, hổ, thỏ vằn trường sơn...; 361 loài chim; 86 loài lưỡng cư và bò sát; 83 loài cá, 39 loài dơi và 459 loài bướm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạc vào Pù Mát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO