Chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh Kon Tum những năm gần đây diễn biến phức tạp. Trong đó, hạn hán liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp. Do đó, bên cạnh công tác dự báo, hướng dẫn thích ứng với hạn, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã ưu tiên đưa các loại giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu của tỉnh để trồng thử nghiệm và giới thiệu đến người dân các mô hình có hiệu quả.
Ông Nguyễn Hoài Tâm - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum) cho biết: Tỉnh Kon Tum đã xây dựng bản đồ vùng hạn để có kế hoạch chuyển đổi cây trồng phù hợp. Trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, giảm sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.
Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Kon Tum đã chuyển đổi 1.116,8ha lúa bị hạn sang loại cây trồng khác phù hợp, hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích 175,46ha đất lúa thiếu nước, đất lúa 1 vụ. Ngoài ra, nhiều diện tích lúa rẫy, sắn năng suất thấp cũng được khuyến khích chuyển đổi sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như cây ăn quả, cây mắc ca…
Bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển hình thức liên kết sản xuất, chế biến, gắn với thị trường tiêu thụ bền vững, người dân địa phương còn được hướng dẫn ứng dụng công nghệ sinh học, thích ứng với BĐKH vào vùng quy hoạch chuyển đổi cây trồng.
“Theo Kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030, tỉnh Kon Tum sẽ thực hiện chuyển đổi 2.839,8ha đất lúa bị hạn sang các loại cây trồng chịu hạn, nhu cầu sử dụng nước ít và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp nông dân khai thác hiệu quả hơn diện tích đất đai, tăng thu nhập, phát triển kinh tế ở nông thôn”, ông Nguyễn Hoài Tâm cho hay.
Áp dụng tưới tiết kiệm
Việc áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cũng là giải pháp giúp tiết kiệm nước và thích ứng với BĐKH tại Kon Tum. Hiện nay, diện tích cây trồng trên cạn áp dụng mô hình tưới nước tiên tiến, tiết kiệm trên địa bàn tỉnh khoảng 6.451ha, chủ yếu tập trung vào các loại cây trồng như: Cà phê 5.825,91ha, chanh dây 180,2ha, rau, đậu các loại 191,43ha; với 2 hình thức tưới: phun mưa (dạng bét) và tưới nhỏ giọt áp dụng công nghệ Israel.
Ông Nguyễn Hoài Tâm cho rằng, tưới tiết kiệm có nhiều ưu điểm nổi trội so với tưới truyền thống, đem lại hiệu quả khá cao trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, tăng năng suất cây trồng khoảng 10% - 30%; giảm chi phí công lao động để tưới và chăm sóc khoảng 50% - 70%; lượng nước tiết kiệm so với tưới truyền thống khoảng 30% - 50% tùy từng biện pháp tưới; tăng giá trị sản xuất nông nghiệp/ha khoảng 10% - 50%...
Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm tại Kon Tum còn rất hạn chế so với tiềm năng. Nguyên nhân do thiếu quy hoạch gắn với phát triển tưới tiết kiệm nước; cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân, tổ chức để thúc đẩy ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tưới tiết kiệm chưa hoàn thiện; kiến thức của người dân về khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; chi phí đầu tư cho áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước khá cao (khoảng 60 - 70 triệu/ha).
Cũng theo ông Tâm, trong điều kiện ảnh hưởng do BĐKH, ngoài xây dựng, nâng cấp, sửa chữa những công trình thủy lợi, mương tưới nội đồng trên địa bàn tỉnh để hạn chế tình trạng thiếu nước tưới, thì việc rà soát, quy hoạch và hoàn thiện cơ chế chính sách trong việc triển khai áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm là rất cần thiết.
“Ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm; tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nhằm nâng cao nhận thức của người dân để tích cực tham gia áp dụng mô hình, góp phần nâng cao năng suất cây trồng và tăng thu nhập cho nông dân”, ông Tâm thông tin.