Krông Năng - Đắk Lắk: Khốn đốn vì trồng rừng

04/08/2016 00:00

(TN&MT) - Hàng trăm hécta rừng được người dân trên địa bàn huyện Krông Năng, Đắk Lắk đầu tư sức người, sức của cùng Nhà nước phủ xanh đất trống, đồi trọc. Rừng lên xanh tốt, nhưng bỗng nhiên UBND tỉnh thu hồi giao cho công ty tư nhân quản lý. Người trồng rừng hụt hẫng vì những tâm huyết của mình với rừng bấy lâu không được ghi nhận; quyền lợi bỗng dưng bị hớt khỏi tay. Hệ lụy là, từ năm 2008 đến nay, trên diện tích rừng trồng do Ban quản lý Dự án (BQLDA) rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đang quản lý đã xảy ra tranh chấp hơn 418 ha rừng trồng, giữa 28 hộ dân nhận khoán tại hai xã Ea Tam và Cư Klông huyện Krông Năng với Công ty Cổ phần trồng rừng Trường thành (Cty Trường Thành).

Người dân đội đơn đi khắp nơi gõ cửa đòi quyền lợi chính đáng của người trồng rừng, nhưng không thấu trời xanh; doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng đất nhưng cũng rơi vào tình trạng khóc dở, chết dở; mâu thuẫn, xung đột xảy ra, gây mất an ninh trật tự địa bàn…

Bài 1: Người dân đầu tư công sức và tiền của để trồng rừng

Ban quản lý Dự án Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng  được giao quản lý, bảo vệ hơn 9 nghìn ha rừng và đất rừng. Thực hiện Quyết định số 661/QĐ-TTg, ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Năm 2001, BQLDA Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đã giao khoán 546 ha đất lâm nghiệp cho 3 nhóm hộ hai xã Cư Klông và Ea Tam, huyện Krông Năng để trồng rừng. Người dân và Cơ quan quản lý Dự án rừng đã cùng nhau ký kết hồ sơ và khế ước giao khoán đất lâm nghiệp rất cụ thể, rõ ràng. Trong nhiều năm, người đã đầu tư cả sức người, sức của, hăng hái trồng rừng trên diện tích nhận khoán. Những tưởng sẽ làm giàu từ rừng, nhưng giờ đây, nhiều hộ rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Cùng nhau cam kết giao khoán 50 năm 

Trong số 28 hộ nhận khoán, có 12 hộ được BQLDA Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng lập hồ sơ và khế ước giao khoán đất lâm nghiệp vào ngày 16/6/2001, thời gian giao khoán là 50 năm. Tại điều 3 khế ước về trách nhiệm và quyền hạn của bên giao rừng (Bên A), nêu rõ: Bên A có trách nhiệm xác lập rõ diện tích, hiện trạng rừng và đất rừng trên bản đồ và thực địa bàn giao cho bên nhận khoán rừng (Bên B). Bồi thường thiệt hại cho bên B theo quy định của nhà nước đối với diện tích đất lâm nghiệp đã giao, trong trường hợp nhà nước thu hồi để sử dụng vào mục đích khác. Đồng thời cũng có quyền yêu cầu bên B thực hiện đúng khế ước hai bên đã ký kết.

Sau khi nhận giao khoán trồng rừng, người dân đã đầu tư kinh phí đắp hồ, lấy nước phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng
Sau khi nhận giao khoán trồng rừng, người dân đã đầu tư kinh phí đắp hồ, lấy nước phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng

Tại điều 4, về quyền hạn của bên B: Được nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng về rừng và đất rừng; Khi nhà nước thu hồi rừng và đất rừng để phục vụ mục đích khác thì được bồi thường theo giá quy định của nhà nước tại thời điểm thu hồi. Được cấp giấy chứng nhận quyền quản lý bảo vệ rừng để có đủ cơ sở pháp lý thực hiện nhiệm vụ và nhiều quyền lợi khác.

Đối với 16 hộ còn lại có hợp đồng trồng và chăm sóc rừng đều được hưởng quyền lợi theo Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg, ngày 12/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về quyền hưởng lợi của hộ gia đình, cá nhân được giao, thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp. Cụ thể, được Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Được khai thác gỗ theo phương thức chặt chọn với cường độ khai thác không quá 20% khi rừng phòng hộ được phép khai thác (trừ những động vật, thực vật nằm trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng quý, hiếm theo quy định của Chính phủ và danh mục động vật, thực vật ghi trong phụ lục công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp - CITES ) theo thiết kế được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và cấp giấy phép khai thác. Việc khai thác phải tuân theo quy chế khai thác lâm sản hiện hành. Hộ gia đình, cá nhân được hưởng từ 85% - 90% sản phẩm khai thác sau khi nộp thuế, phần còn lại nộp ngân sách Nhà nước. Trên thực tế các hộ dân đã được hỗ trợ kinh phí để trồng rừng và chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ rừng theo chủ trương của nhà nước.

Chính những điều khoản trong khế nước rất chặt chẽ, cụ thể, được hỗ trợ kinh phí để trồng rừng nên người dân rất phấn khởi, hăng say trồng rừng. Tổng diện tích rừng được người dân trồng là 486 ha keo lai xen cây thông. Hậu trồng rừng, người dân đã dày công chăm sóc, phát quang thực bì, làm tốt công tác phòng chống cháy rừng. Do đó, diện tích rừng trồng của 28 hộ dân sinh trưởng, phát triển tốt độ che phủ cao. Theo người dân phản ánh, trong 3 năm đầu người trồng rừng đã được nhận theo định mức 4 triệu đồng/ha (bao gồm cả tiền cây giống); từ năm thứ 4 trở đi được Nhà nước chi trả 100 nghìn đồng/ha/năm cho công tác bảo vệ rừng trồng.

Những cánh rừng thông do 28 hộ dân nhận giao khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ nay đã lên xanh tốt, những cây gỗ thông đường kinh 20 - 30 cm đang cho thu hoạch nhựa
Những cánh rừng thông do 28 hộ dân nhận giao khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ nay đã lên xanh tốt, những cây thông có đường kính 20 - 30 cm, đang cho thu hoạch nhựa

Bà Trương Thị Hậu, xã Cư Klông, huyện Krông Năng, Đắk Lắk, chia sẻ: Sau khi được giao đất, giao rừng, gia đình huy động nhân lực, nhờ thân, đổi công và thuê mướn người trồng rừng. Bà con nhận khoán trồng rừng hăng say trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Bà Hậu ước tính, khi đến kỳ khai thác sẽ có được khối lượng lớn gỗ keo để phục vụ thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, khai thác nhựa thông để hướng tới phát triển kinh tế đảm bảo sống được từ rừng thậm chí còn có thể làm giàu.

Ông Phan Khắc Văn, ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng, cho biết: Ngoài kinh phí được Nhà nước hỗ trợ để trồng rừng theo quy định thì mỗi hécta rừng người dân phải đầu tư thêm khoảng 30 triệu đồng nữa để chăm sóc, bảo vệ rừng đến khi khai thác như: làm đường giao thông nội rừng, đắp đập làm hồ dự trữ nước để phòng chống cháy rừng vào mùa khô, bảo vệ, phát thực bì, đường băng cản lửa… Biết đầu tư vào việc trồng, chăm sóc rừng là vất vả, khó khăn và lâu có thu nhập nhưng người dân vẫn mạnh dạn nhận khoán đất rừng của BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng là do người dân tin tưởng vào pháp lý, nội dung bản khế ước với những điều khoản chặt chẽ và tin tưởng rừng trồng sẽ là của mình, mình được hưởng lợi và có thể làm giàu từ rừng thì mới thực hiện. Dồn hết tâm sức vào trồng rừng, bây giờ xảy ra tranh chấp, nguy cơ mất trắng, suốt ngày đi khiếu kiện, đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình, nhưng vừa mang tiếng kiện tụng, vừa tốn kém. Song bao nhiêu công sức, tiền của hàng chục hộ đổ vào đầu tư phát triển rừng, bây giờ người khác đến khai thác, thụ hưởng, không lẽ ngồi nhìn bất lực!?

Giữ khế ước quản lý rừng nhưng… vẫn mất rừng

Người nông dân huyện Krông Năng vốn chân chất, thật thà, mộc mạc như cây thông mọc giữa rừng. Ấy vậy mà, cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng. Đang sống trong yên bình, hàng ngày vẫn vào rừng chăm sóc, ngắm nhìn thành quả sau nhiều năm vất vả trồng, chăm sóc, trông chờ ngày thu hoạch thì bỗng dưng lại rơi vào cảnh tranh chấp, trớ trêu.

Ông Phan Khắc Văn trình bày với phóng viên báo TN&MT về tranh chấp rừng trồng và chồng chứng từ gửi đơn thư khiếu kiện đến các cơ quan công quyền, nhưng nay vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng
Ông Phan Khắc Văn trình bày với phóng viên báo TN&MT về tranh chấp rừng trồng và chồng chứng từ gửi đơn thư khiếu kiện đến các cơ quan công quyền, nhưng nay vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng.

Sự việc xảy ra từ tháng 10/2008 đến nay vẫn chưa có hồi kết. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là từ khi UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 2572/QĐ-UBND, ngày 3/10/2008 của về việc thu hồi 568,43 ha đất lâm nghiệp và rừng trồng của BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng để giao cho Cty Trường Thành thuê, đã chồng lấn lên phần lớn diện tích rừng trồng của dân đã  nhận khoán trước đây. Gần một thập kỷ, vụ việc vẫn chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk giải quyết thấu tình đạt lý, người dân vẫn bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Trước khi ban hành quyết định này, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra thực địa. Tại biên bản phúc tra “Báo cáo kết quả điều tra hiện trạng rừng và đất đai vùng dự án thuê đất trồng rừng của Cty Trường Thành tại BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng. Ngày 7/4/2008, ông Nguyễn Thế Anh Sơn, nguyên Giám đốc BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đã đề nghị: “Đối với diện tích đất đã giao khoán cho các hộ dân trồng rừng theo quyết định 661 của Thủ tướng Chính phủ không thể giao cho Công ty Cổ phần trồng rừng Trường Thành để lập dự án đầu tư trồng rừng mới được”.

Bà Trương Thị Hậu gạt nước mắt kể với phóng viên những ngày đầu trồng rừng rất gian nan, nhưng đến khi có thành quả thì bị tuột khỏi tay, gia đình lâm vào cảnh nợ nần, khốn đốn
Bà Trương Thị Hậu gạt nước mắt kể với phóng viên Báo TN&MT về những ngày đầu trồng rừng rất gian nan, nhưng đến khi có thành quả thì bị tuột khỏi tay, gia đình lâm vào cảnh nợ nần, khốn đốn

Hơn nữa, theo phản ánh của nhiều người dân, trong quá trình thực hiện việc thu hồi đất của BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng để giao cho Cty Trường Thành, người dân không hề hay biết. Mâu thuẫn lợi ích xảy ra, lòng dân bị tổn thương vì mất dân chủ, dân khiếu kiện.

Như vậy, Quyết định số 2572/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Lắk đã bỏ qua kết quả điều tra thực trạng rừng và đất rừng tại vùng dự án. Và chính quyền các cấp không hề tổ chức họp dân để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người trồng rừng. Vô hình trung UBND tỉnh Đắk Lắk đã tước đi quyền lợi trên toàn bộ diện tích rừng trồng hợp pháp của 28 hộ dân mà không hề đền bù, hỗ trợ thiệt hại cho họ.

Không chỉ thế, ngay cả hồ sơ giao khoán và khế ước mà BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đã ký kết với người dân cũng không được nói đến và cũng không thực hiện việc thanh lý, thu hồi đất của dân. Chính vì vậy, đến nay người dân cũng chỉ thực hiện quyền khiếu nại của mình mà không thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp giao khoán và khế ước đã ký kết với BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng. Các hộ dân cho rằng: “Hồ sơ giao khoán đất và khế ước mà BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đã ký với họ vẫn còn nguyên giá trị pháp lý vì chưa được thanh lý, thu hồi nên chúng tôi vẫn còn quyền chăm sóc, bảo vệ và khai thác gỗ trên diện tích rừng mình đã trồng từ năm 2001 đến nay”.

Hàng trăm ha rừng trồng đã bị cả Cty Trường Thành và người dân trồng rừng thi nhau khai thác trở thành đồi núi trọc
Hàng trăm hécta rừng trồng đã bị cả Cty Trường Thành và người dân trồng rừng thi nhau khai thác, rừng trồng nhanh chóng trở thành đồi trọc

BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng và người dân đã cùng nhau ký khế ước, cam kết trách nhiệm chăm sóc, quản lý rừng, nhưng hiện nay hằng ngày đứng nhìn công nhân Công ty Trường thành đưa xe vào khai thác gỗ. Quyền lợi bị mất, tâm huyết gắn bó với rừng, mơ ước của người dân được sống dựa vào rừng để bảo vệ môi trường sinh thái bỗng vụt tắt, nỗi đau xót rừng bị đốn hạ vẫn còn đó…

Báo TN&MT tiếp tục phản ánh vấn đề trồng, chăm sóc, quản lý đất rừng trên các số báo tiếp theo.

Bài & ảnh: Xuân Vũ - Đình Thắng

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Năng - Đắk Lắk: Khốn đốn vì trồng rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO