Kon Tum: Bế mạc Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên

21/03/2016 00:00

(TN&MT) – Vào lúc 19h30’ ngày 20/3/2016 tại nhà Rông Kon K’Lor, thành phố Kon Tum diễn ra Lễ vinh danh nghệ nhân ưu tú kết hợp đêm hội cồng chiêng và bế mạc Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa -  Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 năm 2016. Đến dự lễ có Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên.

Tiết mục mở màn hoà tấu nhạc cụ dân tộc của Đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum
Tiết mục mở màn hoà tấu nhạc cụ dân tộc của Đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum

Tại lễ bế mạc Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên, đông đảo người xem được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian của các đoàn nghệ nhân 5 tỉnh Tây Nguyên, gồm: tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc Xơ Đăng: “Tây Nguyên vào Hội” của Đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum, tiết mục: Hát đối đáp dân tộc Ê Đê “Buôn Đuk Kmăn” của Đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk, tiết mục: Hòa tấu cồng chiêng dân tộc Mơ Nông: “Mừng hội” của Đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Nông, tiết mục: Hòa tấu cồng chiêng, xoang, dân tộc Gia Rai “Mừng Chiến thắng” của Đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai và tiết mục: Biểu diễn trang phục dân tộc K’Ho của Đoàn nghệ nhân tỉnh Lâm Đồng.

Trong niềm vui chung của tỉnh Kon Tum và các tỉnh Tây Nguyên, 43 nghệ nhân Kon Tum tham gia Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 năm 2016 được tỉnh Kon Tum tổ chức lễ vinh danh nghệ nhân ưu tú ngay trong đêm 20/3.

Bà Trần Thị Nga – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại Lễ vinh danh nghệ nhân ưu tú trong đêm bế mạc
Bà Trần Thị Nga – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại Lễ vinh danh nghệ nhân ưu tú trong đêm bế mạc

Phát biểu tại Lễ vinh danh nghệ nhân ưu tú trong đêm bế mạc, bà Trần Thị Nga – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết:Văn hóa dân gian vốn có sức sống bền bỉ cùng văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, trong sự va chạm với những yếu tố mới, văn hóa dân gian các dân tộc thiếu số cũng đang đứng trước thách thức của sự mai một. Thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, có thể nói nỗ lực của các giải pháp từ phía quản lý Nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ, việc bảo tồn và phát huy chỉ thực sự bền vững khi các giá trị văn hóa được giữ gìn và tiếp tục sáng tạo bởi chính chủ thể văn hóa. Và một trong những hạt nhân trong việc giữ gìn, sáng tạo và trao truyền cho thế hệ mai sau chính là nghệ nhân dân gian - những viên ngọc quý của văn hóa mỗi dân tộc. Cùng với sự yêu mến, quý trọng của cộng đồng, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm, trân trọng đối với những đóng góp to lớn của mỗi nghệ nhân trong giữ gìn, sáng tạo và trao truyền văn hóa. Việc 43 nghệ nhân của tỉnh Kon Tum được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm ghi nhận, tôn vinh những cá nhân có phẩm chất đạo đức, có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của cá nhân nghệ nhân mà còn là vinh dự chung của tỉnh Kon Tum. Và, trong thời gian tới, với tri thức dân gian và kinh nghiệm của mình,  tôi mong muốn các nghệ nhân tiếp tục phát huy và có nhiều đóng góp hơn nữa trong hoạt động nghệ thuật, để những giá trị văn hóa quý giá của dân tộc được lan tỏa rộng hơn trong tinh hoa văn hóa nhân loại, ngấm sâu vào tâm thức của mỗi người dân, để các thế hệ tự hào, hướng tới cội nguồn của dân tộc”.

Bà Đặng Thị Bích Liên- Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ông Đào Xuân Quí- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum trao bằng chứng nhận danh hiệu nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” và tặng hoa cho 43 nghệ nhân
Bà Đặng Thị Bích Liên- Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ông Đào Xuân Quí- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum trao bằng chứng nhận danh hiệu nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” và tặng hoa cho 43 nghệ nhân

Phát biểu tổng kết Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên 2016, bà Phạm Thị Trung- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiêm Phó trưởng ban Tổ chức Liên hoan nêu rõ: “Về dự liên hoan lần này có hơn 500 nghệ nhân của 14 đoàn tham gia. Các đoàn nghệ nhân đã đem đến cho Liên hoan những loại hình văn hoá dân gian đặc sắc của mỗi cộng đồng; để lại cho người dân Kon Tum cũng như du khách, đại biểu những ấn tượng tốt đẹp về văn hoá – con người, tiềm năng của đại ngàn Tây Nguyên. Về tạc tượng gỗ, các nghệ nhân đã hoàn thành 18 tượng phản ánh sinh động và chân thật của đời sống thường nhật; 22 loại nhạc cụ truyền thống, đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên đều đạt chất lượng cao; hoạt động trưng bày không gian di sản văn hoá Tây Nguyên, trải nghiệm các hoạt động trò chơi dân gian, liên hoan ẩm thực đã để lại những ấn tượng tốt đẹp… Tin rằng với kết quả của  Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 năm 2016 sẽ có sức lan toả trở thành động lực mạnh mẽ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, gắn với việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về vùng Đất – Con người – Văn hoá, cũng như tiềm năng, thế mạnh về du lịch của vùng đất Tây Nguyên đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thắt chặt khối đại đoàn kết, thống nhất của các dân tộc trong khu vực”.

Dưới đây là một số hình ảnh trình diễn nghệ thuật dân gian tại buổi bế mạc Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên:

Âm vang cồng chiêng
Âm vang cồng chiêng

 

Vũ điệu sắc màu Tây Nguyên
Vũ điệu sắc màu Tây Nguyên

 

Đậm đà bản sắc dân tộc Tây Nguyên
Đậm đà bản sắc dân tộc Tây Nguyên

Tin & ảnh: Thu Phương – Quỳnh Anh 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kon Tum: Bế mạc Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO