Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM: Muốn có cơ chế đột phá xóa “điểm nghẽn” hạ tầng kết nối giao thông
TP.HCM giữ vị trí cửa ngõ giao thương, đóng vai trò quan trọng, làm động lực phát triển để lan tỏa đến các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, giữ vai trò quan trọng trong việc gắn kết các tỉnh, thành của ĐBSCL với các tỉnh, thành của miền Đông Nam Bộ. Chính vì vậy, việc tập trung đầu tư mới cũng như nâng cấp hệ thống giao thông hiện hữu để đảm bảo giao thông thông suốt giữa các tỉnh ĐBSCL với TP.HCM cũng như với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là điều kiện tiên quyết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực.
Hiện nay, việc kết nối hạ tầng giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, trong đó, các trục kết nối về đường bộ giữa TP.HCM và ĐBSCL mới được đầu tư giai đoạn 1 (như cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn...) hoặc đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư, sắp triển khai đầu tư (như Vành đai 3 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch và đoạn Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 - Bến Lức, Vành đai 4 đoạn Bến Lức - Hiệp Phước, Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài...). Luồng tuyến giao thông thủy dày đặc, nhưng không đồng cấp, nhất là về độ sâu, độ tĩnh không thông thuyền chưa đảm bảo theo cấp quy hoạch, tuyến giao thông thủy huyết mạch từ TP.HCM đi các tỉnh vùng ĐBSCL phải qua kênh Chợ Gạo nhưng tuyến kênh này không đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng tàu thuyền ngày càng tăng. Vì thế, đẩy nhanh thực hiện Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tăng cường đầu tư hạ tầng kết nối giữa TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung với vùng ĐBSCL là cấp thiết.
TP.HCM đã kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong thời gian tới. Trong đó, cần phải có giải pháp huy động nguồn lực bằng cách tăng cường mời gọi đầu tư, đa dạng nguồn lực trong huy động để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt, các hạ tầng giao thông quan trọng có vai trò động lực, lan tỏa, liên kết vùng, kết nối ĐBSCL với TP.HCM và hệ thống giao thông quốc gia.
TP.HCM kiến nghị Chính phủ cho tách riêng công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án riêng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm. Đối với dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, giao cho TP.HCM làm đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tổ chức kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP. Đối với các tuyến Vành đai 3, 4, cần sớm thông qua chủ trương đầu tư, bổ sung vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 làm cơ sở để thành phố tạm ứng ngân sách thực hiện giải phóng mặt bằng trong giai đoạn 2019 - 2020 và Bộ GTVT có kế hoạch đầu tư thực hiện dự án hoàn thành giai đoạn 2020 - 2025.
Ngoài ra, TP.HCM mong muốn, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ĐBSCL tăng cường cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ trên các tuyến đường thủy nội địa để giảm áp lực cho vận tải đường bộ, đặc biệt là vận tải liên vùng, quốc tế. Xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics của vùng, thực sự đóng vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa, điều tiết hợp lý giữa các phương thức vận tải, góp phần giảm tải cho vận chuyển đường bộ. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối các đô thị vệ tinh liên vùng.q
Ông Lê Minh Hoan, Bí Thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: Cần kết nối chính quyền, doanh nghiệp, người dân 13 tỉnh, thành
Làm việc tại Hàn Quốc, tôi được nghe giới thiệu nền nông nghiệp của họ đã trải qua 4 giai đoạn từ Cách mạng xanh, Cách mạng trắng, Cách mạng tri thức và hiện nay họ đang sống trong cuộc cách mạng mang lại giá trị cao. Vậy bao giờ nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đạt được như vậy? Đồng thời, bao giờ vùng ĐBSCL có những khu công nghiệp lớn như: Samsung, Trường Hải ôtô, Lọc hóa dầu Nghi Sơn…?
Để hiện thực hóa Nghị quyết số 120/NQ-CP với những mục tiêu chắc chắn sẽ đem lại những thay đổi đột phá cho toàn vùng trong bối cảnh tình trạng BĐKH rất cần sự kết hợp đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến phát triển sản xuất nông nghiệp. Tầm nhìn không chỉ phát triển ĐBSCL thích ứng BĐKH mà là để ĐBSCL cất cánh.
Về câu chuyện nông nghiệp ĐBSCL, làm sao để nông dân có thể là doanh nhân, có thể làm giàu trên mảnh đất của mình? Theo tôi, điều quan trọng là kết nối hạ tầng, nhưng quan trọng hơn, là kết nối của lãnh đạo 13 tỉnh, thành, của cộng đồng doanh nghiệp của vùng ĐBSCL để tạo một sức mạnh chung.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Đến năm 2020, sẽ chấm dứt khai thác nước ngầm
Mỗi năm, Cà Mau sạt lở khoảng 400ha, trong đó, hơn 300ha là rừng phòng hộ ven biển. Cà Mau chưa hình thành tuyến đê biển nên tình trạng sạt lở diễn ra mạnh, khả năng chống chịu và thích ứng với nước biển dâng rất hạn chế; trong khi xâm nhập mặn ngày càng sâu, các hình thức liên kết chậm phát triển, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Hiện tượng bồi đã hết, lở ngày càng sâu nên tỉnh đề nghị Trung ương và các nhà khoa học cần nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân chính để giải quyết triệt để vấn đề này. Nguồn lực của tỉnh không đủ để đầu tư các công trình thích ứng, chống chịu trước tác động BĐKH.
Hiện, tỉnh Cà Mau đang phấn đấu để giảm các tác động của BĐKH, nỗ lực đến năm 2020 chấm dứt khai thác nước ngầm theo chủ trương của Chính phủ. Tuy vậy, để thực hiện được điều này cần đa dạng cung cấp nguồn nước ngọt, có lộ trình cụ thể thay thế nguồn nước ngầm. Do đó, trước mắt, tỉnh kiến nghị đầu tư nạo vét sâu các tuyến kênh rạch U Minh Thượng, U Minh Hạ để trữ nước mưa, vận động và hỗ trợ người dân ven biển trữ nước mưa. Về lâu dài, cần đầu tư hệ thống kênh trục, cần thiết đầu tư bơm trữ nước ngọt để đưa nước từ sông Hậu đáp ứng nước sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy cho Cà Mau và các tỉnh Nam sông Hậu; xây dựng các vùng phân ranh nước ngọt, nước lợ, nước mặn; tổ chức lại sản xuất theo quy mô hàng hóa lớn thông qua hình thức liên kết nâng cao giá trị, hỗ trợ tìm ra các nguyên nhân sạt lở để triển khai các công trình kè đê biển, cùng với các giải pháp phi công trình phù hợp.
Chính phủ cần có cơ chế chính sách khuyến khích thu hút đầu tư thực hiện các công trình thích ứng BĐKH. Ví dụ, khi học bỏ vốn ra thực hiện công trình kè, giao phần đất bên trong kè cho họ phát triển các dự án, các nhà đầu tư sẽ tham gia giữ đất, giữ rừng không bị sạt lở. Vấn đề đầu tư thủy lợi, nhu cầu rất lớn, cần theo thứ tự ưu tiên nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng, kết nối đồng bộ gắn giao thông thủy nội địa với các loại hình giao thông khác để tạo kết nối giao thông liên hoàn cho vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư vào vùng; hỗ trợ vốn để tỉnh thực hiện chương trình bố trí dân cư, đào tạo nghề cho người dân vào các khu dân cư.
Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Sớm có những dự án liên kết vùng
Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ đã xác định cơ cấu sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL trong thời gian tới theo 3 trọng tâm: Thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái. Hiện nay, tỉnh An Giang đang gặp các khó khăn trong việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thích ứng với lũ ở vùng thượng ĐBSCL trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, diễn biến lũ bất thường, ảnh hưởng từ nhiều yếu tố chủ quan từ việc điều hành các hồ chứa thủy điện và mưa cực đoan đã gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo lũ hàng năm, điều này ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh.
Ngoài ra, do thị trường đầu ra chưa ổn định, các sản phẩm rau quả, cây ăn trái còn gặp phải một số rào cản về kỹ thuật và pháp lý.
Vì vậy, tỉnh An Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, tổng hợp báo cáo Chính phủ chỉ đạo đối với các nội dung như: Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban sông Mê Công Việt Nam và Ủy hội sông Mê Công quốc tế trong việc xây dựng Cơ chế hợp tác quản trị nguồn nước xuyên biên giới với Campuchia và xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện hiệu quả cơ chế hợp tác này.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng ĐBSCL, tăng cường và nâng cao hiệu quả liên kết vùng; đầu tư, hoàn chỉnh một số công trình quy mô lớn, tác động toàn vùng, như: Dự án Cơ sở hạ tầng tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên; Dự án đầu tư xây dựng hồ trữ lũ, cấp ngọt Trà Sư - Tri Tôn; Dự án đầu tư tăng cường khả năng thoát lũ và chuyển dịch cơ cấu cây trồng (T4, T5, T6, 10 Châu Phú, Xáng Vịnh Tre)…