Đại tá Anh hùng LLVTND Đinh Thế Văn sinh năm 1938 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, tại thôn Đào Thục, xã Thụy Lâm, Đông Anh. Cha là một nghệ nhân rối nước nổi tiếng trong vùng.
Năm 1952, vùng hậu địch Thụy Lâm bị khủng bố nặng nề, gia đình Văn là cơ sở che giấu cán bộ cách mạng nên càng bị kiểm soát gắt hơn. Bởi thế, cha Văn đã gửi cậu con trai út ra vùng tự do học tiếp. Thế nhưng đang học dở lớp 5 thì Văn quyết định theo các anh trai tham gia dự tuyển vào bộ đội. Khi đó Văn 15 tuổi, nặng 38kg và cao 1m40.
Vì không trúng tuyển nên Văn xin vào dân công, vác đá phục vụ cho nhiệm vụ mở đường, được một tháng thì đoàn chuyển sang biên chế quân đội trừ Đinh Thế Văn vì lý do sức khỏe. Vậy là đơn vị hành quân ngược lên phía Bắc. Còn Văn, sau một hồi “nghĩ kế” đã xách túi chạy theo đơn vị năn nỉ: “Cho cháu đi, không đánh giặc thì cháu làm việc giúp các chú đánh giặc”. Đó là ngày 2/3/1954 - ngày nhập ngũ của chiến sĩ Đinh Thế Văn.
Huấn luyện ở đơn vị xạ kích công binh được nửa tháng, Văn được bổ sung vào Đại đoàn 312, anh rất vui khi được vác đạn phục vụ bộ đội trong trận đánh vào cứ điểm Him Lam năm 1954.
Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Đinh Thế Văn trải qua một số vị trí công tác tại các đơn vị Quân đội cho đến tháng 4/1961 thì chuyển ngành sang Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao. Vừa lao động vừa học tập, đến năm 1965, anh đã học xong chương trình phổ thông và thi đỗ Đại học Bách khoa, đồng thời lập gia đình tại quê nhà.
Vừa nhập học được 2 tháng thì cuối năm 1965, theo lệnh động viên cục bộ, sinh viên Đinh Thế Văn xếp bút nghiên trở lại Quân đội, được biên chế vào Tiểu đoàn Tên lửa Phòng không 77 (Trung đoàn 257). Năm 1971, Thượng úy Đinh Thế Văn được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77.
Đó là quãng thời gian ấn tượng nhất trong đời mà cho đến bây giờ, sau nhiều năm nhớ lại, ông vẫn không khỏi bồi hồi, đặc biệt khi nhắc về nhiệm vụ đánh B-52 trong trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972.
Hồi đó, từ trước những năm 1970, ta đã chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với âm mưu đánh phá miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ. Phương pháp đánh B-52 được huấn luyện tới các đơn vị. Tuy nhiên, với Đinh Thế Văn và cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 77, phương pháp vẫn là trên lý thuyết, bởi trên thực tế, đơn vị đã đánh nhiều trận, bắn rơi nhiều máy bay nhưng chưa có cơ hội giáp mặt B-52. Vậy nên, chuẩn bị vào trận chiến đấu tháng 12/1972, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn không khỏi hồi hộp.
Mỗi B-52 của Mỹ được ví như một siêu pháo đài bay, một trung tâm tác chiến điện tử, một “kho bom di động” trên không với sức chứa hàng chục tấn bom, các loại pháo, tên lửa, các thiết bị liên lạc, dẫn đường, các máy gây nhiễu chủ động. Hộ tống cho nó là các loại máy bay chiến thuật được trang bị vũ khí, tên lửa, các thiết bị gây nhiễu… Với đội hình vũ khí tối tân như vậy, Mỹ nghênh ngang tuyên bố rằng, chỉ cần 3 ngày là có thể san phẳng Hà Nội.
Lúc bấy giờ, phương pháp bắn máy bay B-52 được huấn luyện bao gồm bắn vượt nửa góc và đánh 3 điểm.
Phương pháp đánh 3 điểm là ấn nút tên lửa khi đài ra-đa, tên lửa và mục tiêu trên một đường thẳng. Cách đánh này không phát sóng ra-đa để tìm mục tiêu mà chỉ dựa trên dải nhiễu thu được trên màn hình ra đa nên tránh được tên lửa của địch bắn trở lại trận địa. Tuy nhiên, theo Đinh Thế Văn, phương pháp này không phát huy được tên lửa bắn tự động, hiệu quả không cao và một lúc thường phải sử dụng nhiều tên lửa.
Phương pháp vượt nửa góc là khi xác định mục tiêu ở cự ly phù hợp, tên lửa của ta điều khiển lên vượt trước nửa góc so với góc ban đầu tạo ra giữa tên lửa và mục tiêu. Khi đến điểm bằng không là tên lửa gặp mục tiêu. Cách đánh này đạt xác suất cao, tiết kiệm đạn, bắn B-52 rơi tại chỗ.
Tuy cách đánh vượt nửa góc hiệu quả nhưng rất mạo hiểm. Để xác định mục tiêu, trắc thủ phải bật ra-đa quét sóng, địch cũng sẽ tận dụng trục sóng ra-đa đó để phóng tên lửa sơ-rai tiêu diệt trận địa tên lửa của ta. Hiệu suất chính xác của hai bên đều đạt trên 90% tương đương nhau. Vậy nên, bài toán đặt ra ở đây là sử dụng sóng ra-đa như thế nào để vừa tìm và bắn trúng B-52, mà lại bảo toàn được người và trận địa của ta.
Trên cơ sở nghiên cứu hướng bay, tính năng kỹ thuật của máy bay địch những thủ đoạn của chúng và tính năng khí tài của ta, Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn quyết định vận dụng sáng tạo đánh vượt nửa góc bằng cách bật sóng ra-đa tìm mục tiêu, tính toán cự ly, phóng tên lửa tiêu diệt, ngay sau đó, tắt ra-đa, gạt sóng để tránh tên lửa tự động của địch.
Để tránh tên lửa của ta nổ sớm khi gặp nhiễu, Văn quyết định sử dụng ngòi nổ chậm, không bật ngòi nổ ngay khi tên lửa rời bệ phóng mà đợi cho khoảng cách tên lửa đến gần B-52 mới ấn nút ngòi nổ.
Điều này đòi hỏi lòng dũng cảm, bản lĩnh, trí thông minh, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, thao tác nhanh, chính xác đến từng giây của cả kíp chiến đấu. Trong vòng 60 giây, toàn kíp chiến đấu gồm tiểu đoàn trưởng, sĩ quan điều khiển, 3 trắc thủ phải hoàn thành một trận đánh.
Trận đánh đầu tiên đêm 18/12/1972, kíp chiến đấu thử nghiệm phương pháp đánh 3 điểm không hiệu quả. Vì vậy, vào trận thứ 2, Văn quyết định cho áp dụng phương pháp bắn vượt nửa góc.
4 giờ 39 phút ngày 19/12, một tốp B-52 được 30 máy bay hộ tống tiến vào hướng Hà Nội. Mọi thao tác diễn ra theo đúng hiệp đồng, 2 quả tên lửa phóng lên bắt trúng mục tiêu. Chiếc B-52 bốc cháy rơi xuống xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội). Đêm 20 và rạng sáng 21/12, trận địa của anh tiếp tục bắn trúng hai B-52, một rơi tại Ba Vì, Hà Nội và một tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Ngày 27/12, bắn trúng một B-52, rơi cách trận địa khoảng 200km. Sáng 22/12, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại trận địa Chèm của Đinh Thế Văn để nghe anh báo cáo cách đánh B-52 sáng tạo ấy.
Kết thúc chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Hà Nội, Tiểu đoàn 77 được đánh giá: Là tiểu đoàn bắn rơi nhiều B-52 nhất (4 chiếc), bắn rơi tại chỗ nhiều B-52 nhất (3 chiếc), ghi thêm vào thành tích chung của Tiểu đoàn với 25 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 20 chiếc rơi tại chỗ. Tiểu đoàn Tên lửa 77 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm 2013, đại tá Đinh Thế Văn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Từ 1965 - 1973, Đinh Thế Văn đã trải qua nhiều cương vị công tác, tham gia đánh nhiều trận. Dù gia đình ở rất gần, con trai còn bé nhưng ông luôn bám trận địa nên rất hiếm khi về thăm nhà. Những năm tháng ấy, ông tự rút ra bài học từ bản thân rằng, trải qua thực tế chiến đấu đã giúp ông làm tốt công việc của người chỉ huy hơn. Ông cũng rất tự hào vì đã tuyển chọn và huấn luyện được các kíp trắc thủ giỏi, giàu kinh nghiệm, những người mà theo ông: “Có bàn tay vàng, thông minh, gan dạ, đã đánh là chắc thắng, đánh với tinh thần quyết tử nhưng nếu có hy sinh thì phải hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt được B-52 trước khi hy sinh”.
Năm 1990, trở về quê hương, nhớ lời dặn của cha, ông đã đi “gõ cửa” nhiều nơi, gặp các cơ quan chức năng để khôi phục và làm sáng lại ánh đèn sân khấu rối nước Đào Thục. Một thủy đình đã được dựng lên ở trung tâm thôn, hai sân khấu lưu động cùng hai đội rối khoảng 20 nghệ nhân, ban ngày miệt mài với ruộng đồng, đêm về lại thả hồn vào những tích trò. Con đường vào thôn Đào Thục giờ đã đổ bê tông, sân diễn có sức chứa rộng đã từng đón một lúc 35 đoàn khách quốc tế và hàng trăm đoàn khách trong nước. Vở diễn độc đáo mang tên “Hà Nội chiến thắng B-52” được nghệ nhân Đinh Thế Văn viết kịch bản và tái hiện trên sân khấu rối nước như một lời nhắc nhở thế hệ cháu con về lịch sử nước nhà, và cũng là niềm tự hào của những người Việt với bạn bè thế giới.