Kinh Môn (Hải Dương): Đưa công tác quản lý khoáng sản đi vào nền nếp

Phạm Duy| 29/09/2022 06:47

(TN&MT) - Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hải Dương, thị xã Kinh Môn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại khoáng sản phong phú như đá, đất cao lanh, đá phiến sét... Những năm gần đây, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản đã được các cấp chính quyền Kinh Môn quan tâm triển khai, từng bước khắc phục tình trạng lãng phí, khai thác không đúng mục đích.

Chấn chỉnh hoạt động khai thác trái phép

Qua kết quả nghiên cứu, thăm dò, khoáng sản trên địa bàn thị xã Kinh Môn được chia làm 2 nhóm chính gồm: Nhóm khoáng sản kim loại (bô xít phường Phú Thứ); Nhóm khoáng sản phi kim loại và khoáng chất công nghiệp (cao lanh, đá vôi xi măng, đá vôi xây dựng, đá sét xi măng, đất đồi…).

Ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết, Trên địa bàn thị xã hiện có 35 giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho 15 đơn vị. Trong đó, 8 giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT, 27 giấy phép do UBND tỉnh cấp. Đến nay, 14 giấy phép còn hiệu lực, 9 giấy phép hết hiệu lực đang xin gia hạn.

Trước đây, đã có giai đoạn, việc quản lý khoáng sản ở Kinh Môn chưa tốt, doanh nghiệp khai thác nhưng không có giấy phép, khai thác quá giấy phép hoặc khai thác xong nhưng không hoàn thổ... gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, nguồn thu cho ngân sách.

anh-1-4-.jpg
Hải Dương tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại thị xã Kinh Môn

Khắc phục tình trạng trên, UBND thị xã đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các ngành chức năng, UBND các xã, phường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về khoáng sản và các quy định pháp luật khác có liên quan, đồng thời, vận động nhân dân tham gia phát hiện, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Bên cạnh đó, UBND thị xã Kinh Môn cũng tích cực chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đoàn liên ngành thị xã và UBND các xã - phường tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động khoáng sản, nhất là các hoạt động khai thác cát, đất đồi trái phép và công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Năm 2022, thị xã đã kiểm tra, xử lý 9 trường hợp, chủ yếu là mua bán khoáng sản (cát, đất, than) không rõ nguồn gốc.

UBND thị xã đã giao Phòng TN&MT phối hợp với UBND phường Phú Thứ giám sát việc tạm dừng khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Hoàng An tại mỏ đá vôi núi Thần, phường Phú Thứ; giám sát việc đóng cửa mỏ, hoàn thổ, cải tạo phục hồi môi trường của Công ty xi măng Phúc Sơn tại mỏ đá vôi Nhẫm Dương, phường Duy Tân và Công ty Cổ phần khai thác, chế biến khoáng sản Hải Dương tại mỏ đá vôi Tân Sơn, phường Phú Thứ.

Tiếp tục nâng cao trách nhiệm quản lý tại cơ sở

Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song thực tế quản lý khoáng sản tại Kinh Môn vẫn tồn tại một số hạn chế: Vẫn còn tình trạng mỏ đã kết thúc khai thác nhưng chưa thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường; Còn tình trạng doanh nghiệp khai thác chưa tuân thủ đầy đủ nội dung giấy phép được cấp; Ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng của một số doanh nghiệp khi thực hiện dự án khai thác khoáng sản chưa cao, chạy theo lợi nhuận, giảm chi phí đầu tư, trốn tránh trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường, cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn Văn Cường, thời gian tới, Kinh Môn hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững theo định hướng chung của tỉnh. Do đó, thị xã xác định, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và toàn dân trong việc thực hiện và chấp hành chính sách pháp luật về khoáng sản.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ tài nguyên khoáng sản trong đội ngũ cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp. Tuyên truyền vận động người dân tham gia tích cực trong việc phát hiện các hành vi vi phạm về hoạt động khoáng sản, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

Tăng cường kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm trong quản lý, khai thác khoáng sản. Giám sát chặt chẽ công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản. Xử lý nghiêm các trường hợp khai thác vượt phạm vi khu vực được cấp phép và vi phạm về vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, môi trường tại các mỏ khoáng sản.

Quản lý tốt các trường hợp được cấp phép khai thác khoáng sản. Chỉ cho phép tổ chức, cá nhân được cơ quan Nhà nước cấp Giấy phép khai thác còn hiệu lực khai thác khi thực hiện đầy đủ các thủ tục về thuê đất, cắm mốc, đăng ký ngày xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với cơ quan có thẩm quyền, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của chủ giấy phép theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh Môn (Hải Dương): Đưa công tác quản lý khoáng sản đi vào nền nếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO