Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có buổi trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Chuyên gia về khoa học và quản lý biển, Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá VN.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Chuyên gia về khoa học và quản lý biển, Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá VN. |
PV: Là một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về phát triển kinh tế biển, ông có thể cho biết thế nào là nền kinh tế biển xanh? và Nghị quyết 36-NQ/TƯ có vai trò như thế nào trong việc đưa Việt Nam hướng đến những mục tiêu phát triển bền vững, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi:
Thực ra kinh tế biển hiện nay có nhiều khái niệm khác nhau, kinh tế biển, kinh tế dựa vào biển, kinh tế dựa vào đảo. Việt Nam đã tiếp cận rất sớm khái niệm kinh tế biển và vận dụng để góp phần quan trọng phát triển kinh tế đất nước. Về khái niệm kinh tế biển xanh là mở rộng hơn, cụ thể hoá khái niệm kinh tế xanh nói chung hướng đến phát triển bền vững. Đặc biệt, sau Hội nghị thượng đỉnh Rio vào tháng 12/2012, chúng ta đã đề cập đến vấn đề này nhiều hơn, và xem đây là nền tảng hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030 mà nhiều nước trên thế giới đã cam kết thực hiện, trong đó có Việt Nam.
Kinh tế biển xanh có nhiều khái niệm khác nhau, tuy nhiên đều thống nhất lấy tài nguyên môi trường làm chất xúc tác để kích hoạt nền kinh tế. Và kinh tế biển xanh suy cho cùng là quá trình phát triển kinh tế biển, đảm bảo tính hiệu quả nhưng không làm tổn hại đến những nguồn tài nguyên và phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường, không làm thay đổi chất lượng môi trường. Nguồn tài nguyên ở đây là nguồn tự nhiên, liên quan đến giá trị nguyên sinh, giá trị văn hóa. Chính vì thế, nói về lý thuyết, kinh tế biển xanh rất coi trọng việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên, xã hội.
Vì vậy tháng 10/2018, trong Nghị quyết 36-NQ/TƯ Chiến lược phát triển kinh tế biển 2030 tầm nhìn 2045, Đảng ta đã xác định rất rõ để đạt được phát triển kinh tế biển bền vững, phải lấy kinh tế biển xanh làm nền tảng, phát huy hiệu quả và gìn giữ được bản sắc văn hóa biển. Đây là vấn đề rất mới không chỉ về nhận thức mà còn mới trong hành động thực hiện các mục tiêu đề ra.
Phát triển kinh tế biển bền vững, phải lấy kinh tế biển xanh làm nền tảng. Ảnh: MH |
PV: Được biết ông là Chủ biên cuốn sách “Kinh tế biển xanh - Các vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam”, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật vừa xuất bản. Vậy ông có thể chia sẻ về nội dung cuốn sách này?
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi:
Khi đặt vấn đề biên soạn cuốn sách, chúng tôi hy vọng đây là một sản phẩm đóng góp một phần vào quá trình triển khai Nghị quyết 36-NQ/TƯ phát triển bền vững kinh tế biển. Sách đã đề cập đến nền tảng tài nguyên, môi trường thế giới nói chung, đại dương, biển Đông và biển Việt Nam nói riêng. Kinh tế biển xanh luôn coi các khía cạnh tài nguyên môi trường môi trường là chất xúc tác để kích hoạt mục tiêu đạt được kinh tế xanh.
Chúng tôi cũng điểm lại những yếu tố tiềm năng biển để nhìn lại ở 2 phía lợi thế và yếu thế. Nếu chỉ nhìn vào lợi thế thì chỉ thấy lợi ích. Nếu nhìn từ góc độ làm chiến lược thì bên cạnh lợi thế phải có những vấn đề yếu thế. Và trách nhiệm của người làm chiến lược, phải biết chuyển từ lợi thế thành lợi ích. Vì thế rất nhiều hệ thống tài nguyên theo cách nhìn cũ sẽ để nó “ngủ say”, thậm chí lãng quên, nhưng với cách tiếp cận kinh tế biển xanh mới, sẽ có giải pháp tiếp cận kích hoạt, ưu tiên phát triển.
Khi đặt vấn đề kinh tế biển xanh cho Việt Nam đã có nỗ lực gì? Sách đã phân tích khá kỹ từ cấp độ quốc gia, tỉnh và cộng đồng. Từ đó đưa ra cách tiếp cận, chính là dựa vào hệ thống không gian biển, muốn tiến ra biển phải dựa vào biển, dựa vào không gian để tìm sự khác biệt vùng miền. Tiếp cận không gian để quản lý biển và tiếp cận quản lý liên ngành để quản lý, quản trị biển cấp quốc gia.
Chúng tôi cũng phân tích trong bối cảnh biển Đông, gợi mở việc muốn tiến ra biển còn một lĩnh vực bỏ trống đó là không gian đô thị biển. Chúng ta mới nói nhiều đến đô thị ven biển, ít nói đến đô thị đảo và chưa hề đề cập đến đô thị nổi trên biển. Điều này cần phải nghĩ đến, bởi đây chính là khả năng tích tụ dân số, khả năng gắn mô hình kinh tế mới, tiếp cận sáng kiến mới, lớn trên đại dương và khắc chế nó khi cần thiết. Đấy là những điểm gợi mở trong quá trình thực hiện giải pháp.
PV: Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù chúng ta đã triển khai Nghị quyết 36 trong 2 năm qua với quyết tâm cao, song để đạt mục tiêu, còn không ít những rào cản, khó khăn và cần phải đi vào những đề xuất, giải pháp cụ thể mang tính đột phá, ông có thể cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi:
Giải pháp có nhiều nhưng tôi nghĩ, muốn thành công vượt qua các rào cản về môi trường, dịch bệnh hay nguồn lực thì chúng ta phải quan tâm đến những vấn đề cốt lõi, coi đó là trụ cột tạo thành công. Nghị quyết 36 đã xác định 6 ngành trọng tâm để xây dựng kinh tế biển, nhưng biết đâu, có những ngành chưa thực sự là trụ cột hiện nay nhưng có vai trò rất quan trọng như ngành xây dựng chẳng hạn. Nếu tương lai không gian đô thị là không gian quan trọng chứ không phải không gian làng xã, và trở thành khu vực phát triển cực thịnh, thì nó sẽ tạo thành động lực lan tỏa rất lớn, làm tốt nhiệm vụ tạo liên kết giữa bờ và biển, giữa đảo và bờ… Như vậy chúng ta mới tạo lại được không gian biển phát triển hoàn chỉnh.
Hy vọng một số không gian rất quan trọng như đô thị biển phải được xem là một hợp phần mới của kinh tế biển, được Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT đề xuất vào giải pháp đạt được mục tiêu phát triển kinh tế biển. Ở đây không phải đề xuất để chúng ta làm mà lôi kéo các ngành cùng thực hiện, cùng nhận thức và tạo sức mạnh liên kết. Vấn đề này cũng cần đề xuất để ra một Chỉ thị, Nghị quyết riêng, ở cấp cao của Đảng, bổ sung vào Chiến lược và mục tiêu Chiến lược; cụ thể hóa trong Quy hoạch không gian biển chúng ta đang xây dựng, tạo chuyển động cho các ngành cùng thực hiện.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!