Kiên Giang: Bảo đảm nước sạch cho vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer

Quốc Đạt| 24/02/2020 16:39

(TN&MT) - Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc.

Diện tích tự nhiên là 6.348,53 km2, dân số trên 1,7 triệu người trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số có 65.455 hộ, với 275.009 người, chiếm 15,48% (có hơn 13% đồng bào Khmer và 2,7% đồng bào dân tộc Hoa). Những năm gần đây, Kiên Giang đã chú trọng đầu tư hệ thống cấp nước nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số.

Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Kiên Giang đã tập trung sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và các nguồn lực khác để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã vùng sâu, vùng xa. Các chương trình quốc gia về giảm nghèo, Chương trình 135 đã đầu tư gần 80 tỷ đồng để xây dựng 121 công trình, gồm cầu, đường giao thông, nạo vét kênh thủy lợi, xây dựng trạm y tế, trường học…

5-1-.jpg

Máy lọc nước được trao tại Chùa Cà Nhung, Xã Định Hòa, huyện Gò Quao, Kiên Giang. Ảnh: kiengiang.gov.vn

Kiên Giang đã cấp nước sinh hoạt phân tán cho 7.910 hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo, với kinh phí trên 10 tỷ đồng; xây dựng 19 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho vùng đồng bào dân tộc Khmer, với tổng kinh phí trên 135 tỷ đồng. Tỉnh đầu tư 10 công trình điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của 7.967 hộ ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, với kinh phí trên 91,5 tỷ đồng. Song song đó, các ngành, các cấp đã đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng bao gồm cầu, đường giao thông nông thôn, trạm xá, trường học, hệ thống thủy lợi… trong vùng đồng bào dân tộc Khmer với kinh phí trên 300 tỷ đồng.

Cùng với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, trong những năm qua, Kiên Giang đã huy động các nguồn vốn khác ngoài xã hội để đầu tư hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Khmer. Thông qua các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cấp, các tổ chức từ thiện, xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, hơn 2.000 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương đã được xây dựng cùng hơn 50 cầu bê tông, 800 cây nước bơm tay, hàng chục km đường giao thông nông thôn trị giá hàng chục tỷ đồng đã mang lại lợi ích cho đồng bào. Những việc làm trên thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Tỉnh cũng đã tổ chức triển khai nhiều chương trình, dự án về cấp nước sinh hoạt. Kết quả, tỉnh đã đầu tư xây dựng trên 54 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và hỗ trợ cho trên 25.000 dụng cụ chứa nước diện phân tán để phục vụ cho trên 200.000 người dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh sử dụng, với kinh phí đầu tư trên 300 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn ngân sách hỗ trợ theo quy định, địa phương còn vận động các tổ chức từ thiện và các dự án khác, đã hỗ trợ đóng trên 1.200 giếng nước bơm tay, 562 bồn, lu, kiệu chứa nước, trị giá trên 2,6 tỷ đồng.

5-2-.jpg

Người dân vui mừng khi có nước sạch sử dụng. Ảnh: MH

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong vùng đồng bào dân tộc Khmer còn nhiều, nhiều nơi người dân chủ yếu là dùng nước sinh hoạt từ sông, rạch, ao, hồ chưa qua xử lý, nhiều vùng trong tỉnh nguồn nước mặn xâm nhập sâu, vì vậy nhu cầu cần đầu tư xây dựng những công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và hỗ trợ dụng cụ chứa nước sinh hoạt là nhu cầu bức thiết hiện nay. Trong khi đó, nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh để đầu tư chưa đáp ứng kịp, như Đề án thực hiện Quyết định số 2085 /2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ chưa được Trung ương phân bổ vốn để thực hiện. Hiện nay, còn 3.668 hộ cần hỗ trợ nước sinh hoạt diện phân tán, với kinh phí dự kiến trên 6 tỷ đồng.

Theo ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, để thực hiện tốt các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc Khmer đặc biệt là việc đảm bảo nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc Khmer trong thời gian tới, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt.

Có chính sách ưu tiên về mặt bằng, thuế để huy động mọi thành phần kinh tế đầu tư và cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên Giang: Bảo đảm nước sạch cho vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO