Ký quỹ môi trường: Cân nhắc lợi ích giữa các bên

13/11/2014 00:00

(TN&MT) - Ký quỹ môi trường áp dụng cho các ngành kinh tế dễ gây ô nhiễm môi trường nhằm ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp với việc bảo vệ môi trường.

(TN&MT) - Ký quỹ môi trường áp dụng cho các ngành kinh tế dễ gây ô nhiễm môi trường nhằm ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) với việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đang tồn tại nhiều bất cập khi nhiều doanh nghiệp phản ứng về mức ký quỹ.
   
Trồng cây cải tạo môi trường. 
   
Địa phương gặp vướng mắc
   
  Hiện nay, các địa phương đã thu được một khoản tiền lớn cho việc phục hồi môi trường. Điều này góp phần tích cực trong việc giảm áp lực cho ngân sách. Sự ràng buộc về mặt kinh tế này buộc các tổ chức doanh nghiệp thực hiện cam kết cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác, sản xuất tốt hơn. Một số tỉnh có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản đã thực hiện tốt việc ký quỹ phục hồi môi trường như Bắc Kạn, đến hết tháng 3/2014 trên toàn tỉnh có 78 dự án và 2 đề án cải tạo, phục hồi môi trường đã được cấp thẩm quyền phê duyệt với tổng số tiền phải ký quỹ hơn 48 tỷ đồng. Đến nay tổng số tiền các dự án đã nộp vào Quỹ Bảo vệ môi trường và các quỹ tín dụng được hơn 17 tỷ đồng. Còn đối với Quảng Ninh, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có tổng số 174 dự án cải tạo phục hồi môi trường được duyệt, trong đó có 151 dự án đã ký quỹ với tổng số tiền trên 611 tỷ đồng.
   
  Việc ký quỹ đã tạo một nguồn thu không nhỏ góp phần phục hồi cải tạo môi trường. Nhưng hiện nay, tại một số địa phương, đa số các cơ sở khoáng sản chưa thực hiện nộp tiền ký quỹ theo đúng thời hạn quy định, vẫn có doanh nghiệp chây ỳ trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền ký quỹ  thực hiện dự án cải tạo phục hồi môi trường. Có hiện tượng này một phần là do hiện chưa có quy định cụ thể về ký quỹ đối với các trường hợp mỏ đang khai thác và thực hiện ký quỹ nhiều lần nhưng vì nhiều lý do mà mỏ tạm dừng hoạt động; một số dự án không có quyết định phê duyệt dự án cải tạo, phục hồi môi trường. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và quỹ bảo vệ môi trường cũng chưa được chặt chẽ; nhận thức của cộng đồng về quyền lợi người dân khu vực có khai thác khoáng sản còn thấp…
   
Doanh nghiệp lo ngại về tài chính
   
  Tại Hội thảo lấy ý kiến Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ TN&MT tổ chức, các doanh nghiệp và hiệp hội cho rằng nên xem xét việc loại bỏ hoặc cắt giảm mức giá trị tiền ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu, bởi đây chính là gánh nặng và thiệt thòi về tài chính cho doanh nghiệp. Ngoài ra cũng phải thấy rằng, do sản xuất, kinh doanh đình trệ trong thời gian qua nên rất nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong bố trí kinh phí nộp quỹ theo đúng thời hạn. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam băn khoăn rằng hàng năm DN phải nhập khẩu 3,5 triệu tấn sắt thép phế liệu với số tiền là 1,4 tỷ USD. Như vậy, số tiền ký quỹ lên tới trên 1 tỷ USD, tương đương 23.000 tỷ đồng. Đó là gánh nặng quá lớn đối với DN ngành thép.
   
  Để minh chứng cho điều này, ông Trần Miên, nguyên Trưởng ban Môi trường Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam: Thứ nhất, đối với việc cải tạo môi trường, DN phải chịu gánh nặng tài chính khi 2 lần phải lo tiền: Ký Quỹ với số tiền bằng tổng chi phí thực hiện các công trình cải tạo môi trường theo đề án đã được phê duyệt là số tiền không phải nhỏ. Mặt khác, tiền ký quỹ chỉ được rút về sau khi được xác nhận đã hoàn thành đề án cải tạo môi trường nghĩa là “nằm chết” trong quỹ trong khi muốn hoàn thành đề án cải tạo môi trường thì DN phải lo một khoản tiền thứ 2 để thực hiện các công trình này - đây là một gánh nặng. Trong khi đó, khoản ký quỹ này không được phép đầu tư, cho vay, sử dụng với mục đích khác nên vô hình trung, Sở TN&MT chỉ là người giữ hộ một khoản tiền lớn không sinh lời, còn DN phải gánh chịu mọi thiệt thòi từ việc tiền ký quỹ “nằm chết” trong quỹ suốt thời gian chờ DN hoàn thành đề án cải tạo môi trường.
   
  Trước những kiến nghị từ phía doanh nghiệp ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ: Mục đích của yêu cầu ký quỹ nhập khẩu phế liệu không phải để Nhà nước thu tiền, không phải để tăng ngân sách. Quy định này đưa ra để trong trường hợp DN nhập khẩu phế liệu gây ô nhiễm môi trường thì cơ quan chức năng và DN sẽ dùng số tiền đó để xử lý hậu quả.
   
  Có thể khẳng định rằng việc ký quỹ môi trường là công cụ đắc lực, hiệu quả trong việc buộc các đơn vị phải ưu tiên BVMT lên hàng đầu trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường. Tuy nhiên thực tế triển khai cũng đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc thay đổi căn bản phương thức quản lý nhằm chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức của các đơn vị về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Bên cạnh đo, việc thực hiện các quy định ký quỹ cũng phải coi trọng lợi ích của phía doanh nghiệp.
   
Thụy Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký quỹ môi trường: Cân nhắc lợi ích giữa các bên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO