Kinh tế tuần hoàn - giải pháp tốt nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tách rời ô nhiễm
(TN&MT) - Đó là nhận định của TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT tại Tọa đàm “Báo chí, truyền thông đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển xanh” được tổ chức vào ngày 23/9 tại TP.HCM.
Quy định rõ về lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Theo ông Nguyễn Trung Thắng, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã trở thành xu hướng phổ biến được cộng đồng quốc tế nghiên cứu, thể chế hóa vào các chính sách và triển khai thành các hành động cụ thể ở nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, phát triển KTTH đã được xác định là một trong những giải pháp chính để thực hiện định hướng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có một điều riêng (Điều 142) quy định về KTTH, đồng thời đã quy định nhiều cơ chế, chính sách có vai trò thúc đẩy thực hiện KTTH, như: phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (Điều 75), tính giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích (Điều 79); trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất và nhập khẩu – EPR (Điều 54, Điều 55); tái chế, tái sử dụng chất thải, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh...
Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng đã quy định về lộ trình thực hiện KTTH. Theo đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH; xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình KTTH; xây dựng, ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện KTTH.
Các Bộ, ngành thực hiện xây dựng, phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện KTTH của ngành, lĩnh vực, sản phẩm; tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục, đào tạo về KTTH; lồng ghép các tiêu chí cụ thể thực hiện KTTH ngay trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải; quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu thực hiện KTTH và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ TN&MT; tổ chức áp dụng thí điểm mô hình KTTH đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải theo kế hoạch hành động.
Các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương xây dựng và phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện KTTH; tổ chức áp dụng thí điểm mô hình KTTH; thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ thông tin, dữ liệu thực hiện KTTH và các quy định khác.
Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn
Để thúc đẩy phát triển KTTH trong thời gian tới, ông Nguyễn Trung Thắng cho rằng cần ưu tiên nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện KTTH. Theo đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, pháp luật, thay đổi thói quen, nhận thức và hành động hướng đến hình thành xã hội tuần hoàn vật chất, tạo dựng nét văn hóa, thói quen tốt áp dụng KTTH trong khai thác, sử dụng bền vững các nguồn vốn tự nhiên; thay đổi tư duy coi trọng lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua các lợi ích lâu dài về môi trường, xem chất thải là tài nguyên và là nguồn lực đầu vào cho sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, nâng cao kiến thức, pháp luật về KTTH đến tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội; tuyên truyền, giáo dục để đạt được nhận thức đúng, đầy đủ về KTTH trong cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý; lồng ghép các nội dung giáo dục về KTTH vào chương trình giáo dục các cấp học, bậc học, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng và phát triển Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam và các mạng lưới khác về KTTH.
Ông Thắng cũng đề nghị xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu lực quản lý nhà nước về KTTH. Cụ thể, thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện KTTH; tổ chức xây dựng kế hoạch hành động, lồng ghép KTTH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý chất thải của các Bộ, ngành, địa phương; hình thành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để thúc đẩy thực hiện KTTH.
Bên cạnh đó, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoặc ban hành các chính sách, quy định pháp luật mới để hình thành một khung khổ pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả để thúc đẩy thực hiện KTTH toàn diện. Trong đó, đặc biệt ưu tiên hoàn thiện quy định, gỡ bỏ các rào cản pháp luật để đưa các quy định hiện hành có vai trò thúc đẩy thực hiện KTTH vào thực tiễn như: thiết kế sinh thái; ưu đãi, hỗ trợ, kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT); trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR), tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Hoàn thiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để thực hiện KTTH. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật về thúc đẩy KTTH.
Một giải pháp khác được Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đề xuất là hỗ trợ thúc đẩy áp dụng KTTH trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, áp dụng thành tựu của khoa học và công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn, các mô hình tiêu dùng bền vững.
Cùng với đó, ưu tiên thực hiện quản lý chất thải để thực hiện KTTH thông qua các giải pháp cụ thể để phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, nước thải, khí thải; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hạ tầng thu gom, phân loại và xử lý chất thải; ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý chất thải để thúc đẩy hạ tầng số cho KTTH; thí điểm, nhân rộng và phát triển các mô hình quản lý chất thải theo vùng, miền và địa phương; thúc đẩy áp dụng KTTH trong quản lý chất thải; thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ quản lý chất thải để thực hiện KTTH.
Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cần tăng cường liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế, tổ chức hoạt động giám sát, đánh giá thực hiện KTTH. Trong đó, tận dụng tối đa các nguồn lực, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế để thực hiện KTTH; trong tư vấn, đánh giá và hỗ trợ thực hiện KTTH…