Kiến Thụy - TP. Hải Phòng: Đền bù cho dân với giá 0 đồng?
(TN&MT) - Thời gian qua, một số hộ dân sống tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy (Tp. Hải Phòng) bức xúc vì Hội đồng GPMB huyện Kiến Thụy chỉ đền bù đất, tài sản trên đất với giá 0 đồng! Cơ sở nào mà UBND huyện Kiến Thụy lại đưa ra quyết định “tréo ngoe” như vậy?
Vì làng dân “mất trắng”
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Trường, trú tại thôn Kỳ Sơn, xã Tân Trào cho biết: Ngày 18/4/2010, anh có mua ½ cái ao của gia đình ông Vũ Văn Hậu là người cùng làng, trên tổng diện tích 1104 m2. Chiếc ao này, vốn được gia đình ông Hậu sử dụng từ năm 1994. Đến ngày 16/9/2012, gia đình được Ban vận động xây dựng Làng văn hóa Kỳ Sơn gồm: Bí thư chi bộ, Trưởng, Phó thôn và các trưởng xóm 1, xóm 2 vận động gia đình “nhường” lại cái ao để làng kiến thiết lại cảnh quan, phong thủy cho làng. Vì nể nên gia đình tôi và một số hộ khác đã đồng ý đổi đất.
Anh Trường cho biết thêm, sau khi đổi đất, tôi và một số hộ ra khu đất ở Đồng Mõ canh tác. Chứng kiến sự việc còn có cán bộ xã là ông Đoàn Đắc Huy, Vũ Văn Phúc, Vũ Văn Lương... Nay ông Phúc vẫn làm Chủ tịch UBND xã Tân Trào, ông Lương làm cán bộ địa chính.
Vừa rồi, nhận quyết định thu hồi đất, những người dân ở thửa đất nói trên hết sức “ngỡ ngàng” khi thấy mình được đền bù với giá “0 đồng”. Quá bức xúc, các gia đình làm đơn kêu cứu. Anh Trường bức xúc: Cũng là đất giống trường hợp nhà anh, nhưng có 8 hộ dân ở thôn Kim Sơn (thuộc xã Tân Trào) được đền bù nhưng gia đình anh lại không được đền.
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: Theo Quyết định số 2629/QĐ-UBND, ngày 21/6/2023 của UBND huyện Kiến Thụy quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản gắn liền với đất thu hồi để thực hiện dự án đường Tỉnh lộ 354, do ông Lưu Văn Thụy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy ký, thì tổng diện tích đất kiểm kê, thu hồi là 634,3 m2. Trong đó, đất trong chỉ giới 591,3 m2 và ngoài chỉ giới 43,0 m2. Tổng tiền hỗ trợ đền bù về đất, tài sản gắn liền với đất là “0 đồng”. Dù trước đó, vào ngày 3/6/2023, các hộ dân cũng đã có buổi đối thoại với ông Lưu Văn Thụy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy để trình bày rất rõ ràng nguồn gốc mảnh đất.
Xã thừa nhận đất có nguồn gốc, huyện chối bỏ đền bù
Ông Đoàn Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết: Sự việc gia đình anh Nguyễn Văn Trường, Việt, và ông Hậu kêu cứu về chuyện không được đền bù đất và tài sản trên đất là có thật. Nguồn gốc mà các hộ dân ra khu vực Đồng Mõ, lúc trước là đất Ngòi Thùng thuộc thửa đất số 201 + 202, tờ bản đồ giải thửa số 03, do HTX Nông nghiệp Kỳ Sơn quản lý. Năm 1993, HTX Nông nghiệp Kỳ Sơn không quản lý nữa, giao lại cho xã Tân Trào. Xã giao cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản. Và năm 2006 giao cho ông Nguyễn Văn Việt, đồng thời tới năm 2011, ông Vũ Văn Hậu, Nguyễn Văn Trường được thôn đổi ra đó. Giờ đất đai bị thu hồi, xã cũng đã làm báo cáo nguồn gốc của mảnh đất cụ thể lên UBND huyện rồi nhưng thẩm quyền đền bù là của UBND huyện Kiến Thụy.
Trao đổi với ông Nguyễn Đỗ Điển, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất, cho biết: “Việc đền bù giá “0 đồng” với các hộ dân tại xã Tân Trào là theo tham mưu của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Thụy. Trung tâm chỉ làm theo ý của bên đó, nếu bên đó bảo đền, chúng tôi đền ngay. Còn không thì không có cơ sở để đền bù”.
Sau đó phóng viên liên hệ điện thoại với ông Bùi Văn Tiếp, Chánh VP UBND huyện Kiến Thụy, ông này cho biết: Mình đang bận việc, có gì cứ liên hệ với đồng chí Phó Chánh Văn phòng. Sau đó phóng viên có đến đặt lịch làm việc qua Văn phòng nhưng đến nay vẫn không thấy UBND huyện Kiến Thụy hồi đáp.
Luật sư Nguyễn Văn Nam, Văn phòng Luật sư
Hồng Bách cho rằng: Theo quy định từ các điều 74 đến 83 của Luật đất đai 2013
và các Văn bản hướng dẫn thi hành: Người đang sử dụng đất khi bị Nhà nước thu hồi
vì lý do phát triển kinh tế - xã hội sẽ được Nhà nước xem xét, quyết định bồi
thường, hỗ trợ một trong những khoản sau: Bồi thường về đất (nếu đủ điều kiện
theo quy định tại điều 75 của Luật đất đai); Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại
(nếu có); Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề
và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia
đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh
dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;
Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu
hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải
di chuyển chỗ ở; Hỗ trợ khác (nếu có);
Theo ông Đoàn Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Trào: Thửa đất các hộ dân đang quản lý, sử dụng
có nguồn gốc là đất công ích do UBND xã Tân Trào quản lý. Như vậy, căn cứ theo
điểm d khoản 1 điều 76 Luật đất đai 2013, trường hợp này các hộ dân sẽ không được
bồi thường về đất nhưng được xem xét bồi thường về các khoản chi phí đã đầu tư
vào đất còn lại nếu trước đây họ đã đầu tư vào đất.
Ngoài ra, theo quy định tại điều 24 Nghị định
số 47/2014/NĐ-CP thì trong trường hợp này người bị thu hồi đất là đất công ích
của xã, phường, thị trấn được hỗ trợ, mức hỗ trợ cao nhất có thể bằng mức bồi
thường, mức bồi thường này được chi trả cho người chủ sử dụng đất là UBND xã
Tân Trào. Trường hợp này, UBND huyện Kiến Thụy phải ban hành 02 quyết định thu
hồi đất đối với các hộ gia đình đang trực tiếp sử dụng đất và quyết định thu hồi
đất đối với UBND xã Tân Trào, trong trường hợp chưa ban hành Quyết định thu hồi
đất đối với UBND xã Tân Trào thì phải chi trả khoản bồi thường này cho các hộ
dân.
Đặc biệt, theo quy định tại điều 25 của
Nghị định này quy định trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông
nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường
theo quy định tại Điều 75 của Luật Đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét
hỗ trợ cho phù hợp với thực tế của địa phương.
Như vậy, việc UBND huyện Kiến Thụy thu hồi
đất của các hộ dân với mức đền bù, hỗ trợ bằng 0 đồng không phù hợp với quy định
pháp luật.
Báo Tài nguyên và môi trường sẽ tiếp tục thông tin...